Nhiều lần chạm ngưỡng phá sản
Điều đó để lại ấn tượng đậm nét trong tôi về một phụ nữ nông thôn không quản ngại gian khó khởi nghiệp từ thứ cây rất đỗi bình thường của làng là tre và trúc. Cặp vợ chồng Nguyễn Đức Vương- Phạm Thị Thanh Hân nên duyên với nhau trong khi kinh tế cũng không lấy gì làm khấm khá. Gầy dựng mãi họ mới có được một xưởng may cỡ vừa với 70 người làm ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ thì đùng cái, năm 2019 lâm vào thế bế tắc, không bán được hàng, không có tiền trả lương công nhân.
Thời điểm đó khắp cả nước đang rộ lên phong trào khởi nghiệp bảo vệ môi trường với các loại ống hút sậy, ống hút cỏ bàng, những băng rôn, khẩu hiệu chăng khắp nơi, những chương trình kêu gọi vốn shark tank ra rả trên truyền hình. Ý tưởng chợt đến với Hân là tại sao không làm ra một loại ống hút thân thiện với môi trường để bán? Chị ra bờ sông lấy sậy, phơi làm ống hút thì bị teo tóp, lấy tre, hóp làm ống hút thì không sử dụng được bởi đặc ruột, thành dày.
Tìm hiểu ở tỉnh Sơn La có thứ cây mà người Thái gọi là mạy loi-một loại nứa tép mọc tự nhiên ở những nơi khắc nghiệt nhất, số lượng rất nhiều, mỏng thành, mã đẹp, thân thẳng, dóng dài nhưng thường chỉ dùng làm hàng rào hay thưng vách nhà, chị mới thu gom về cắt, rửa, mài đầu, luộc, phơi, sấy rồi đóng gói thành ống hút. Nó có thể tái sử dụng nhiều lần, dùng được trong 6 tháng, khắc được tên thương hiệu lên trên nhưng nhược điểm là giá cao, mỗi ống 600-800 đ, đắt gấp 15 lần ống nhựa.
Năm 2020 xưởng may xuất khẩu phải đóng cửa, vợ chồng chị vỡ nợ, bị mất khoảng 4 tỉ. Một lao động cũ thương tình cho mượn mảnh đất rộng 500m2, rồi vợ chồng chị vay người vài trăm ngàn, người 1-2 triệu để đổ đất, dựng hàng rào, mua lò sấy, nồi luộc, lập xưởng trên những cái cọc tre, mái lợp bạt. Mở mắt ra họ phải trả lãi mỗi ngày hơn 1 triệu đồng.
Chồng chỉ biết sản xuất, còn vợ thì nhận nhiệm vụ chào hàng. Ngày ngày, sáng 7 giờ chị đi xe máy tới các quán cà phê ở TP Việt Trì, ở Hà Nội tối 10 giờ lại tất tả về cho các con ăn uống, tổng quãng đường hơn 100 km. Chào vài chục quán cả tuần vất vả là thế mà không được đơn đặt hàng nào vì bị chê xấu, chê thô, chê đắt, chị đành để lại cho họ ít sản phẩm để khách trải nghiệm. Khi khách đã dùng quen với ống hút bằng mạy loi, chủ quán mang ống hút nhựa ra họ thắc mắc ngay nên một số đã phải quay lại sử dụng.
Nhận đơn hàng đầu tiên của quán Không gian xưa ở TP Việt Trì với số lượng 10.000 ống mà Hân mừng rơi nước mắt. “Vậy là vợ chồng mình có hy vọng rồi”. Chị thuê ô tô tải lên Sơn La nhập nguyên liệu mà trong người chỉ có hơn 100.000đ, vừa đi vừa nghĩ cách, gọi điện hỏi vay khắp từ bố chồng, mẹ chồng, em chồng đến mẹ đẻ, anh em, bạn bè mỗi người vài trăm ngàn hay vài triệu đồng. Nhờ họ chuyển khoản nên đến tối chị mới có tiền để ăn cơm và mua được 8 tấn mạy loi về đủ sản xuất 50-60.000 ống hút.
Vì ống hút tre là một sản phẩm mới, trong quá trình tiếp thị, bán hàng, vợ chồng chị bị o ép đủ đường, nào đặt theo kích cỡ riêng với số lượng nhỏ, nào phải cho nợ gối đầu. Từ 70 lao động của xưởng may cũ, lúc mở xưởng tre vẫn còn 17 thợ không nỡ bỏ chủ, nhận làm để kịp cho đơn hàng thứ hai với 40.000 ống hút. 27 Tết, chị đem sản phẩm xuống trả cho một công ty ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), thấy người ta phát quà Tết, không khí rộn ràng nghĩ lại tủi thân cho 17 thợ của mình đang chờ Tết ở nhà.
Hàng bị loại 50% đã đành lại còn không có tiền ứng ngay, không có tiền để trả lái xe chị đành gọi điện nói dối bố chồng rằng bị cảnh sát giao thông giữ hàng, nhờ ông chuyển cho 2,5 triệu. Không có tiền trả công 17 lao động, nghĩ đến món nợ cũ của một chủ xưởng may hứa hẹn, 28 Tết chị còn đội mưa đi xe máy xuống huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ để đòi thì mới hay họ đã bán xưởng đi mất rồi. Hỏi, biết xưởng mới rời về huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ chị lại đi tìm tiếp thì bảo vệ ở đây bảo xưởng đã bị bán từ hôm trước. Tìm về tận nhà chủ nợ ở TP Việt Trì, thấy nhà cửa, ô tô và vợ con họ đề huề, đúng lúc đó con ở nhà gọi điện hỏi bao giờ mẹ về mà bật khóc.
