Mô hình trồng chuyên canh cây rau màu là một trong những giải pháp nâng cao thu nhập của bà con nông dân trong điều kiện có ít đất canh tác. Tuy nhiên, sau nhiều năm, đất canh tác ngày càng kém màu mỡ và sâu bệnh tích lũy nhiều.
Thời gian qua, Công ty TNHH Giống cây trồng Sen Hồng (trụ sở tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã đưa ra thị trường những giống rau màu mới có nhiều ưu điểm, chống chịu tốt với sâu bệnh hại, thích nghi tốt với điều kiện thời tiết bất thuận và đặc thù thổ nhưỡng của từng địa phương, cho năng suất, chất lượng cao.
Ông Cao Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng Sen Hồng chia sẻ: Sau 13 năm thành lập, Công ty đã đưa ra thị trường hơn 80 sản phẩm rau màu, từ họ cà, bầu bí, ớt, bắp… phục vụ đa dạng nhu cầu của bà con nông dân. Sản phẩm của Công ty thích nghi tốt với điều kiện đất đai, tập quán canh tác của bà con nông dân và được đánh giá cao.
Ông Hồ Văn Tuấn ở ấp Mỹ Long, xã Thiện Trí (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là một trong những nông dân nhiều năm sử dụng các giống rau màu của Công ty Sen Hồng nhận xét, giống thích nghi tốt với điều kiện đất canh tác của gia đình, cho năng suất cao và đặc biệt mẫu mã sản phẩm luôn đẹp mắt, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Vụ đông xuân này, ông Hồ Văn Tuấn xuống giống 3.000m2 giống khổ qua SH52. Ông trồng với mật độ khoảng 1.300 cây/1.000m2. Sau khoảng 38 ngày chăm sóc, khổ qua bắt đầu cho thu hoạch đợt đầu. Cứ 2 ngày ông thu hoạch một đợt, mỗi đợt vài trăm kg, thời gian thu hoạch kéo dài hơn 1 tháng. Với kỹ thuật chăm sóc tốt, giống khổ qua này có thể cho năng suất đạt khoảng 5 tấn/công.
Dẫu hiện nay, mặt hàng rau màu có giá không cao, khổ qua chỉ khoảng 7.000 đồng/kg nhưng theo ông nhẩm tính, thu nhập có thể đạt được đến 20 triệu đồng/công, cao hơn trồng lúa nhiều lần.
“Tôi biết đến Công ty Sen Hồng cả chục năm nay, tôi sử dụng giống của Công ty chiếm 80%, thấy giống khỏe, cho năng suất cao. Xong lứa khổ qua này, tôi sẽ chuyển sang trồng bầu hoặc bí của Công ty”, nông dân Hồ Văn Tuấn nói.
Đến tham quan giàn khổ qua trĩu cành của ông Hồ Văn Tuấn, ông Nguyễn Lê Hữu Nhân ở ấp 2, xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè cho biết: “Lúc trước, tôi cũng trồng dưa leo và khổ qua của Công ty Sen Hồng, giờ đang trồng bí. Thấy vườn này quá đạt, trái nhiều, đẹp. Một phần hạt giống tốt, một phần kỹ thuật giỏi”.
Cũng là nông dân nhiều năm kinh nghiệm, ông Lê Hữu Nhân cho hay, hiện đang trồng 3.000m2 bí, giống bí của Công ty Sen Hồng. Theo ông Nhân, dẫu rau màu hiện giá chỉ ở mức trung bình nhưng vẫn mang lại thu nhập khá, gia đình có ít đất vẫn có thu nhập sống khỏe. Như 3.000m2 bí của ông, hết vụ thu hoạch ước sản lượng hơn 10 tấn, mức giá chỉ 4.000 – 5.000 đồng/kg nhưng thu nhập vẫn khá tốt.
“Thời gian qua, các giống ớt của Công ty Sen Hồng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu vùng ngọt hóa Gò Công. Cách đây không lâu, trong dịp về công tác ở vùng ven biển Gò Công chúng tôi nhận thấy giống ớt này được bà con khen ngợi nhiều”, ông Nhân cho biết thêm.
Lão nông Bùi Văn Chương có 8 năm kinh nghiệm trồng ớt ở xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông đánh giá, cùng thời điểm có giống ớt khác bị bệnh èo uột, kém phát triển thì giống ớt của Công ty Sen Hồng phát triển khỏe mạnh, ít bệnh, cho năng suất tốt. Ớt trồng đến 65 ngày thì ông Chương có thu hoạch mỗi ngày. Thời điểm cây ớt 95 ngày tuổi, mỗi ngày ông thu được 90kg trên diện tích 1.600m2.
“Trồng giống ớt này lần đầu nhưng tôi thấy ít bệnh, cây phát triển tốt. Giống khác bị vàng lá chân khoảng 40%, giống này không có”, nông dân Bùi Văn Chương đánh giá về giống ớt của Công ty Sen Hồng. Cũng theo ông Chương, với giá ớt hiện dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, mỗi công ớt có thể thu hoạch từ 30 – 40 triệu đồng.
Vùng ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang) gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công gần đây chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ngành nông nghiệp khuyến khích người dân chuyển đổi, luân canh các cây trồng sử dụng ít nước, ngắn ngày trong mùa khô để thích nghi, đặc biệt là Đề án cắt vụ lúa thu đông được thực hiện nhiều năm nay.
Hưởng ứng chương trình này, Công ty Sen Hồng cũng nghiên cứu, đưa ra nhiều bộ giống ngắn ngày, thích nghi với biến đổi khí hậu, đặc thù tại địa phương.
Ông Cao Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Sen Hồng chia sẻ thêm: “Vừa qua, Công ty có thảo luận với các đối tác ở Ấn Độ, Trung Quốc về chương trình hợp tác nghiên cứu các giống cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu, nhất là tại ĐBSCL. Những giống cây trồng được đưa vào sản xuất phải có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, giảm giá thành sản xuất”.
Điển hình như giống khổ qua thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 40 – 43 ngày, còn đối với dưa leo là 29 – 32 ngày. So với cây lúa, hiệu quả kinh tế gấp 3 – 4 lần. Đây là một trong những lựa chọn tốt cho nông dân để thích nghi với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với mô hình “lấy ngắn nuôi dài”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, các mô hình luân canh rau màu trên đất lúa cho năng suất và sản lượng ổn định. Năm 2023, diện tích luân canh cây màu trên nền đất lúa của tỉnh đạt trên 4.600ha. Cây trồng chuyển đổi chủ yếu là dưa hấu, bắp, ớt và rau màu các loại. Người trồng rau màu thu được lợi nhuận từ 63 – 310 triệu đồng/ha, cao hơn 15,6 – 20 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn trồng lúa từ 1,1 – 3,3 lần, riêng ớt cao hơn 9,2 lần so với trồng lúa.
Nguồn: nongnghiep.vn