Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và các đơn vị liên quan đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trong quản lý và khai thác, sử dụng nguồn rơm từ quá trình sản xuất lúa theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Đây là chương trình nằm trong Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Qua đó, đã giúp nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập và khắc phục tình trạng không còn đốt bỏ rơm rạ trên đồng ruộng vừa lãng phí, vừa tác động xấu đến môi trường.
Theo đó, IRRI đã ký kết, bàn giao máy trộn phân bón hữu cơ tự hành cho HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Thuận tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) để giúp nông dân thực hiện quy trình xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ. Đồng thời tập huấn kỹ thuật sản xuất để xã viên HTX phát triển mô hình kinh doanh phân hữu cơ từ rơm.
Theo ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) – địa phương có lợi thế trong việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn vì nguồn rơm rạ rất dồi dào. Tuy nhiên, việc thu gom còn gặp nhiều khó khăn do chi phí thuê nhân công rất cao. Bên cạnh đó, do chưa biết cách xử lý rơm thành phân hữu cơ cũng như chưa được tập huấn kỹ thuật nên nông dân chưa thể tận dụng nguồn phụ phẩm này. Qua thông tin từ các chuyên gia IRRI, nông dân mong muốn sớm được tập huấn để áp dụng quy trình sản xuất phân hữu cơ nhằm tăng thêm thu nhập.
Anh Ðồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt) cho biết: Thời gian qua nông dân tại HTX đã sử dụng rơm trong quá trình sản xuất lúa để trồng nấm rơm nhằm nâng cao thu nhập theo các mô hình trồng nấm rơm ngoài trời và trồng trong nhà giúp chủ động với các điều kiện thời tiết bất lợi. Không dừng lại ở đó, rơm thải ra từ quá trình trồng nấm tiếp tục được tái sử dụng để làm phân bón hữu cơ phục vụ lại cho trồng trọt.
Hiện nay, HTX New Green Farm đã sử dụng nguồn rơm thải ra từ quá trình trồng nấm kết hợp các phế phụ phẩm khác trong nông nghiệp như tro trấu, mụn dừa, phân bò… để làm ra sản phẩm phân bón hữu cơ. Loại phân bón này giúp cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng nên được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Phân bón được sản xuất trải qua quy trình gồm nhiều công đoạn ủ trộn kéo dài khoảng 45 ngày.
Hiện HTX có 40 thành viên, diện tích canh tác hơn 40ha. HTX còn nhận làm dịch vụ cho 101 hộ dân với diện tích 148,78ha. Ðược sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cùng các viện, trường, nông dân tại HTX đã thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn và quản lý, khai thác rơm theo hướng kinh tế tuần hoàn từ năm 2022.
Ðể sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm, HTX đã ứng dụng máy móc cơ giới phục vụ khâu đảo trộn phù hợp với quy mô và sản lượng lớn đến hàng chục tấn/mẻ, qua đó giúp tiết kiệm khoảng 40-60% chi phí thuê nhân công.
Theo đại diện HTX New Green Farm, việc sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm để bón cho lúa, kết hợp với áp dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, nông dân tại HTX có thể giảm được 40% lượng phân hóa học sử dụng và giảm nhiều chi phí đầu vào, từ đó lợi nhuận trồng lúa có thể tăng hơn 3,49 triệu đồng/ha. Mô hình tận dụng được toàn bộ phụ phẩm nên bà con còn có thu nhập tăng thêm từ việc sử dụng rơm để trồng nấm rơm.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ, từ những thành công bước đầu tại mô hình nông nghiệp tuần hoàn của HTX New Green Farm, ngành nông nghiệp đang tiếp tục phối hợp cùng IRRI và các đơn vị liên quan nhân rộng mô hình trên địa bàn thành phố. Tiếp tục tích cực hỗ trợ nông dân và các HTX trong tiếp cận, ứng dụng các quy trình công nghệ và máy móc, thiết bị cơ giới trong thu gom rơm, khai thác sử dụng rơm và xử lý rơm làm phân bón hữu cơ. Từ đó nâng cao được giá trị sản xuất, đồng thời cũng hạn chế được việc sử dụng phân bón vô cơ và sẽ kéo giảm được phát thải khí nhà kính.
Nguồn: nongnghiep.vn