Trong mềm có cứng, trong tĩnh có động
Sinh ra và lớn lên ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ (TP Hà Nội), tuy không có đất trồng cây nhưng thú đam mê quất cảnh dường như đã ngấm sâu vào trong máu của anh. Bởi thế, hay tin ngày 19/1 Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức hội thi tinh hoa nghệ thuật quất cảnh lần đầu cấp Thành phố tại UBND phường, anh Tâm đã có mặt từ rất sớm để ngắm cho thỏa 68 tác phẩm của 31 tác giả đến từ 2 phường nổi tiếng về quất cảnh là Tứ Liên và Phú Thượng.
Trong khi nhiều khách đứng chôn chân nhìn những chậu quất khủng thì anh tỏ ra thờ ơ, chỉ đi lướt qua chúng rồi đến bên những chậu quất nhỏ hay mini với những thế như long phượng vần vũ, cá chép hóa rồng, phượng múa đón xuân, tam đa, ngũ phúc…
“Mới nhìn thoáng qua thì những chậu cây to trông rất thu hút nhưng nhìn kỹ rõ ràng lá, quả là quất thật nhưng gốc lại là cần thăng. Tôi đặc biệt thích quất bon sai bởi đó là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện tư duy của nghệ nhân, được làm rất kỳ công qua các khâu uốn, cắt tỉa và chăm sóc. Có những miệng lọ rất nhỏ, chỉ đút vừa cái thân cây nhưng lại tạo ra được bộ rễ đẩy lên, thoát khỏi miệng lọ rất đẹp. Một tác phẩm như vậy ít nhất phải mất 6 – 7 năm gồm 2 năm tạo phôi rồi năm 3, 4 mới để quả.
Đó mới thực sự là chơi cây bon sai chứ bây giờ kỹ thuật phát triển, có những người lấy những gốc cây họ nhà bưởi hay cây cần thăng rồi ghép quất vào, chỉ được hình dáng bên trên thôi chứ nhìn kỹ vào gốc vẫn thấy lộ. Gốc quất bao giờ cũng có những vết cắt múi do các cành được chủ vườn cắt lựa đi để lấy dáng cây, về sau chúng tạo thành những vết sẹo liền với thân, còn ghép quất vào gốc cây khác thì không có. Người không có chuyên môn sẽ thấy đập ngay vào mắt cây đó quả to, dáng bề thế nhưng với tiêu chí của cây bon sai thì nó lại không đạt”, anh Tâm phân tích.
Chúng tôi đi giữa mê man màu đỏ của quả, màu xanh của lá, màu trắng của hoa và ngan ngát hương thơm dìu dịu. So với các loại quất trồng ở vùng đất khác, quất Tứ Liên lá xanh đậm, khoẻ, quả to, bóng đẹp, cây chơi bền… nên từ khoảng 1 – 2 tháng trước Tết rất đông khách buôn từ các tỉnh đã rầm rập đổ về đặt mua. Bởi thế mà giới sành chơi rất ngại những tấm biển rổn rảng treo ngoài đường, ngoài vỉa hè “quất Tứ Liên” bởi hầu hết quất Tứ Liên thật chỉ bán tại vườn lắm khi còn không đủ.
Chủ vườn Xuân Lộc cho biết, xưa các cụ quan niệm một cây quất đáng để chơi phải có đủ tứ quý gồm dáng đẹp, quả đẹp, có lộc non cùng chút nụ hoa. Nay, không chỉ yêu cầu tứ quý, người trồng còn phải chú ý đến cả thân cây và bộ rễ. Thân có thể uốn theo nhiều dáng hình và bộ rễ phải nổi như rễ mai ngày Tết. Bộ rễ cây nhìn mềm mại, nhưng thân cây nhìn thì cứng, đó là cả một sự uyển chuyển “trong cứng có mềm”, “trong mềm có cứng”, “trong tĩnh có động” mang đầy tính triết lý của Á Đông…
Những người mở nghề
Nghệ nhân Bùi Thế Mạnh cười rung chòm râu trong ánh nắng nhạt của ngày đông khi liên tiếp được khách xúm đến hỏi về những “đứa con tinh thần” của mình đang trưng bày ở hội thi. Hai cây giá rẻ hơn có dáng cá chép hóa rồng và long phượng vấn vũ của anh lại ăn ảnh hơn cây quần long hội tụ và kim long đỗ giá đắt bởi dáng của chúng đập ngay vào mắt, không phải soi nhiều.
Anh cho biết, vùng bãi Tứ Liên vốn là đất trồng dâu, nuôi tằm rồi trồng rau màu cung cấp cho nội thành Hà Nội. Lịch sử của nghề quất cảnh có từ hơn 60 năm trước, nhưng do ảnh hưởng của nước sông Hồng vào mùa lũ khiến cho cây chết nên bị gián đoạn một thời gian dài từ năm 1970 – 1990.
