Nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế
Sở hữu gần 1.500.000 ha đất nông nghiệp là nền tảng vững chắc để tỉnh Nghệ An tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị bền vững.
Đây thực sự là hướng đi đúng đắn nếu nhìn vào số sản phẩm được chứng nhận OCOP chạm ngưỡng 700, qua đó giúp Nghệ An vươn lên đứng thứ 2 cả nước về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Đây cũng được xem là nền tảng để địa phương này mở rộng quy mô sản xuất nông, lâm nghiệp,.
Bám sát định hướng chỉ đạo, những năm qua Ban quản lý Diễn đàn thị trường nông nghiệp đã xây dựng nhiều mô hình theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và áp dụng công nghệ cao. Nhiều chuỗi giá trị trong sản xuất và chế biến đã hình thành, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch.
Trong năm 2024, Ban quản lý Diễn đàn thị trường nông nghiệp tỉnh Nghệ An ghi dấu ấn qua 2 mô hình điểm là “trồng dưa lưới trong nhà màng đạt tiêu chuẩn VietGAP” và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương có quy mô 1.200 m2, sản lượng dự kiến đạt 12,6 tấn/năm; mô hình “trồng táo xen đu đủ theo hướng công nghệ cao” và tại xã Hưng Đông, TP Vinh với quy mô 3.000 m2.
Trước đó là mô hình sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất cam đạt tiêu chuẩn hữu cơ; ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình trồng rau ăn lá đạt tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ ứng dụng KHCN xây dựng mô hình trồng dưa lưới bằng giá thể trong nhà màng đạt tiêu chuẩn VietGap; chăn nuôi gà thương phẩm tiêu chuẩn VietGAHP; trồng mận nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế cho đồng bào xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn; trồng khoai sọ tại huyện Quế Phong…
Hợp tác xã nông nghiệp Thành Vinh, địa chỉ tại vùng Soi Bãi, xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện liên kết. Trước khi “tỏa nắng” trên đất Nghệ An, Hợp tác xã đã tạo dấu ấn đậm nét khắp Nam chí Bắc, chiếm trọn niềm tin của số đông nông dân các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Thanh Hóa… nhờ uy tín và hiệu quả thực tiễn trên ruộng đồng.
Nhận thấy Nghệ An có hệ thống đất màu ven sông Lam phong phú, đa dạng, Hợp tác xã Thành Vinh đã không tiếc tiền đầu tư, đổ nhiều tỷ đồng để xây dựng mô hình liên kết theo hướng hữu cơ. Ban đầu chỉ trồng sâm ngưu bàng, về sau trồng thêm dưa chuột, bí xanh. Nền tảng khoa học công nghệ, kết hợp tầm nhìn nhìn nhạy bén đã tạo nên bước ngoặt mang tính căn cơ.
“Bà con trước đây chủ yếu sản xuất, canh tác truyền thống, hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi tham gia liên kết, mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tình hình đã hoàn toàn đổi khác. Chủ trương đi kèm với chính sách, chúng tôi cam kết mang lại cho nhà nông giá trị tương xứng với sức lao động họ bỏ ra, nhờ đó không ngừng gia tăng diện tích liên kết qua từng năm.
Hiện tại quy mô đã nâng lên khoảng 150 ha, rải khắp các huyện có thế mạnh trồng màu như Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nam Đàn, Hưng Nguyên. Áp dụng khoa học công nghệ, nắm vững quy trình canh tác giúp bà con nông nhàn hơn xưa, trên hết là hiệu quả kinh tế thu về, bình quân mỗi hộ cho thu nhập tối thiểu 50 triệu đồng/ha”, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thành Vinh bộc bạch.
Quảng bá truyền thông có lớp lang
Từ định hướng chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN-PTNT, năm 2024 Ban quản lý Diễn đàn thị trường nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các đoàn chuyên gia của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Jica) thường xuyên khảo sát, hỗ trợ cho các cơ sở tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Từ nền tảng vững chắc được gây dựng qua nhiều năm, ngành nông nghiệp Nghệ An đã phối hợp nhịp nhàng với Công ty Farmer Co-op (Nhật Bản) triển khai khảo sát, thu thập các thông tin sản xuất, thị trường tỏi để thực hiện Dự án khảo sát xác minh kinh doanh SDGS với khu vực tư nhân nằm phát triển chuỗi giá trị tỏi Sanuki trên địa bàn.
Tương tự, đã phối hợp với Công ty Green Cacbon (Nhật Bản) triển khai Dự án “Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tại Nghệ An”, kế hoạch kéo dài trong giai đoạn 2024 – 2033. Trong năm mở màn đã triển khai được 11.000ha trên cây lúa tại các huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Đô Lương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên.
Không chỉ có thế, Nghệ An còn vận dụng linh hoạt mối quan hệ để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, đặc sản như trà hoa vàng, súp, miến lươn, trà shan tuyết, tinh dầu gừng Kỳ Sơn, rượu nếp cẩm Tương Dương, lạc sen Diễn Châu… tại các cửa hàng quà lưu niệm, đặc biệt là các lễ hội của người Nhật tại Hà Nội…
Muốn gây dựng thương hiệu đòi hỏi nhiều công đoạn, yếu tố, trong đó không thể bỏ qua công tác thu thập và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cần thiết. Năm 2024 Ban quản lý Diễn đàn thị trường nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã thu thập và chia sẻ rộng khắp thông tin của 120 công ty, doanh nghiệp, trên 700 HTX, hơn 500 tổ hợp tác, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như một số ngành nghề khác, sức lan tỏa đến tức thì.
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, hiện toàn tỉnh có 385 Công ty, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh với gần 700 sản phẩm đạt OCOP được hiện diện thường xuyên tại các diễn đàn, hội chợ và các hệ thống bán hàng uy tín. Đặc biệt có khoảng 22 cơ sở với 40 sản phẩm OCOP được xuất khẩu sang thị trường lớn mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu…
Tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả đạt được của Ban quản lý Diễn đàn Thị trường Nông nghiệp trong thời gian qua. Diễn đàn thị trường nông nghiệp tỉnh Nghệ An là mô hình hoạt động mới mà cả nước chưa có, góp phần xây dựng, củng cố thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng, đồng thời là cầu nối quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Nghệ An và cơ quan hợp hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Nguồn: nongnghiep.vn