Nghi ngờ chất lượng nước sạch
Một số hộ gia đình tại xã Hòa Bình bày tỏ nghi ngờ, bức xúc về tình trạng nước sạch kém chất lượng tại địa phương. Theo đó, tại một số thời điểm nhất định, nước được xả trực tiếp từ vòi nước máy, chưa qua máy lọc của nhiều gia đình có màu vàng đục. Thậm chí, nước chảy qua bể chứa đã được lọc bỏ cặn, tuy nhiên vẫn còn màu vàng lạ. Nhiều người miêu tả thứ nước “sạch” này có màu vàng ươm.
Tình trạng này không xuất hiện thường xuyên mà theo từng khoảng thời gian nhất định. Theo ghi nhận, thời điểm phóng viên có mặt tại xã Hòa Bình, nhiều người dân cho rằng nước đã trong hơn rất nhiều so với 2 tuần trước. Tuy nhiên, bằng cảm quan bên ngoài có thể thấy nước vẫn có màu vàng nhẹ. Thậm chí theo phản ánh của người dân, nước được bơm lên còn có cả rễ bèo.
Theo bà Phạm Thị Hòa (xã Hòa Bình), nhiều thời điểm nước “sạch” bị vẩn đục: “Trước khi đi làm tôi có xả nước ra chậu để về tắm. Khi về kiểm tra thì thấy lắng cặn ở đáy chậu, nước thì cứ dớp dớp. Nhưng mà cũng cứ dùng thôi, nếu không thì biết dùng nước gì…”.
Không chỉ riêng gia đình chị Hòa mà nhiều hộ gia đình khác cũng cho rằng, từ khi có nước ‘sạch’ của nhà máy chảy vào bể chứa của gia đình, thì xuất hiện lớp lắng cặn tương đối dày ở đáy. Nhiều thiết bị vệ sinh khi sử dụng nguồn nước này cũng xuất hiện tình trạng ố bẩn kì lạ.
Đi kèm với tình trạng nước có màu lạ, nước “sạch” cũng có mùi lạ. Điều này dấy lên không ít lo ngại về chất lượng nước đối với sức khỏe của những người sử dụng. Chị N.T.L (xã Hòa Bình) chia sẻ: “Con nhà tôi tắm nước mưa thì không sao nhưng cứ đổi sang tắm nước này là ngứa, người nổi mẩn. Ban đầu thì cứ nghĩ do dị ứng hay thời tiết, nhưng đi khám thì bác sĩ bảo do ghẻ nước… Cái này nó không lăn đùng ngã ngửa ra ngay nên tôi hoang mang lắm…”.
Nghi ngờ do chất lượng nước không được đảm bảo nên chị L đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Bài viết thu hút sự quan tâm của hàng trăm người. Ban đầu, nhiều tài khoản cho rằng, đây chỉ là tình trạng riêng của bản thân, tuy nhiên nhiều người cũng bày tỏ vấn đề tương tự.
Nhiều tài khoản mạng xã hội đã ví rằng nước “sạch” nhìn như nước chè mạn đã pha nhiều lần, “giặt cái áo trắng mà nó chuyển màu cháo lòng”, thậm chí có người còn miêu tả thứ nước này có màu như “canh cua đồng”…
Chất lượng nước là điều bất cứ ai cũng lo ngại. Thế nhưng họ chẳng biết kêu ai, gặp ai để được giải đáp, xử lý. Những người này đành phải nhắm mắt làm ngơ để dùng nước “sạch”, mặc cho những nguy cơ mất an toàn về sức khỏe có thể xảy ra với bản thân và gia đình. Bởi “không dùng thì dùng nước gì?”, “cả làng dùng thì mình dùng thôi…”
Ngỡ tưởng bể chứa của gia đình bị bẩn nên chị L đã thau rửa sạch sẽ. Tuy nhiên màu nước cũng không được cải thiện.
Nhà máy nước sạch lấy nguồn nước từ khu vực gần nghĩa trang
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguồn nước đầu vào của nhà máy nước sạch này được lấy từ sông Dục Dương (một nhánh của sông Kiến Giang đổ ra sông Trà Lý). Điểm đặt đầu vòi nằm gần diện tích sản xuất nông nghiệp (lúa) của nhân dân, cách nghĩa trang hung táng khoảng 100m. Dọc dòng chảy có nhiều nguồn gây ô nhiễm khác từ các trang trại chăn nuôi, vỏ thuốc bảo vệ thực vật nằm cạnh nhiều ruộng lúa, thậm chí là cả xác chết động vật trên dòng nước.
Trao đổi với lãnh đạo địa phương về những băn khoăn liên quan đến chất lượng nguồn nước đầu vào, ông Nguyễn Xuân Hòa (Chủ tịch UBND xã Hòa Bình) cho biết: “Đúng là nguồn nước khai thác của doanh nghiệp Hoàng Luật này nằm gần nghĩa trang. Theo nhận định, cảm quan của tôi thì chắc chắn là không được…”.
Hiện doanh nghiệp Hoàng Luật đang là đơn vị cung cấp nước cho hơn 1.500 hộ gia đình trên địa bàn, chiếm hơn 90% tổng số dân của địa phương. Sự thiếu minh bạch trong việc kiểm soát chất lượng nước đã khiến cho đại bộ phận người dân cảm thấy bất an, khi họ không thể yên tâm về độ an toàn của nước mà mình sử dụng hàng ngày. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động đến đời sống tinh thần và sự phát triển bền vững của địa bàn.
Liên quan đến lo ngại của người dân, ông Nguyễn Đức Toàn (chủ doanh nghiệp Hoàng Luật – đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn xã Hòa Bình) phủ nhận thông tin nước từ nhà máy không đảm bảo chất lượng và cho rằng nước vàng là do lỗi từ hệ thống tiếp nhận nước của nhân dân: “Nước đầu vòi của tôi, tôi bảo đảm là không vàng. Để ra được đầu vòi, hàng ngày chúng tôi cũng có hoạt động nội kiểm, cứ một tháng là lại có hoạt động ngoại kiểm.
Còn về hiện tượng nước có màu vàng ở một số hộ, ông Toàn nhận định có thể “do gia đình đó mấy năm không đánh bể lần nào”, khi hết nước, bể sẽ bong tróc, đẩy bụi xuống gây vàng (nước). Thứ nữa, đường ống càng về cuối càng ít người sử dụng nên bị lắng cặn, đến lúc có nước đẩy đến sẽ gây vàng một vài phút đầu tiên…
Ông Toàn cho hay, trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ dừng ở đồng hồ đo nước. Từ đồng hồ đo nước vào đến hộ sử dụng, người dân tự chịu trách nhiệm. “Tôi không khẳng định là lỗi của người dân nhưng chắc chắn không phải lỗi của nhà máy”, ông Toàn nói.
Trên thực tế, chất lượng nguồn nước có nhiều bất thường không chỉ xuất hiện ở một số hộ gia đình, có tính cục bộ mà xảy ra trên diện rộng, có tính thời điểm. Điều này dấy lên không ít nghi ngại về chất lượng nước của nhà máy, đặc biệt là từ nguồn nước đầu vào.
Người dân bất an về nước sạch nông thôn, địa phương chưa vào cuộc giải quyết, doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm. Bà con nhân dân tại địa phương cũng chỉ biết cầu trời. Bởi thứ họ cần hiện tại không phải là nước sạch mà là nước mưa. Thứ nước miễn phí trời cho lại đang trở thành sự an tâm của người dân khi sử dụng.
Nguồn: nongnghiep.vn