Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ được thành lập trên cơ sở Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nông nghiệp Bắc Trung Bộ, Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ tại Quyết định 220 ngày 09/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Viện có chức năng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về cây trồng, nghiên cứu xây dựng hệ thống nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng Bắc Trung Bộ. Viện đã hình thành được mạng lưới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cây trồng đối với vùng, nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, quy trình canh tác, công nghệ tiên tiến đã được tạo ra và chuyển giao cho nông dân, góp phần tăng năng suất, sản lượng và từng bước cải thiện chất lượng của các loại cây trồng, đóng góp to lớn vào những thành tựu của lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua, phục vụ tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của các địa phương vùng Bắc Trung Bộ.
Những năm qua, Viện đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong nghiên cứu khoa học, chủ trì thực hiện hàng trăm đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở. Đây chính là tiền đề quan trọng để tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ.
Hàng năm, Viện đã thực hiện lưu giữ, đánh giá các tập đoàn mẫu giống lạc, dòng/ giống lúa, dòng/ giống sắn, hàng chục nhóm loài cây trồng có nguồn gốc địa phương với hàng trăm mẫu giống (bưởi, cam, quýt, chanh, na, nhâm (Quất hồng bì), đu đủ, chuối, ổi, dứa, khế, dâu ăn quả, mía …) và tập đoàn giống cao su… ngoài việc đánh giá lưu giữ bảo tồn các nguồn gen quý, Viện thực hiện chọn tạo nhằm tạo ra giống cây trồng lợi thế cho vùng. Đến nay, Viện có nhiều giống cây trồng mới và 04 quy trình kỹ thuật canh tác đã được Bộ NN&PTNT công nhận.
Các giống cây trồng, tiến bộ kỹ thuật của Viện tạo ra cho năng suất cao, chất lượng tốt còn thích hợp với điều kiện sinh thái xã hội của vùng, cũng như được người nông dân trên địa phương chấp nhận và đánh giá cao.
Hiện tại, Viện đang bảo tồn và chăm sóc tại chỗ các cây đầu dòng đã được công nhận đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh: 5 cây hồng nứa Nam Đàn, 5 cây hồng vuông Thạch Hà, 5 cây xoài Tương Dương, 11cây bưởi đỏ Hương Hồ, 15 cây cam Nam Đông, 15 cây cam Xã Đoài.
Cùng với đó là đang chăm sóc vườn cây mẹ S1 gồm các cây cam Xã Đoài, cam Nam Đông và cây bưởi đỏ Hương Hồ.
Viện cũng đang tiến hành thu thập, lưu giữ, đánh giá nguồn gen các giống cây trồng chủ lực như: 53 dòng/giống lạc 23 dòng/giống vừng và 15 dòng/giống đậu xanh. Lai tạo các giống đậu mới theo hướng năng suất cao và chịu hạn (lai tạo đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ): đề tài lai 35 tổ hợp lai cây đậu xanh, 15 tổ hợp lai đậu đen và 5 tổ hợp lai đậu đỏ; hiện tại các tổ hợp lai đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả đạt > 65%.
Năm 2023, Viện đã đánh giá 1524 cá thể và 38 dòng đậu xanh; 1320 cá thể đậu đen; 1435 cá thể đậu đỏ mới lai tạo. Hiện tại, các cá thể lai F1, F2 đậu xanh đã hình thành quả đang vào giai đoạn chín bói, đậu đen, đậu đỏ đang ra hoa hình thành quả, các cá thể đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ sinh trưởng, phát triển tốt.
Phát triển quần thể và chọn cá thể phân lý, đánh giá và chọn lọc dòng vừng theo một số tính trạng năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu bệnh héo rũ và chịu hạn (thế hệ F3): đề tài nghiên cứu 10 dòng/giống vừng, các dòng vừng đều có đặc tính phân cành, số múi/quả của các dòng dao động từ 2 – 4 múi/quả, chiều cao cây 140-180 cm/cây, số quả/cây của các dòng dao động từ 47-145 quả/cây, năng suất hạt của các cá thể dao động từ 7,8 – 10,8g/cây, năng suất thực thu các dòng vừng dao động 1,3-1,5 tấn/ha.
