Thị xã Nghĩa Lộ nằm ở phía tây tỉnh Yên Bái, đây là một đô thị trẻ, giàu bản sắc văn hóa. Thị xã nằm trọn trong cánh đồng Mường Lò (cánh đồng lớn thứ 2 khu vực Tây Bắc) với khoảng hơn 10.700 ha đất tự nhiên, trong đó trên 8.500 ha đất nông nghiệp. Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, các sản phẩm nông nghiệp của thị xã khá đa dạng như gạo Séng Cù, Chiêm Hương, bưởi da xanh, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, mận, táo, dưa hấu, dưa lê…
Một trong những giá trị văn hóa nổi bật của Nghĩa Lộ là văn hóa ẩm thực, được biết đến là các món ăn truyền thống của địa phương như: thịt hun khói, pa pỉnh tộp (cá nướng), rau rừng nộm, các món làm từ gạo như xôi ngũ sắc, bánh chưng đen…
Được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, con người cùng với tiềm năng phát triển nông nghiệp, văn hóa – du lịch, ẩm thực, thị xã Nghĩa Lộ hội đủ các yếu tố để phát triển sản xuất hàng hóa đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp. Hiện, toàn thị xã có 150 ha lúa Séng cù, Chiêm hương được chứng nhận VietGAP; 2.000 ha lúa ở Mường Lò được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý. Một số sản phẩm thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, thịt sấy được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm và chứng nhận nhãn hiệu tập thể…
Ông Vũ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết, chính những lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng cùng với sự phong phú về văn hóa và ẩm thực đã giúp Nghĩa Lộ phát triển mạnh các sản phẩm OCOP. Đây không chỉ là con đường nâng cao giá trị thu nhập cho người dân mà còn là cách để vùng đất Mường Lò giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của mình đến du khách gần xa.
Đến nay, thị xã đã có 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, gồm 3 sản phẩm 4 sao và 15 sản phẩm 3 sao. Trong đó có 15 sản phẩm thực phẩm như bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, nhãn, gạo Séng cù, thịt sấy, thịt hun khói. Ngoài ra, thị xã có 3 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở các xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Phúc Sơn.
Các sản phẩm OCOP của thị xã có doanh thu và thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở. Nổi bật, các sản phẩm chế biến từ thịt của cơ sở sản xuất Yến Phương đang tiêu thụ tại 77 đại lý ở nhiều địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Lào Cai. Sản phẩm gạo Séng Cù, trà cỏ ngọt của Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông, lâm, thủy sản TND có lợi nhuận đạt gần 700 triệu đồng và được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan trải nghiệm.
Bà Phạm Thị Đông, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông, lâm, thủy sản TND cho biết, điều kiện sinh thái của Mường Lò rất phù hợp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao. Hiện nay, công ty đang cung cấp giống và phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn gieo cấy 30 ha lúa Séng Cù ở cánh đồng Mường Lò, cho thu hoạch 2 vụ/năm với sản lượng 300 tấn thóc, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 80 tấn gạo với giá bán 35.000 đồng/kg.
Công ty là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện chương trình OCOP, đến nay Công ty có 2 sản phẩm OCOP là gạo Séng Cù và trà cỏ ngọt. Việc xây dựng sản phẩm OCOP góp phần tạo thương hiệu sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận diện rõ hơn về sản phẩm địa phương. Bên cạnh đó, công ty đã cải tiến quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng và kết nối với các kênh phân phối, tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận mua hàng.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã nâng cao chất lượng, thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực của Nghĩa Lộ. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của các hộ kinh doanh ở đây vẫn còn nhỏ, quy trình sản xuất ở nhiều khâu còn mang tính thủ công. Năng lực tiếp thị (marketing) của các chủ thể còn hạn chế. Việc triển khai quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ yếu thông qua các mạng xã hội, zalo, facebook, sàn thương mại điện tử nên chưa tạo được sự khác biệt.
Theo ông Vũ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, để phát triển sản phẩm OCOP, thời gian tới thị xã sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể thường xuyên nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để đáp ứng các quy định về bao bì, nhãn mác phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Nâng cao năng lực phát triển thị trường, nghiên cứu các phân khúc khách hàng để có chiến lược đầu tư, phát triển sản phẩm của cơ sở.
Ngoài ra, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa địa phương, vùng miền, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP.
Khuyến khích các chủ thể đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; đầu tư máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất khắc phục phụ thuộc vào thời tiết, tăng năng suất, giảm lao động thủ công, đặc biệt chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bằng cách kết hợp chặt chẽ giữa sản phẩm OCOP và du lịch, Nghĩa Lộ đang mở ra một con đường phát triển kinh tế mới, không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn quảng bá hình ảnh, văn hóa của vùng đất Mường Lò đến với bạn bè trong và ngoài nước
Nguồn: nongnghiep.vn