Đất dưới chân rung lắc mạnh, những miếng bê tông lớn bị bật lên dòng nước cuốn đi xa hàng trăm mét, đê vỡ nước cuồn cuộn chảy vào cánh đồng và các khu dân cư.
Đó là là ký ức kinh hoàng được ông Nguyễn Văn Quang ở tổ dân phố số 11, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên kể lại với phóng viên.
Do hoàn lưu bão số 3, từ ngày 8 đến ngày 12/9 ở tỉnh Yên Bái và nhiều địa phương khu vực miền Bắc có mưa lớn kéo dài. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn, hệ thống đê sông Hồng ở khu vực xã Việt Thành, huyện Trấn Yên ở mức báo động cao.
Rạng sáng ngày 10, nước sông Hồng đã lên trên báo động 3, mực nước phía trong và ngoài đê chênh nhau hơn 3 mét. Thân đê đất, đổ bê tông trên mặt với mục đích vừa kiên cố hóa vừa có chức năng làm đường giao thông nội đồng.
Ông Quang nhớ lại, lúc đó khoảng 2 giờ sáng, ông trực tiếp đứng cách điểm đê vỡ khoảng 30m, thấy thân đê rung lên, ông vội chạy về phía nhà mình ở điểm cao để đảm bảo an toàn. Sau đó những miếng bê tông lớn trên mặt đê bị bật lên, đê vỡ nước sông cuộn chảy vào cánh đồng. Phía trong hàng chục hộ dân hỗn loạn hò hét nhau bỏ của chạy lấy người lên các điểm cao. Trời tối, mất điện, mưa lớn, nước chảy xiết nên rất đáng sợ.
Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau mực nước trong và ngoài đê cân bằng, những ngôi nhà ngập sâu trong nước. May mắn sáng hôm sau không nghe tin ai bị làm sao là thấy thở phào.
Đê vỡ làm toàn bộ cây trồng trên cánh đồng bị xóa sổ, sau khi nước rút chỉ còn lại bùn đất và cây cối xơ xác chết khô, những tấm bê tông lớn còn mắc lại bên những gốc cây. Gia đình ông Quang bị thiệt hại gần 1 mẫu rau màu, trong đó có 3 sào cà chua và hơn 5 sào su hào, bắp cái giống.
Theo ông Quang, chưa bao giờ ông chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp như thế, các hộ dân phía trong đê bị thiệt hại nặng, toàn bộ tài sản bị ngập úng, nhiều diện tích ao cá, lúa và cây mầu mất trắng.
Trong đợt lũ lụt lịch sử năm nay, tại xã Việt Thành có 3 đoạn đê sông Hồng bị vỡ (đây đều là các tuyến đê cấp 5, do địa phương quản lý) với tổng chiều dài khoảng 150 mét, cả xã có 620 hộ dân bị ngập lụt, hơn 300 ha cây trồng bị ngập úng, trong đó 220 ha dâu bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Quốc Tưởng, Bí thư Đảng ủy xã Việt Thành cho biết, sau khi bão số 3 đi qua, hoàn lưu bão đã gây mưa lớn ở nhiều nơi, kết hợp với lũ từ thượng nguồn đổ về nên mực nước sông Hồng lên nhanh. Chính quyền xã đã cử lực lượng đi kiểm tra, rà soát toàn tuyến đê bao ven sông để có phương án ứng phó. Khi mực nước sông lên cao gần bằng mặt đê, xã đã huy động hơn 500 người gồm các lực lượng công an, dân quân và người dân ở các thôn tập trung hộ đê.
Với những phương tiện, vật tư đã chuẩn bị từ trước, các lực lượng đã chở đất, cát cho vào bao tải vận chuyển lên mặt đê để ngăn nước sông tràn vào cánh đồng. Tại các điểm xung yếu thực hiện đóng cọc tre và thả bao tải cát chèn để chống vỡ đê.
Đến tối ngày 10/9 nước trên sông Hồng vẫn đổ về cuồn cuộn, nước tràn qua mặt đê, cuốn trôi hết những bao tải đất vào cánh đồng. Trong đêm tối, sức người không chống lại được dòng lũ dữ, thấy tình huống nguy hiểm chính quyền xã chỉ đạo các lực lượng rút về vị trí an toàn, bất lực nhìn dòng nước đục ngầu tràn vào cánh đồng.
Đến cuối cùng, tình huống xấu nhất với con đê đã xảy ra, đê vỡ nước réo rít chảy vào, làng mạc, các khu dân cư, những cánh đồng lúa, dâu tằm và hoa mầu bị bị nhấn chìm, thiệt hại nặng nề.
Do bão số 3 và hoàn lưu, trên địa bàn huyện Trấn Yên nhiều tuyến đê bị thiệt hại, hư hỏng nghiêm trọng. Trong đó có 3 tuyến đê cấp 5 ở các xã Việt Thành, Nga Quán bị vỡ chiều dài từ 100 – 150 m, làm hỏng hệ thống cống quay, cống dưới đê. Các tuyến đê tại xã Minh Quân bị xói lở 400m chân đê; tuyến đê tại thị trấn Cổ Phúc bị sạt, xói lở, hệ thống cống quay không vận hành được.
Những ngày qua, lũ trên hệ thống sông tại tỉnh Yên Bái đã xuống, tuy nhiên mực nước vẫn còn duy trì ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố sạt lở đê, kè bảo vệ đê, sạt lở bờ, bãi sông…
Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm việc ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều. Duy trì lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Đối với các tuyến đê bị hư hỏng, tỉnh Yên Bái dự kiến sẽ sử dụng nguồn vốn từ Quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh, đầu tư 11,2 tỷ đồng để sửa chữa khắc phục trước mắt. Về lâu dài, sẽ đề nghị Trung ương đầu tư nguồn vốn để nâng cấp, kiên cố các tuyến đê, đặc biệt là hệ thống đê ven sông Hồng để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ.
Nguồn: nongnghiep.vn