Trước đây, để khám phá La Vuông, cao nguyên hoang sơ nằm trên độ cao hơn 700m so với mặt nước biển nằm trên địa bàn xã Hoài Sơn (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), chúng tôi không dám “tự thân vận động”, mà phải theo chiếc xe U-oát của một “thổ địa” người địa phương, người thuộc từng khúc quanh, từng con dốc đứng sững đường lên La Vuông.
Chuyến đi ấy, dù mùa mưa qua đã lâu, nhưng con đường dẫn lên La Vuông vẫn còn đá lẫn với đất bùn nhão, chiếc U-oát đi mà như “trượt patin”, nhìn xuống vực sâu hun hút mà ai cũng “nín thở”, trừ người cầm lái. Bởi, con đường lên La Vuông anh đã thuộc “như lòng bàn tay”.
Ngày ấy, hấp lực dẫn dụ bước chân chúng tôi đến với La Vuông rất mạnh. Đến để thưởng ngoạn cảnh sắc nguyên sơ của thiên nhiên; đến để cảm nhận thời tiết 4 mùa trong 1 ngày; đến để mục sở thị các di tích sân bay Đồi Thông, bức Trường Lũy kéo dài từ huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) vào đến cao nguyên La Vuông, ngã ba Đông Dương, bãi Bằng Lạc, hồ Cầu Lầy, Núi Chúa, suối Cô Tiên, Cổng Trời, thác Ba Tầng… Mỗi cái tên làm dấy lên trong lòng chúng tôi một niềm háo hức.
Theo ông Lê Đăng Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, từ những năm đầu thế kỷ XX, khi người Pháp đặt chân đến vùng đất này, cảnh sắc ở đây đã khiến họ đã phải thốt lên “La Voul”, dịch ra tiếng Việt là “điều ước”, từ ấy vùng đất này được mang tên La Vuông.
Hấp lực lớn nhất của La Vuông là đoạn Trường Lũy dài vắt ngang đỉnh núi, uốn lượn qua những cánh rừng, nối từ Quảng Ngãi cho tới vùng núi huyện An Lão (Bình Định). Điểm chúng tôi đến đầu tiên là Đồn Thứ, một phần quan trọng của hệ thống Trường Lũy trên đỉnh La Vuông. Đồn Thứ là hai lũy đá chạy song song, có đoạn cao chừng 4m, rộng 2,5m, có những đoạn bằng phẳng rộng chừng 5m.
Quanh Đồn Thứ, nhiều đoạn lũy đá không còn nguyên vẹn, có đoạn bị cây cối um tùm bao phủ, có đoạn nằm trong đất canh tác nên nhiều người đã phá bỏ để lấy đất. Đoạn Trường Lũy còn nguyên vẹn nhất là những đoạn được giữ lại với mục đích làm rào chắn cho khu vườn.
Dù đã hư hỏng nhiều đoạn, phần còn lại của Trường Lũy trên đỉnh La Vuông vẫn đủ giúp người ta hình dung quy mô của hệ thống phòng thủ của người xưa. Lịch sử ghi lại, năm Gia Long thứ 18 (1819), Lê Văn Duyệt tâu nhà vua xin xây Trường Lũy, Nam giáp ranh giới huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định; Bắc giáp ranh giới huyện Hà Đông (thuộc phủ Tam Kỳ), tỉnh Quảng Nam.
Trường Lũy là công trình kiến trúc lớn, đa dạng, nhiều phần được làm bằng đá hoặc đất, chạy dọc theo đường thượng đạo xưa từ Quảng Ngãi đến Bình Định, bắt đầu từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định). Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì đây là một trường lũy dài nhất Đông Nam Á.
Theo ghi chép của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Ðồn Thứ là một trong những căn cứ quân sự quan trọng trong hệ thống Trường Lũy đoạn qua Bình Ðịnh. Ðồn Thứ có diện tích 16.000m2, chia thành 2 khu vực, phía Nam rộng 10.000m2, phía Bắc rộng 6.000m2. Ngoài việc đảm bảo về mặt quân sự, Ðồn Thứ còn là nơi tổ chức các nghi lễ thờ tự, tín ngưỡng của quân lính và dân cư trong vùng.
Lần ấy chúng tôi lên cao nguyên La Vuông chủ yếu là để khám phá bức Trường Lũy, nhưng khi đứng trên đỉnh La Vuông, chúng tôi lại bị vẻ đẹp nguyên sơ của vùng đất này hút hồn. Khi ấy, lòng chúng tôi trộm nghĩ, một nơi đẹp đến mê hồn như thế này mà nằm ở nơi heo hút, đường giao thông thì trắc trở như thế này thì quả là uổng phí.
Ấy vậy mà bây giờ, cao nguyên La Vuông như được “lột xác”. Theo Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn, cách đây 3 tháng, cao nguyên La Vuông vẫn chưa có điện, đường giao thông chỉ phù hợp cho số ít phương tiện, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa có cơ cở vật chất, kỹ thuật du lịch. Thế nhưng hiện nay tuyến đường dẫn đến La Vuông dài gần 20km đã được kiên cố, giúp người dân thuận lợi di chuyể đến tham quan La Vuông, đây là nỗ lực lớn của chính quyền tỉnh Bình Định và thị xã Hoài Nhơn để “đánh thức” cao nguyên xanh La Vuông.
Không chỉ có giao thông, giờ đây, điện thắp sáng, sóng điện thoại 4G đã hiện diện trên đỉnh La Vuông. Mừng Quốc Khánh 2/9, mới đây, thị xã Hoài Nhơn đã tổ chức ngày hội du lịch thị xã Hoài Nhơn “La Vuông-Cao nguyên xanh vẫy gọi” nhằm quảng bá đất và người Hoài Nhơn, tạo “cú hích” cho du lịch.
“Ngày hội ở La Vuông đã diễn ra nhiều hoạt động, như: Lễ hội diễu hành “Rồng xanh La Vuông”; chương trình nghệ thuật “La Vuông-cao nguyên xanh vẫy gọi”; quảng diễn các sản vật nổi bật; nghệ thuật trống, đàn đá, múa Chăm; các môn thể thao, trò chơi dân gian… Đặc biệt, giải chạy khám phá La Vuông lần thứ I-Fleur De Lys La Vuông Trail 2024 do Công ty CP Secret Sport Events phối hợp với UBND thị xã Hoài Nhơn tổ chức thu hút hơn 1.000 người tham gia”, ông Lê Đăng Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn