Lợi nhuận 26 – 32 triệu đồng/ha
Vụ lúa hè thu là một trong ba vụ chính trong năm tại ĐBSCL. Đây là vụ lúa diễn ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất, nắng nóng gay gắt và nguy cơ hạn hán cao. Nhờ sự chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, cùng với sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, vụ lúa hè thu 2024 tại An Giang và Đồng Tháp đã thành công rực rỡ. Đặc biệt với giá lúa cao hơn so với trung bình nhiều năm, nông dân rất phấn khởi khi có lợi nhuận từ 26 – 32 triệu đồng/ha (tùy từng giống lúa).
Anh Trần Văn Kiên ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) không dấu được phấn khởi cho biết, gần 3ha lúa hè thu của gia đình vừa thu hoạch xong, năng suất dao động từ 790 – 800kg/công. Giá lúa được thương lái thu mua tại ruộng đối với giống OM5451 từ 7.400 – 7.500 đồng/kg, còn giống OM18 và Đài Thơm 8 từ 7.600 – 7.700 đồng/kg, tăng bình quân khoảng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi hơn 30 triệu đồng/ha.
Vụ lúa hè thu năm 2024, tỉnh Đồng Tháp xuống giống 198 nghìn ha, hiện nay đã thu hoạch hơn 160 nghìn ha, năng suất bình quân 69,3 tạ/ha, tăng hơn 3 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2023 và giá lúa chất lượng cao bình quân 7.700 đồng/kg, cao hơn 600 đồng/kg so cùng kỳ năm 2023.
Vụ hè thu năm 2024, nông dân An Giang gieo sạ 230 nghìn ha lúa, năng suất đạt 6,2 tấn/ha, dự kiến sản lượng hơn 1,37 triệu tấn. Hiện nhiều nơi ở các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên và TP Châu Đốc… sau khi thu hoạch lúa hè thu xong bà con tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, làm đất để tiếp tục xuống giống vụ thu đông.
Đứng quan sát những chiếc máy gặt đập liên hợp đang hoạt động liên tục, ông Nguyễn Văn Hưởng (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, An Giang) chia sẻ: Trong vụ hè thu này, năng suất lúa ruộng nhà đạt khá tốt. Mặc dù thời điểm lúa bắt đầu đòng – trổ bị nhiều trận mưa liên tiếp, dẫn đến một số diện tích lúa bị lem lép hạt. Tuy nhiên nhờ áp dụng kịp thời các biện pháp chăm sóc như bón phân và cung cấp đầy đủ các loại thuốc dưỡng nên cây lúa khỏe, trổ đều, hạt lúa chắc.
“Với diện tích 5ha, tôi đã thu hoạch lúa hè thu xong 2,5ha vào tuần trước, năng suất đạt 7 tấn/ha, giá bán 7.200 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận gần 29 triệu đồng/ha. Hiện tôi đang chuẩn bị thu hoạch 2,5ha lúa còn lại, năng suất ước đạt 7 tấn/ha, giá 7.200 đồng/kg, trừ các khoản chi phí lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha. Nhờ giá lúa cao hơn cùng kỳ năm trước nên lợi nhuận tăng thêm 3 triệu đồng/ha” ông Nguyễn Văn Hưởng nói.
Đang xem thương lái cân lúa trên đồng vừa thu hoạch xong, ông Lê Văn Mừng (xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc) phấn khởi cho biết: “Lúa hè thu năm nay trúng mùa, được giá. Tôi gieo sạ 2ha, giống OM18, thu hoạch vừa xong, năng suất 7 tấn/ha, giá lúa được thương lái thu mua tại ruộng 7.200 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha. Năm nay thời tiết ít mưa giông nên lúa không bị đổ ngã. Cùng với đó, tôi áp dụng canh tác lúa theo quy trình ‘3 giảm 3 tăng‘, ‘1 phải 5 giảm’ nên giảm được đáng kể chi phí đầu tư, năng suất lúa lại tăng”.
Đưa chúng tôi ra thăm ruộng, ông Nguyễn Văn Trực, cùng xã Vĩnh Tế vui mừng chia sẻ, vụ lúa này gia đình canh tác hơn 10ha, đều gieo sạ giống lúa OM5451 và đã thu hoạch 5ha, diện tích còn lại khoảng cuối tháng 8 là thu hoạch dứt điểm. Diện tích 5ha đã thu hoạch xong năng suất 7 tấn/ha, giá bán 7.300 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 32 triệu đồng/ha. Lúa có lợi nhuận tốt ngoài việc có giá cao thì một phần cũng nhờ áp dụng những tiến bộ kỹ thuật và máy móc hiện đại nên kéo giảm chi phí sản xuất. Tính riêng vụ lúa hè thu năm 2024, với diện tích lúa 10ha, trừ chi phí, ông Trực có lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.
Để đảm bảo thắng lợi vụ lúa hè thu đối với những diện tích còn lại sẽ thu hoạch cuối tháng 8 và đầu tháng 9, ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang khuyến cáo bà con nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để quản lý dịch hại bền vững như quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái (mô hình ruộng lúa – bờ hoa), bón phân cân đối theo nhu cầu cây lúa, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, áp dụng biện pháp tưới nước ngập – khô xen kẽ trên đồng ruộng…
Cánh đồng thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa thắng lớn
Triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án), vụ hè thu 2024, TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải với diện tích 50ha tại huyện Vĩnh Thạnh.
Vừa qua, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) đã tổ chức hội thảo sơ kết mô hình thí điểm thực hiện Đề án trong vụ lúa hè thu 2024 tại huyện Vĩnh Thạnh. Theo đó, các diện tích lúa tham gia mô hình đã giảm được nhiều chi phí đầu vào như giảm lượng giống khoảng 50%, giảm phân bón 20 – 30% và giúp giảm số lần phun thuốc BVTV, trong khi năng suất lúa tăng ít nhất khoảng 7%.
Bên cạnh đó, nông dân cũng có thêm thu nhập từ việc khai thác rơm và có thể giảm được phát thải khí nhà kính từ 2 – 6 tấn CO2/ha.
Trực tiếp tham gia mô hình thí điểm, ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Tiến Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) cho biết, năng suất lúa vụ hè thu 2024 đạt 6,13 – 6,51 tấn/ha, cao hơn 7% so với lúa trồng đối chứng (năng suất 6 tấn/ha). Trong khi đó chi phí đầu vào thấp hơn nên nông dân tăng được lợi nhuận từ 1,3 – 6,2 triệu đồng/ha. Ngoài việc giảm chi phí, tăng lợi nhuận, cái quan trọng nhất cho đời sống đó là giảm ô nhiễm môi trường khi áp dụng đúng quy trình sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, để đạt thắng lợi này, ngành nông nghiệp tỉnh đã cùng các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào đồng ruộng; khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Từ đó đã kéo giảm giá thành sản xuất lúa hè thu còn 3.400 – 3.600 đồng/kg, lợi nhuận ước đạt 26 – 32 triệu đồng/ha, tăng từ 3,4 – 9 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn: nongnghiep.vn