Nhân Ngày Trẻ em Thế giới năm 2024, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp cùng các đối tác, trong đó có Bộ NN-PTNT, tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới vào sáng 20/11.
Sự kiện kêu gọi mạnh mẽ hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều có quyền lớn lên và sinh sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và bền vững trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng về khí hậu và môi trường.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc cho biết, “sự kiện hôm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe tiếng nói của trẻ em và thanh thiếu niên, một trong những trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh COP29. Buổi lễ hôm nay cũng để tôn vinh Việt Nam, quốc gia đầu tiên trong khu vực và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em”.
Trong đó, UNICEF luôn nhấn mạnh khủng hoảng khí hậu là khủng hoảng quyền trẻ em, làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, dinh dưỡng và bảo vệ trẻ em, gây ra những tác động sâu sắc và lâu dài đến tương lai của các em. Ngày 20/11 hằng năm là dịp đánh dấu kỷ niệm Công ước về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc, sự kiện diễn ra cách đây 35 năm.
Về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động vì khí hậu gắn liền với lợi ích lâu dài cho thế hệ trẻ. Là lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống phòng chống thiên tai, ông khẳng định ưu tiên hàng đầu là đảm bảo trẻ em được tiếp cận nước sạch, dinh dưỡng và giáo dục, dù trong bối cảnh thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng chỉ rõ những hệ lụy nghiêm trọng, như việc học tập bị gián đoạn, sức khỏe suy giảm do thiếu dinh dưỡng và nước sạch, cùng các chấn thương tâm lý từ việc trải qua thiên tai. Các thống kê đáng lo ngại cho thấy tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tăng cao sau thiên tai, đặt ra yêu cầu cấp thiết về bảo vệ nhóm đối tượng dễ tổn thương này.
Để bảo vệ trẻ em trước rủi ro thiên tai, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, chính sách, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai, trong đó tăng cường nhận thức thông qua giáo dục được cho là thiết thực.
“Bộ NN-PTNT đã phối hợp với UNICEF và Bộ GD-ĐT xây dựng các tài liệu tuyên truyền, cấp phát sổ tay, tổ chức các cuộc thi vẽ tranh và tập huấn nâng cao nhận thức phòng chống thiên tai cho trẻ em. Những hoạt động này không chỉ trang bị kiến thức mà còn khuyến khích trẻ chủ động tham gia bảo vệ bản thân và cộng đồng”, Thứ trưởng cho biết.
Đơn cử như cuộc thi vẽ tranh, cuộc thi “Một ngày làm phóng viên nhí về phòng, chống thiên tai” do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản tổ chức.
Hơn nữa, Khung hành động Sendai (2015 – 2030) đã đặt mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu của trẻ em và thanh thiếu niên trước thiên tai, hướng tới một tương lai an toàn và bền vững. Đảm bảo trẻ em có môi trường học tập, sinh sống an toàn và học cách tự bảo vệ mình là yếu tố cốt lõi. Những nỗ lực này không chỉ giải quyết thách thức hiện tại mà còn góp phần xây dựng thế hệ tương lai khỏe mạnh, sáng tạo và phát triển toàn diện.
Buổi lễ còn là dịp kết nối và trao đổi giữa các thế hệ, nơi cùng thảo luận về những hành động vì khí hậu hôm nay nhằm mang lại lợi ích cho thế hệ mai sau. Họ là đại diện từ Trung tâm Ứng phó Biến đổi Khí hậu, Bộ TN-MT, nhà giáo, học sinh và nhà hoạt động về khí hậu, cùng chia sẻ về các sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu do người trẻ thực hiện, đồng thời khuyến khích nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Các hoạt động này giúp trẻ em truyền tải thông điệp khí hậu một cách gần gũi và hiệu quả.
Theo UNICEF, hằng năm có khoảng 175 triệu trẻ em chịu ảnh hưởng bởi động đất, lốc xoáy và hạn hán trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, cơn bão Yagi đã khiến 1.776 trường học bị đóng cửa hoặc hư hỏng, ảnh hưởng gần 1 triệu trẻ em. Những điểm sơ tán không đủ điều kiện sinh hoạt làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thiếu nước sạch, đồng thời hạn chế sự phục hồi về thể chất và tinh thần của trẻ em sau thiên tai.
Nguồn: nongnghiep.vn