Tiếng kẻng báo kết thúc buổi học vang lên lảnh lót giữa rừng đại ngàn Trường Sơn. Các em học sinh ùa ra rồi ríu rít đứng chào các thầy để ra về. Một lát sau, trên sân trường còn vương nắng chỉ còn tôi với thầy giáo Hoàng Văn Sáu (tổ trưởng điểm trường bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Tiếng thầy trầm ấm như đang đứng trên bục giảng: “Vậy là cũng đã tròn 15 năm tôi lên bản dạy học. Cũng chừng ấy năm để các em có cơ hội vươn lên cùng với cộng đồng”.
Bản biệt lập giữa rừng di sản
Gần 40 về trước, một nhóm người bà con dân tộc Vân Kiều với cuộc sống du canh du cư đã đi dọc đỉnh núi Trường Sơn từ vùng giáp biên giới Việt – Lào ở địa phận tỉnh Quảng Trị đến địa phận huyện Bố Trạch (Quảng Bình) thì dừng nghỉ vì nhiều người trong đoàn đã kiệt sức. Thấy vùng đất trong thung lũng nhỏ có con suối chảy qua nên già Nguyễn Khắc Tòa (người thủ lĩnh của đoàn người di cư), nhìn trời, nhìn đất, ngắm hướng núi và quyết định hạ trại, dựng nhà để chọn đây là nơi cho bà con sinh sống.
Vậy là cộng đồng dân cư tồn tại ở vùng núi rừng này theo thời gian cứ đông dần lên. Cho đến khi, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được thành lập và được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới thì chính quyền mới “phát hiện” ra bản của bà con dân tộc Vân Kiều nằm giữa vùng lõi của vườn. Sau đó, bản được thành lập và được giao cho xã Tân Trạch quản lý. Lúc này, người ta phát hiện ra hang Sơn Đoòng gần đó nên bản này được đặt là bản Đoòng.
Từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tại Km39, rẽ theo hướng tây xuống con dốc dài là bắt đầu hành trình xuyên rừng để vào với bản Đoòng. Con đường như còn nguyên sơ len qua cánh rừng già, vượt lên dốc Ba Giàng cao ngất hay dốc Mẹ Ơi lạnh toát. Có những khi, con đường ngoằn ngoèo lại băng qua những đoạn suối nước réo xiết, hay vắt qua bãi đá với những khối đá to như con voi nằm phủ phục… Người mới đi lần đầu thì phải quá buổi mới đến được bản.
Bản gần như là biệt lập, những người khách đến với bản chỉ có bộ đội biên phòng hay người đi khai thác trầm hương ghé xin ngủ qua đêm để mai lại ngược núi. Trẻ con bản Đoòng lớn lên chỉ biết làm bạn với con chó, gốc cây chứ tuyệt nhiên chẳng biết gì thêm. Ngay cả bố, mẹ chúng cũng hiếm khi, hay chưa một lần vượt rừng ra đường cái lớn thì đám trẻ có nằm mơ cũng không thể mơ nổi được.
Người thầy đầu tiên…
Đó là câu chuyện của gần 30 năm về trước. Khi đó, anh thanh niên Hoàng Văn Sáu (quê xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch), sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tình nguyện tại chiến trường Campuchia trở về và theo học trường sư phạm của tỉnh.
Ra trường trở thành thầy giáo, Sáu được phân công giảng dạy các em học sinh cấp tiểu học tại trường làng xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Năm năm sau, tại xã biên giới Thượng Trạch thiếu giáo viên cắm bản, thầy Sáu tình nguyện mang ba lô lên vùng biên giới. “Lần đầu tiên tôi lên trường là phải mang ba lô đựng mắm muối, quần áo băng rừng hết 3 ngày mới đến được điểm trưởng bản Chăm Pu”, thầy Sáu nhớ lại.
Cho đến khi những lứa các em ngày đầu đã lên được lớp 5, đã có nhiều lớp nên điểm trường bản Đoòng được đón nhận thêm các thầy Trương Nhân Thuần (giáo viên Tiểu học), thầy Cao Xuân Đồng (giáo viên dạy Văn) và thầy Trương Thanh Hiền (giáo viên dạy Toán), thì thầy Sáu mới có đồng nghiệp cùng sinh hoạt.
Nhắc lại những năm đầu tiên mang con chữ lên với các bản làng xa xôi, thầy Sáu vẫn nhớ như in chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” thủa đó. “Khi đó, lương của giáo viên cấp 1 thấp lắm, lại còn phải lo mua mắm, muối mang theo nên cũng chẳng còn được mấy đồng mà đưa cho vợ đâu”, tiếng thầy Sáu nói nhè nhẹ.
Do chặng đường đi băng rừng mất đến ba ngày nên mỗi khi về nhà lên trường thì thầy Sáu cũng chỉ mang theo bịch muối, lọ mắm, ký cá khô mà vợ mua cho. “Ba lô chỉ độ 5kg thôi, chứ mang nhiều là trèo dốc, băng rừng không nổi mô. Khi vô bản thì bà con cho gì ăn đó, củ sắn, củ khoai, củ mài… thay cho bữa cơm hàng ngày cũng bình thường thôi mà”, thầy Sáu nhớ lại.
Cứ độ hai hay ba tháng thì thầy Sáu tranh thủ băng rừng về thăm vợ con một lần. Có hôm nhìn thấy chồng mắt trũng sâu, má hóp, người gầy càng thêm gầy thì chị Lê Thị Tư như nghẹn thắt trong lòng. Biết chồng vừa ốm dậy nhưng giấu vợ, chị lại càng lo. Hôm thầy chuẩn bị ra đi, chị Tư bất thần níu tay chồng: “Thôi, ở nhà em lo cho. Chớ anh cứ núi rừng biền biệt, vợ con xa vắng, đau ốm như này thì khổ lắm”.Thầy Sáu nhẹ nhàng bảo vợ: “Có em lo lắng được cho các con chăm chỉ học hành là anh an lòng lắm. Nghề thầy giáo là không nghĩ đến tiền bạc được mô”.
Khi điểm trường Chăm Pu đã ổn định 3 lớp học với 26 học sinh và các em đã tự giác đến lợp để học lấy con chữ thì thầy Sáu lại được điều động đến điểm trường bản Cóc xa hơn thêm ngày đường để gây dựng lớp học cho bản ở vùng biên này. Lại tiếp những ngày cùng ăn, cùng ở với dân bản, ngày đi học, ngày nghỉ cuối tuần lại mang ba lô đến các bản Me Lỳ, Cu Tồn, Cà Roòng để thuyết phục các bố mẹ cho con em đến lớp.
Cho đến khi ở bản Đoòng cần giáo viên cắm bản để mở lớp dạy chữ cho con en ở đây thì thầy Sáu khoác ba lô nhận nhiệm vụ mới không chút đắn đo.
Những ngày đầu tiên đến bản Đoòng, dù đôi chân đã quen băng rừng núi nhưng thầy Sáu cũng mất nửa ngày trong rừng, người mướt mát hồ hôi mới đến được. Con đường rừng mà thầy đã quen lối, quen con dốc, quen tảng đá lớn… đã thành con đường mà du khách với những chuyến du lịch mạo hiểm hang Sơn Đoòng sau này vào ra. Nhưng lúc đó, con đường rừng như là thử thách lòng nhiệt huyết của người thầy giáo trẻ với sự nghiệp mang con chữ, mang ước mơ đến cho những đứa trẻ ở vùng biệt lập, cho những phụ huynh thầm mong cho con mình không còn đói khổ trong tiếng học bài mỗi đêm. “Đã có những chuyến đi gặp phải mưa rừng bất chợt và lũ chắn lối là phải trèo lên cây rừng mà trú qua đêm thôi”, thầy Sáu kể.
Những ngày mới vào bản Đoòng, già Tòa, trưởng bản mừng lắm. Già đưa thầy Sáu đi tìm vùng đất để dựng lớp học. Nghe tin thầy giáo về ở với bản để mang con chữ đến cho con em, bà con mừng như thấy nương sắn sắp đến kỳ thu hoạch. Người góp công, người vào rừng chặt cây, cắt lá mang về dựng một ngôi trường. Dù là ngôi trường tranh tre nứa lá nhưng thầy Sáu thấy vui đến lạ. Trên đường trở ra trụ sở xã để báo cáo thầy cứ mải miết đi không nghỉ mà vẫn thấy như không chùn chân. Mấy hôm sau, khi chưa kịp vào, thầy Sáu nhận được hung tin bản Đoòng bị trận lũ quét đã cuốn trôi hết nhà dân và cả ngôi trường mới dựng.
Thay vì bắt tay vào dạy các em những con chữ đầu tiên thì thầy Sáu lại cùng bà con vào rừng kiếm gỗ, kiếm lá dựng nhà, dựng lớp học. Những chuyến về thăm nhà của thầy cũng nhiều lên. Không vì chuyện nhớ nhà, nhớ con mà cái chính là mỗi lần về để mua sách vở, bút mực… mang lên tặng cho học sinh vì các em thiếu lắm. Ngay cả cái nhà ở của các em còn bị lũ cuốn trôi thì nói gì đến sách vở còn. Đồng lương ít ỏi thầy nhận được thêm nhẹ đi vì phải trích một khoản cho lớp học, cho những ánh mắt ngồi dưới lớp nhìn lên thầy giáo mỗi ngày.
Con đường rừng đầy hiểm nguy cũng đã bào mòn sức khỏe của thầy Sáu. Có những đêm mưa, nằm trên giường được kết thành bởi những cây gỗ rừng, cơn sốt rét rừng quật ngã thầy trong cơn nóng lạnh. Có khi khát nước quá, thầy run rẩy gượng dậy bò xuống khỏi giường đến bàn làm việc với lấy bình nước lạnh mà uống ừng ực. Trong cái mê man kiệt sức ấy, thầy buông mình thiếp lặng trên nền đất ẩm. Tỉnh dậy vào sáng hôm sau, khi tiếng các em líu lo phía con đường dẫn vào lớp học thì thầy mới bừng tỉnh và mở cửa đón các em như thường lệ, như vừa mới dậy sau đêm đươc vùi trong chăn ấm.
Nguồn: nongnghiep.vn