Về sau, khi có các công trình thủy điện trên sông Hồng, người dân lại tôn đất nền bãi cao lên, từ năm 2000 cây quất đã phát triển ổn định ở đây. Hiện phường có gần 30ha quất, nhà ít có 1 sào, nhà nhiều có vài ba sào (sào 360m2), mỗi năm xuất ra thị trường trên 100.000 cây. Nghề quất cảnh từ năm 2005 trở về trước là kiểu truyền thống, trồng chuyên canh dưới đất, tạo dáng hình cái nơm, cây thông hay phân tán thành 3 tầng, 5 tầng, 7 tầng, mất 1 – 3 năm để trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh.
Thời đó, giá cây quất nhỏ chỉ từ 5.000 – 10.000đ nhưng do kinh tế kém, chỉ những nhà có điều kiện mới dám chơi. Dịp Tết anh Mạnh đạp xe vào chợ hoa Hàng Lược, đường Hoàng Hoa Thám hay khắp các ngõ ngách của Hà Nội để bán rong quất. Mỗi lần chỉ chở được 1 cây, ngày trôi chảy bán được 2 – 3 cây, còn không chỉ được 1 cây. Mùa đông gió bấc rét căm căm mà nhiều khi lưng áo anh ướt đầm mồ hôi.
Thấy vất vả quá, từ năm 2005, anh Mạnh trở thành một trong những người đi tiên phong trong việc trồng quất trong chậu, tạo thế bon sai ở phường Tứ Liên. Để giờ đây cùng với các nhà vườn khác như Xuân Lộc, Hoàng Gia… họ đã tạo nên danh tiếng cho một làng nghề với gần 200 hội viên, năm 2018 chính thức được công nhận.
Nghệ nhân Bùi Thế Mạnh chia sẻ: “Hiện tỷ lệ quất bon sai ở Tứ Liên chiếm 95%, chỉ còn khoảng 5% vẫn trồng dưới đất truyền thống. Thị trường quất cả nước cũng phải cỡ 80 – 90% là đã tạo thế bon sai. Khi có một gốc quất, phải có ý tưởng rồi tạo dáng thế gì cho phù hợp với ý tưởng đó như để cành nào, cắt cành nào, từ cành to rút xuống cành nhỏ ra sao. Các giai đoạn chiết cành, tạo dáng, đón quả cần phải chuẩn xác bởi nếu không cây sẽ bị phá thế.
Tôi có 5 cây dự thi lần này, cây lâu năm nhất có dáng quần long hội tụ đã 20 năm tuổi, mỗi Tết cho thuê 20 triệu đồng, còn những cây khác cho thuê 10 – 15 triệu đồng. Một số người gạ mua đứt nhưng tôi tiếc không đồng ý bởi bán là mất cái để chơi. Tuổi thọ của quất tối đa chỉ khoảng 30 năm nên trên 10 năm đã được tính là cây lão. Quả của cây quất lão đúng kiểu quả quất Tứ Liên truyền thống nhỏ, da căng mọng, vỏ mỏng và bóng, còn cây quất non cho quả to, xộp, vỏ dày”.
Chị Trần Thị Phương Thư – vợ anh Mạnh tiếp lời chồng: “Trước đây họ trồng nhiều, treo cả cây trên tường, mỗi dịp Tết thu tiền tỉ nhưng giờ trồng ít và thưa ra để đi sâu vào chất lượng nên với hơn 1 sào vườn đã thu 500 – 700 triệu đồng.
Trong sản xuất, họ hết sức để ý đến việc dùng thuốc BVTV bởi nhà ở ngay trong vườn, ô nhiễm thì người đầu tiên hứng chịu chẳng ai khác là chủ. Thứ nữa, khách chơi khi trưng những chậu quất đẫm hóa chất độc hại vào không gian gia đình cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Bởi thế, vợ chồng chị mấy năm nay đã sử dụng thuốc BVTV sinh học, loại chỉ sau 3 ngày là hết thời gian cách ly, hết mùi hôi để tôn lên mùi thơm tự nhiên của hoa, của quả quất”.
Bất ngờ thay, khi chấm thi quất với 15 tiêu chí gồm phô thân, lộ căn, quả, tính sáng tạo… thì có 1 tiêu chí là không sử dụng hóa chất độc hại, có mùi thơm tự nhiên. Đây là cách mà Ban giám khảo đề cao yếu tố phát triển bền vững của nghề quất cảnh Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Văn Chí – Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP Hà Nội, hội thi quất lần này ngoài mục đích ngoài tôn vinh các nghệ nhân còn thúc đẩy sự phát triển làng nghề sinh vật cảnh gắn với du lịch. Các tác phẩm đều được mã hóa để đảm bảo sự công bằng trong lúc chấm và Ban giám khảo rất khó lựa chọn vì có nhiều “thí sinh” đẹp. Tổng cơ cấu có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 5 giải ba và 10 giải khuyến khích.
Nếu trong chậu, trong bình lọ không đủ nước thì cây quất sẽ rút nước từ quả ra để sinh tồn khiến quả bị móp, méo, thậm chí bị rụng. Bởi vậy, người chơi quất dịp Tết phải thường xuyên kiểm tra nước trong bình lọ bằng cách ấn tay xuống mà lún là đủ nước, nếu tay dính bùn là thừa nước, khô thì thiếu nước.
Nguồn: nongnghiep.vn