Bên cạnh biến đổi khí hậu thì suy giảm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, thiệt hại về kinh tế, gia tăng bất bình đẳng và xung đột xã hội… là những hậu quả ngày càng thấy rõ hơn từ việc phát triển thiếu bền vững.
Do vậy, nếu các bên liên quan không nhanh chóng bắt tay đối phó thì hậu quả để lại cho thế hệ sau này sẽ còn nặng nề hơn.
Để đạt cam kết mức phát thải ròng carbon về 0% (Net Zero) vào năm 2050, Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp, chính sách liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.
Những hành động này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Phát triển bền vững 2024” chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero” do Tạp chí Kinh tế Đô thị tổ chức ngày 19/9, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, Việt Nam là quốc gia có mức độ phát thải CO2/tăng trưởng GDP cao trong khu vực châu Á. Để đạt cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng tăng cường chuyển đổi xanh để giảm lượng carbon khoảng 78%.
Để tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh thì Chính phủ và doanh nghiệp cần có những hành động mới. Trong đó, Chính phủ và các cơ quan nhà nước, chuyên gia cần hoàn thiện khung chính sách về khử carbon; xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh; thiết kế và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh…
Theo TS Việt, các doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu (EU) đối diện với hàng loạt khó khăn về chính sách xanh, tạo rào cản hạn chế xuất sang thị trường này. Đơn cử như Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan); Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 (EU Biodiversity Strategy for 2030).
Đặc biệt, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) tác động tới doanh nghiệp có các mặt hàng xuất đi EU rất lớn. “Nếu doanh nghiệp không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường do rào cản về chi phí thuế và vấn đề uy tín. Chính sách định hướng và người tiêu dùng sẽ lựa chọn và loại bỏ dần các sản phẩm không trong danh mục xanh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thì đang rất cần giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và được sở hữu “chứng chỉ xanh”, chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, bên cạnh thực hành đầy đủ các yếu tố ESG bao gồm cả trách nhiệm xã hội và các hành động bảo vệ môi trường”, TS Nguyễn Quốc Việt nói và khuyến nghị, các doanh nghiệp cần hành động và thực hành ESG một cách nghiêm túc, bài bản.
Ông Việt cũng nhìn nhận, thực tế hiện nay, mức độ thực hành ESG với doanh nghiệp trong nước còn khá thấp. Hầu hết doanh nghiệp mới chỉ đang trong giai đoạn bắt đầu thực hành ESG. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu nhận thức và hiểu biết về thực hành ESG.
“Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chưa hiểu rõ về khái niệm Net Zero và các yêu cầu liên quan, dẫn đến việc triển khai không hiệu quả và không đạt được mục tiêu đề ra”, ông Việt nói.
TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, cần thay đổi nhận thức của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng về ESG. Mặt khác, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về chính sách chuyển đổi xanh, thường xuyên cập nhật các chính sách xanh liên quan tới sản phẩm và dịch vụ. Đặc biệt, cần hành động sớm, tăng cường năng lực như vốn, công nghệ, kỹ thuật, nhân lực, quản trị… nhất là thực hành ESG; áp dụng ESG trong quản trị.
Bên cạnh đó, chính sách, quy định cần hài hòa và đồng bộ để giải quyết bài toán một cách rốt ráo, tiến tới đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Nguồn: nongnghiep.vn