Chị gọi điện xin lỗi từng người một trong xưởng đã vì mình mà vất vả nhưng nay mất cả Tết, rồi đem xe máy định đi cầm nhưng thời điểm đó đã quá muộn, không ai nhận cả. Mọi người gọi điện động viên chị cứ về quê đi rồi tính tiếp.
“Năm đó, nhờ người cô thương tình đem cho 2 cái bánh chưng, 1 con gà, 1 con ngan thì gia đình tôi mới có Tết”, chị Phạm Thị Thanh Hân- HTX tre trúc VNS Phú Thọ kể.
Không gục ngã
Sau Tết, xưởng tre không còn ai làm cả vì các lao động đã đi tìm việc mới, còn lại số hàng tồn vợ chồng chị phải đi chào bán lẻ hay đăng bài rao trên facebook. Mỗi ngày có khoảng 300 tin nhắn, được 20-30 đơn hàng đã mừng, dù có đơn chỉ 1-2 cái cốc, 10-20 cái ống hút trị giá vài chục ngàn nhưng vẫn miệt mài đi ship tới 1-2 giờ sáng mới về.
Từ khách lẻ rỉ tai, khách sỉ bắt đầu tìm đến đặt 1.000 cái cốc và 50.000 ống hút, tổng trị giá 130 triệu đồng để xuất khẩu. Không may 30 Tết năm đó một cơn giông gió đã giật đổ xưởng, làm tốc mái, mưa hắt ướt hết cả hàng. Vợ chồng chị quên cả Tết, cặm cụi đem từng sản phẩm đi phơi cho khỏi mốc rồi mua vé máy vào Nam giao tận tay cho đối tác.
Khách thấy họ nhiệt tình mới hỏi mua trúc cần câu-những cây trúc chỉ to bằng ngón tay và mềm dẻo dễ uốn để làm vách cho một khách sạn 5 sao với số lượng lên tới 45.000 cây. Dù chưa hề biết gì về trúc ngoài cây mạy loi, vợ chồng chị vẫn nhận. Gửi mẫu mạy loi vào, khách chê cứng, tìm mẫu vầu, măng ngọt gửi vào, khách vẫn chê cứng. Họ đi lên tận tỉnh Bắc Kạn thì thấy loại trúc cần câu đó mọc bạt ngàn, mừng như bắt được vàng liền thuê người tổ chức khai thác, xử lý ròng rã mất 4 tháng mới xong đơn hàng. Chuyến ấy vợ chồng chị lãi được hơn 100 triệu.
Đúng lúc đó, mảnh đất xưởng đang mượn lại bị đòi, chị quyết định di xưởng về mảnh vườn rộng 1 ha của nhà mẹ đẻ và mở rộng sang mảng tre trang trí nội, ngoại thất, đồ dùng gia đình. Chồng thiết kế còn vợ tìm khách cho nhiều loại sản phẩm mới như thìa tre, bình giữ nhiệt tre, hộp bút tre, bút tre, nhà homestay tre, nhà resort tre, trường kỷ tre, bàn ghế tre, ấm chén tre…
Họ xử lý cây tre, trúc để trang trí hệt như quy trình xử lý ống hút nên tuổi thọ của chúng nếu đặt trong nhà được trên 10 năm, nếu đặt ngoài trời được 5-7 năm. Khu camping ở quận 9, TP Hồ Chí Minh, mái ấm Đức Quang ở tỉnh Bến Tre, homestay Wonderland ở tỉnh Vĩnh Phúc…đặc biệt là cà rốt homestay ở tỉnh Tiền Giang trị giá hơn 4 tỉ đồng đều in đậm dấu ấn bàn tay tài hoa của chồng chị.
Anh thiết kế rất ngẫu hứng, không nơi nào giống nơi nào nhưng đều lắng được cái hồn dân tộc vào trong mỗi tác phẩm. Ngặt nỗi, có công trình làm xong thì chủ bị vỡ nợ khiến vợ chồng chị mất hơn 1 tỉ đồng, tương đương cả năm với hàng trăm công làm việc không công.
Năm 2021 họ thành lập hợp tác xã tre trúc VNS Phú Thọ với 7 thành viên cùng chung chí hướng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động. Chồng đi miết các công trình khắp Bắc, Trung, Nam để lại vợ với các con nhỏ ở nhà, vất vả lo toan mọi chuyện từ xưởng đến bán hàng. Năm 2022 chị mạnh dạn đem những “đứa con tinh thần” của vợ chồng mình đi tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP của tỉnh Phú Thọ.
Nhóm sản phẩm gồm ống hút, dao, thìa, dĩa được OCOP 4 sao, nhóm sản phẩm cốc, hộp chè, ấm chén được OCOP 3 sao, tạo nền móng để xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Ấn Độ. Năm ấy, trung bình doanh thu của HTX đạt 3-4 tỉ đồng, trong đó lãi được 400-500 triệu đồng. Nhưng năm nay chị thở dài vì 3 công trình đang làm bị chậm trả. Cả nền kinh tế rất khó khăn nhưng họ vẫn không nguôi hy vọng vào một ngày mai, cánh cửa lại mở ra cho những sản phẩm độc đáo từ tre và trúc.
Nguồn: nongnghiep.vn