Bình Định có hệ thống đê, kè lớn và đã hình thành từ lâu đời. Hệ thống đê, kè ở Bình Định chủ yếu được đắp bằng đất, sau thời gian dài sử dụng, do tác động của mưa, lũ, bão nên nhiều đoạn bị hư hỏng, xuống cấp, khó đảm bảo an toàn khi phải chống chọi với thiên tai, nhất là trong bối cảnh khí hậu biến đổi thất thường như hiện nay.
Do đó, công tác đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê, kè ở Bình Định vừa là việc làm thường xuyên, vừa là việc làm lâu dài của các địa phương để đảm bảo an toàn cho công trình, phục vụ sản xuất và an toàn cho cuộc sống của người dân.
Đến nay, Bình Định đã đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa được 350km đê, kè; chủ yếu là đê sông, đê biển và kè bảo vệ đê. Nhiệm vụ này được chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện hàng năm.
Tuy Phước là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai nhất tỉnh Bình Định. Do đó, trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, huyện Tuy Phước đã tranh thủ các nguồn vốn và vốn ngân sách huyện để xây dựng kiên cố hệ thống đê, kè và kênh mương thủy lợi; góp phần bảo vệ đất ở dân cư và đất sản xuất nông nghiệp; giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa lũ.
“Đến nay, Tuy Phước đã kiên cố hóa được 112 tuyến đê, kè với chiều dài khoảng hơn 118km. Năm 2024, Tuy Phước tiếp tục đầu tư nâng cấp 2 tuyến đê, gồm gia cố đê sông Đục đoạn từ cầu Ván đến sông Hà Thanh dài 1,2km với mức đầu tư 9,1 tỷ đồng.
Đồng thời nâng cấp đê Cây Vông thuộc thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa dài 0,32km, với mức đầu tư 3,6 tỷ đồng. Các công trình nói trên sẽ đảm bảo vượt lũ an toàn trước ngày 30/8 năm nay”, ông Phan Đình Hồng Thoại, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tuy Phước, cho hay.
Thị xã An Nhơn là địa phương có tuyến đê sông dài hơn 200km (tính cả 2 bên). Đến nay, địa phương này đã kiên cố gần 80km xung yếu. Năm 2024, thị xã An Nhơn tiếp tục thi công kè Bờ Mọ thuộc thôn Trung Lý (xã Nhơn Phong) và kè hai bên bờ nhánh sông Tân An đoạn từ cầu Trường Thi đến đập Thạnh Hòa thuộc phường Nhơn Hòa.
Ông Phan Trường Lưu, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thị xã An Nhơn, cho rằng: Sau khi hoàn thành, tuyến đê sông này sẽ bảo vệ khoảng 100ha đất nông nghiệp và vùng trồng mai tập trung của phường Nhơn Thành và xã Nhơn Phong. Ngoài tuyến đê sông Bờ Mọ, năm nay, một số xã, phường ở thị xã An Nhơn cũng cân đối được nguồn vốn để tiếp tục gia cố các vị trí bờ sông bị sạt lở, có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt vào cuối năm.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Định tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến đê, kè trên địa bàn. Từ đó, sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, trong đó tập trung đầu tư củng cố các đoạn, tuyến đê xung yếu, đảm bảo chủ động phòng chống bão, lũ.
“Ngân sách của UBND tỉnh chỉ tập trung sửa chữa những công trình quan trọng, còn việc sửa chữa, gia cố hệ thống đê, kè trên địa bàn là sự nỗ lực của các địa phương”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn