Chiều ngày 6/9, bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An thông tin tổng quan: “Từ định hướng chỉ đạo của cấp trên, toàn ngành đã tập trung toàn lực, phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương, khuyến khích người dân khẩn trương thu hoạch lúa hè thu. Với chủ trương xanh nhà hơn già đồng, nếu lúa chín trên 80% cần thu hoạch ngay, qua nắm bắt đã triển khai được trên 40.000ha, tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng thuộc các huyện như Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên. Số còn lại phân bổ chủ yếu ở địa bàn miền núi, gieo cấy muộn do phụ thuộc nước tưới.
Ngành nông nghiệp đã tính toán kỹ lưỡng các phương án có thể xảy đến, trường hợp bão đổ bộ vào, nếu hoàn lưu gây mưa lớn thì dừng kế hoạch gieo trồng cây vụ đông và trồng mới cây ăn quả. Những vùng ngập úng phải đẩy nhanh quá trình nạo vét kênh mương, tiêu thoát kịp thời. Các công ty thủy nông phải thường xuyên nắm bắt diễn biến để phối hợp cùng các đơn vị liên quan nhằm vận hành hệ thống công trình hiệu quả, qua đó hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra”.
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, ý thức được mức độ khủng khiếp của cơn bão số 3, toàn tỉnh Nghệ An đã nêu cao tinh thần ứng phó, cơ bản đều chủ động đi trước 1 bước.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành chia sẻ: “Kế hoạch ứng phó bão Yagi được triển khai xuyên suốt từ trên xuống dưới, chủ trương chung là không chủ quan, lơ là, nhất nhất phải bám theo định hướng, chỉ đạo. Vụ hè thu 2024 toàn huyện Yên Thành gieo cấy 11.000ha, đến nay chỉ còn lác đác khoảng 200ha”.
Tại huyện Hưng Nguyên, không khí đang khẩn trương hơn bao giờ hết, tính ra toàn huyện chỉ còn khoảng 900ha lúa hè thu “sót” lại trên đồng, 1/3 trong số này thuộc địa bàn xã Hưng Tây.
Qua trao đổi, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tây Cao Minh Lực cho hay: “Do tính chất cấp thiết, từ ngày 5/9 xã đã điều 10 máy gặt để hỗ trợ bà con thu hoạch lúa trước khi mưa bão ập đến, các hộ cũng tranh thủ thời gian có nắng để phơi thóc. Đến 23h đêm qua, thời tiết bắt đầu thay đổi, một số điểm xảy ra mưa lớn, dông lốc buộc chúng tôi phải huy động lực lượng an ninh và dân quân tự vệ khẩn trương di chuyển lúa đã gặt đến nơi an toàn, vất vả một chút nhưng tài sản của bà con được đảm bảo nên chẳng ai nề hà”.
Ông Nguyễn Hoài Ân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên nhấn mạnh: “Huyện đã chủ động rà soát các điểm có thể xảy ra ngập úng, sạt lở để chủ động xử lý. Nhiều phương tiện, máy móc chuyên dụng đã được huy động kịp thời để khơi thông dòng chảy tại hệ thống kênh Lê Xuân Đào, Hoàng Cần, tuyến T16, T18, nơi bị ảnh hưởng do thi công cao tốc Bắc Nam. Đối với các điểm đối diện nguy cơ sạt lở khu vực bờ sông, chân núi cần chuẩn bị phương án di dân khi cần thiết”.
Nguồn: nongnghiep.vn