Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài dài 51km (đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài khoảng 26,1km), bắt đầu từ đường Vành đai 3 TP.HCM tại huyện Củ Chi và kết thúc tại nút giao với Quốc lộ 22, thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 là 19.617 tỉ đồng. Dự án sẽ được chia thành các thành phần với phương thức đầu tư kết hợp công và tư. Thành phần 1 là tuyến cao tốc chính sẽ được thực hiện theo hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 10.421 tỉ đồng. Trong đó, nhà đầu tư sẽ cần đóng góp khoảng 9.943 tỉ đồng, tương đương 95,41% vốn dự án và phần còn lại sẽ do ngân sách TP.HCM đảm nhận.
Ba thành phần còn lại sẽ được thực hiện dưới hình thức đầu tư công, gồm: Xây dựng đường gom dân sinh và cầu vượt ngang đường cao tốc (khoảng 2.422 tỉ đồng); bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua TP.HCM (khoảng 5.270 tỉ đồng) và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua tỉnh Tây Ninh (khoảng 1.504 tỉ đồng).
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đang tích cực triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài theo đúng tiến độ.
Là hộ dân bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dự án, ông Võ Văn Hên (70 tuổi), ngụ khu phố Lộc Khê, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng cho biết, gia đình ông có hơn 5.000m2 đất sản xuất nông nghiệp cùng căn nhà khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng là tài sản cả đời ông tích lũy xây dựng được. Hiện 2/3 đất canh tác cùng căn nhà mới xây nằm trong diện giải tỏa để phục vụ dự án nhưng ông Hên vẫn đồng tình với địa phương trong công tác thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng để dự án sớm thực hiện.
“Dù chịu ảnh hưởng rất lớn khi dự án được triển khai nhưng rất vui và tự hào khi tỉnh Tây Ninh có đường cao tốc kết nối liên vùng. Tôi rất kỳ vọng vào dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ tạo sức bật, mang đến diện mạo mới cho tỉnh Tây Ninh trong lương lai. Tỉnh nhà phát triển, người dân chúng tôi cũng được hưởng lợi”, ông Hên vui mừng.
Ông Dương Văn Cu, Trưởng khu phố Lộc Khê, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng cho biết thêm, sau khi nhận được thông báo chủ trương thu hồi đất làm cao tốc, khu phố đã thông tin cụ thể trong cuộc họp chi bộ, cuộc họp dân và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Nhìn chung, người dân đều đồng tình ủng hộ, vì tương lai phát triển của tỉnh, của đất nước.
“Đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh. Dự án này được triển khai, người dân chúng tôi rất vui mừng, tinh thần chung là ủng hộ, chấp hành theo chủ trương của Nhà nước. Chúng tôi mong lãnh đạo các cấp sớm đưa ra giá bồi thường giải phóng mặt bằng sát thực tế, xem xét hỗ trợ thoả đáng để những hộ thuộc diện giải toả sớm ổn định cuộc sống và để dự án triển khai thuận lợi theo kế hoạch”, ông Trương Văn Cu chia sẻ.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Trảng Bàng, đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đi qua tỉnh Tây Ninh có chiều dài khoảng 26,1km. Trong đó, đoạn đi qua thị xã Trảng Bàng dài khoảng 12km, thuộc địa phận 3 phường An Tịnh, Lộc Hưng, Gia Lộc, với 749 hộ thuộc diện thu hồi đất.
Đến ngày 21/8/2024, qua thống kê sơ bộ, công tác kiểm đếm các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đi qua địa bàn thị xã Trảng Bàng để bồi thường cơ bản đã hoàn thành khoảng 94%, còn lại 72 hộ do vắng mặt tại địa phương chưa cung cấp được giấy tờ để triển khai kiểm đếm.
Ông Phạm Văn Còn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Trảng Bàng cho biết thêm, việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất làm dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được áp dụng theo Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Đến nay, thị xã Trảng Bàng đang đầu tư 1 khu tái định cư để thực hiện chủ yếu cho dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Theo quy hoạch, thị xã Trảng Bàng sẽ bố trí khu tái định cư quy mô 10,7ha, có khoảng 402 nền, chủ yếu để phục vụ cho dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.
Ngoài ra, thị xã Trảng Bàng còn 2 khu tái định cư khác, khoảng 60-70 nền, UBND thị xã Trảng Bàng đã quy hoạch và trình UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt dự án đầu tư, việc xây dựng hạ tầng khu tái định cư để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, dự kiến hoàn thành vào cuối quý II năm 2025.
“Theo quy định của Luật Đất đai mới, giá bồi thường được quy định là phải theo sát giá thị trường, mong người dân yên tâm. Hiện nay, đơn vị tư vấn giá khảo sát giá giao dịch trên thị trường để nắm thông tin và đề xuất giá cho Hội đồng bồi thường, Hội đồng duyệt giá của Thị xã. Trên tinh thần chung là giá bồi thường cơ bản sát với giá giao dịch trên thị trường nhất có thể. Hiện có 2 hộ dân dù bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng mong muốn giao mặt bằng, di dời trước dù chưa nắm được giá đền bù giải phóng mặt bằng từ địa phương. Họ rất ủng hộ địa phương và hy vọng công tác triển khai dự án được thuận lợi”, ông Còn phấn khởi.
Nguồn: nongnghiep.vn