Sau nỗi lo sạt lở vào mùa mưa thì thời gian qua, nhiều hộ dân ở làng Tu Hon (thôn 3, xã Trà Don, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) lại thêm phần bất an trước nguy cơ hàng chục tảng đá nặng hàng chục tấn nằm chới với trên đỉnh núi Ngọc Mong có thể lăn xuống đe dọa tính mạng và tài sản bất cứ lúc nào.
Sự lo lắng này ngày càng rõ ràng hơn khi cuối tháng 11 vừa qua, nhiều tảng đá lớn trên đỉnh núi bất ngờ lăn xuống chỉ cách nơi ở của các hộ dân 50m. Rất may, sau khi lăn, các tảng đá đã bị cây rừng bên dưới chặn lại nên không gây ra thiệt hại gì. Tuy nhiên, vụ việc đã khiến cho gần 70 nhân khẩu của 17 hộ dân cũng như các giáo viên và học sinh ở điểm trường mầm non làng Tu Hon một phen khiếp sợ.
Anh Lê Văn Khả (25 tuổi, ở làng Tu Hon) vẫn nhớ thời điểm đó là vào chiều ngày 30/11, sau khi mặt đất rung chuyển do dư chấn của 2 trận động đất có cường độ 3,8 và 4 độ Richter thì vài phút sau mọi người bàng hoàng trước một tiếng nổ lớn phát. Nhìn về phía đỉnh núi, hàng chục tảng đá lớn ầm ẩm lăn xuống rồi mọi người hô hoán, ra khỏi nhà bỏ chạy tán loạn.
“Thấy thế bà con ai cũng sợ. May mà có những cây lớn bên dưới chắn lại chứ không biết sẽ xảy ra chuyện gì. Nghĩ lại cảnh đó bây giờ nhìn lên phía trên còn có nhiều tảng đá lớn năm chênh vênh trên vách núi chúng tôi lo lắm. Chỉ mong sao chính quyền, các ngành chức năng sớm có giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng này để dân làng yên tâm sinh sống, sản xuất”, anh Khả chia sẻ.
Sự việc đá lăn sau, các ban, ngành chức năng của xã Trà Don đã đến hiện trường kiểm tra, trấn an tinh thần cho bà con đồng thời khảo sát thực tế để tìm hướng xử lý. Theo ông Lê Trung Thực, Chủ tịch UBND xã Trà Don, hiện nay, trên đỉnh núi Ngọc Mong có rất nhiều đá tảng “mồ côi”. Những tảng đá lớn lăn xuống gần làng Tu Hon do trời mưa lớn cộng với rung chấn từ động đất phía Kon Tum.
Trước hiểm họa đa lăn đe dọa khu dân cư, điểm trường học cũng như an toàn giao thông trên tuyến QL40B gần đó, chính quyền xã đã đề nghị người dân cứ ban đêm rời khỏi nhà, đến ngôi làng bên cạnh để ở, ban ngày mới quay về. Cùng với đó, địa phương cũng đã mượn tạm địa điểm khác để di chuyển Trường mầm non Tu Hon, đảm bảo cho công tác dạy và học của giáo viên và 20 em học sinh.
“Về giải pháp trước mắt, chúng tôi sẽ huy động lực lượng đập vỡ các tảng đá thành viên nhỏ. Về lâu dài thì vừa qua, xã cũng đã tổ chức họp với bà con trong làng, khảo sát vị trí để di dời các hộ về nơi ở mới an toàn. Phương án này bà con cơ bản thống nhất. Nhưng việc này cần phải có thời gian lâu dài và phải báo cáo với huyện Nam Trà My cũng như tỉnh Quảng Nam để xin nguồn kinh phí và có cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh về sắp xếp lại dân cư. Ngoài ra, chúng tôi cũng huy động bà con trồng lồ ô, quế ở khu vực dọc chân núi để giữ đất”, ông Thực nói.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đối với sự việc đá lăn đe dọa cuộc sống của người dân ở làng Tu Hon, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao chính quyền huyện Nam Trà My đánh giá thiệt hại về công trình nhà ở của nhân dân và cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Đồng thời chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, sớm ổn định cuộc sống.
Nguồn: nongnghiep.vn