Hết vàng?
Ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, đa số các tiệm vàng tại khu chuyên doanh vàng (chợ An Đông, quận 5), chỉ trưng bày các loại vòng ngọc, mã não, cẩm thạch… trong tủ kính. Khi có khách hỏi mua vàng, nhân viên tiệm T.T cho biết, hiện tiệm chỉ còn trang sức đá và bạc, còn trang sức vàng đã hết nhiều ngày nay.
Còn tại Trung tâm An Đông Plaza (quận 5), nhiều tiệm kinh doanh vàng “cửa đóng then cài”, bên ngoài để lại số điện thoại để khách liên lạc khi cần.
Tiệm vàng A.H (đường Nhiêu Tâm, quận 5) cũng cho biết, chỉ còn sản phẩm bạc hoặc vàng giả đeo chơi là chính.
Trong khi đó, nhiều tiệm vàng chợ Tân Định (quận 1) còn không trưng bày vàng trong tủ. Quan sát những tiệm vàng này, chúng tôi thấy, thỉnh thoảng có một vài khách đến giao dịch, nhân viên nhìn mặt hoặc hỏi nhu cầu khá kỹ rồi mới quyết định bán vàng hay không.
Trong vai khách hàng cần mua dây chuyền, chúng tôi đề nghị xem sản phẩm tại một tiệm vàng nhưng nhân viên cho biết đã hết hàng. Thắc mắc vì sao tiệm vàng lại không trưng sản phẩm cho khách xem, nhân viên cười cười rồi nói “giờ tiệm nào cũng vậy”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi có đặt hàng được không, người này cho biết vẫn nhận đặt làm trang sức cho khách nhưng phải cung cấp mẫu chứ tiệm không có sẵn.
Tăng cường kiểm tra tiệm vàng
Lý giải tình trạng nhiều tiệm vàng không trưng bày vàng trong tiệm, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM nói rằng, do họ lo sợ bị quản lý thị trường kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ của vàng trang sức. Trước đây, vàng trang sức được tiệm vàng mua từ nhiều nơi nên không có nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ…
“Quản lý thị trường kiểm tra nếu phát hiện vàng không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc sẽ phạt nên các tiệm vàng lo sợ nên không dám trưng hàng để buôn bán. Từ đầu năm 2024 đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải chịu trận, nhiều doanh nghiệp chịu không nổi đã phải ngưng hoạt động”, ông Dưng nói.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, mục tiêu quản lý nhà nước về thị trường vàng với các giải pháp cụ thể được thực hiện đồng bộ nhằm ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định thị trường tài chính tiền tệ, qua đó tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội.
Có thể nói, các giải pháp của TP.HCM, giải pháp của cơ quan quản lý đều nhằm mục tiêu mang lại lợi ích chung nhất cho nền kinh tế, cho người dân. Trong đó, liên quan đến thị trường vàng và lĩnh vực mua bán vàng miếng đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hoạt động này liên quan đến nhiều lĩnh vực: từ việc chấp hành nghiêm quy định về chế độ hóa đơn chứng từ; mẫu mã chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm; quản lý giá; thuế… đến điều kiện về kinh doanh.
“Nếu thực hiện tốt giải pháp này, sẽ đảm bảo cho thị trường vàng hoạt động lành mạnh, công khai và minh bạch. Trong đó kết quả kiểm tra của Cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa qua, cũng là giải pháp hiệu quả thiết thực và trực tiếp hạn chế hiện tượng nhiều cửa hàng vàng lách quy định bằng việc không trưng bày bán vàng trang sức không rõ xuất xứ, nguồn gốc, nhưng các giao dịch ngầm vẫn diễn ra”, ông Lệnh cho biết.
Cuối tháng 8/2024, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra đột xuất 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn quận 5.
Qua kiểm tra, các doanh nghiệp xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Tuy nhiên, đã phát hiện một số sản phẩm vàng trang sức gồm 11 sợi dây chuyền được bày bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ với tổng trị giá hàng hóa hơn 130 triệu đồng. Đoàn đã lập biên bản, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, trong thời gian tới, các lực lượng sẽ tiếp tục triển khai đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn quận 5, nhằm góp phần bình ổn thị trường vàng trong bối cảnh giá vàng đang tăng cao. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của Đội trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng kém chất lượng trên địa bàn.
Nguồn: nongnghiep.vn