Là đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (huyện Củ Chi), đến nay, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao (AHRD) đã nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo thành công nhiều giống cây trồng như dưa lưới, dưa leo, cà chua bi, khổ qua (mướp đắng), hoa lan, hoa kiểng, hoa nền…, đồng thời ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của TP.HCM.
Trong đó, các giống dưa lưới CNC01, dưa leo CNC04, giống ớt CNC02, giống khổ qua CNC03, giống hoa lan Dendrobium D. CNC01 và D. CNC02, giống cà chua bi Nữ hoàng CNC05 đã công bố tiêu chuẩn cơ sở.
Riêng giống dưa lưới đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng với tên giống bảo hộ là AHRD201 từ tháng 1/2024. Giống dưa này có đặc điểm quả có hình elip trung bình, vỏ quả màu vàng sáng, có vân lưới dày, đều, ruột quả có màu trắng xanh, thịt quả giòn, độ Brix của quả trung bình từ 13 – 16%. Năng suất trung bình 3 – 3,2 tấn/1.000m2. Khả năng thích nghi tốt, kháng bệnh cao. Năng suất cao và ổn định, cao hơn từ 17 – 25% so với đối chứng và chất lượng phù hợp với thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt của AHRD cũng đã được Cục Trồng trọt công nhận là tiến bộ kỹ thuật như quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới và một số loại rau ăn lá như xà lách, cải ngọt, cà chua bi… trồng trên giá thể trong nhà màng và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt.
Một trong những giống cây trồng đã được AHRD chọn lọc, lai tạo và được chuyển giao cho nhiều hộ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh như Lâm Đồng, Đồng Tháp, Hậu Giang là giống cà chua bi Nữ hoàng.
“Giống này có đặc tính chịu nhiệt, thích hợp trồng ở khu vực nóng như khu vực phía Nam. Ở vùng khí hậu nóng, giống cà chua này chống chịu tốt với một số sâu bệnh, cho năng suất cao. Giống này cũng đã được đưa lên Lâm Đồng trồng thử nghiệm và có phản hồi tốt”, chị Nguyễn Thị Thùy Trinh, Phó phòng phụ trách Phòng Nghiên cứu cây trồng và vật nuôi (thuộc AHRD) cho biết. Theo chị Trinh, giống cà chua bi này có thể đạt năng suất trên 6 tấn/1.000m2, bình quân mỗi năm bà con có thể thu nhập trên 150 triệu đồng.
Mô hình trồng rau trụ đứng cũng đã được AHRD chuyển giao cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP.HCM. Mô hình này phù hợp với nền nông nghiệp đô thị hiện nay khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Với mô hình này, người dân có thể trồng rau trên sân thượng, ban công hay khu vườn nhỏ để có thể cung cấp rau sạch cho gia đình.
“Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất rau sạch cũng áp dụng mô hình này vì giúp giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát được lượng phân bón, chế phẩm vi sinh, đảm bảo chất lượng sản phẩm”, chị Trinh nói.
Mô hình trồng rau trụ đứng đã được chuyển giao cho các huyện ngoại thành trên địa bàn TP.HCM. Mô hình này có thể trồng được khoảng 10 vụ/năm, lợi nhuận khoảng 70 – 80 triệu đồng mỗi năm. Năng suất cao hơn so với phương pháp truyền thống ít nhất 10%. Trong khi đó, rau đạt tiêu chuẩn an toàn, giá trị cao nên được đưa vào các siêu thị, chuỗi thực phẩm sạch.
“Khi chuyển giao mô hình này, chúng tôi hỗ trợ về kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu”, chị Nguyễn Thị Thùy Trinh cho hay.
Ông Hoàng Đắc Hiệt, Phó Giám đốc AHRD cho biết, các giống cây trồng, quy trình sản xuất đã được AHRD chuyển giao cho các đơn vị, cá nhân trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành như Phú Yên, Lâm Đồng, Đắc Nông và các tỉnh ĐBSCL… Qua đó giúp tối ưu chi phí, quá trình canh tác không phụ thuộc vào thời tiết, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho người sản xuất…
Nguồn: nongnghiep.vn