Viện cũng đã chọn lọc được 33 dòng lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (95-100 ngày), không nhiễm bệnh bạc lá, năng suất 51 -62 tạ/ha, hình dạng hạt gạo lật từ thon đến thon dài.
Cùng với các hoạt động nghiên cứu, chọn tạo các dòng giống cây trồng chủ lực trong nước, năm 2023, Viện còn chú trọng vào công tác hợp tác Quốc tế. Cụ thể, Viện hợp tác với Viện Nghiên cứu cây cao su Trung Quốc về chuyển giao giống và các tiến bộ kỹ thuật mới trong khai thác và canh tác cây cao su với quy mô 01 ha. Hiện đang xúc tiến kế hoạch hợp tác với KOPIA Việt Nam thực hiện dự án phổ cập giống lạc cho vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2024-2028.
Đánh giá tình hình thực hiện cơ chế, chính sách về KHCN năm 2023, ông Phạm Văn Linh, Giám đốc Viện KHKT nông nghiệp Bắc Trung bộ cho biết, các cơ chế quản lý tài chính trong lĩnh vực KHCN đã có những đổi mới mạnh mẽ, được sửa đổi, hoàn thiện, ban hành đầy đủ với những quy định cụ thể từ khâu lập dự toán tới khâu thanh quyết toán. So với các lĩnh vực khác, các quy định quản lý tài chính KHCN đã có những ưu đãi đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN và Chiến lược phát triển của ngành KHCN, cơ bản phù hợp với thực tiễn và hướng tới mục tiêu thực hiện quản lý theo kết quả của từng nhiệm vụ, tạo cơ chế thông thoáng trong quá trình kiểm soát chi, góp phần cải cách thủ tục hành chính.
Các văn bản quy phạm pháp luật theo đó, đã định hướng, quy định cụ thể và chi tiết hơn. Việc lập kế hoạch, đề xuất các nhiệm vụ KH&CN, dự toán kinh phí, phê duyệt các nhiệm vụ, cấp phát kinh phí được kịp thời, linh động và chủ động hơn. Đồng thời, khuyến khích các DN đẩy mạnh hoạt động KH&CN, gắn nghiên cứu KH&CN với sản xuất; tạo động lực cho các nhà khoa học yên tâm làm việc, sáng tạo và cống hiến. Hơn nữa, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật từng bước được xây dựng, ban hành đã phần nào thể hiện được tinh thần đổi mới của Luật, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy các hoạt động KH&CN.
Nhấn mạnh về một số khó khăn nội tại, Giám đốc Viện, ông Phạm Văn Linh cho hay, bước đầu thực hiện chế độ tự chủ nên kinh phí nghiên cứu KHCN trên một cán bộ nghiên cứu còn thấp, do đó chưa phát huy hết năng lực sở trường trong công tác nghiên cứu. Nhân lực khoa học có trình độ cao, trình độ chuyên sâu và kinh nghiệm trong nghiên cứu còn thiếu, do đó các kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ còn trong giới hạn nhất định.
Một số cơ sở hạ tầng như hệ thống kênh mương nội đồng, khu thực nghiệm nghiên cứu của Viện đã xuống cấp, đất đai không bằng phẳng, hệ thống tưới tiêu không chủ động; hóa chất phục vụ cho việc nghiên cứu còn thiếu, hệ thống nhà lưới cũ, thiếu kinh phí đầu tư, chưa đáp ứng một cách đầy đủ nhu cầu nhân và ươm cây giống… nên gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai nghiên cứu.
Thời tiết vùng Bắc Trung Bộ khắc nghiệt, có nhiều biến động làm ảnh hưởng đến thời vụ, sự sinh trưởng, phát triển và cho năng suất của các loại cây trồng trong vùng. Do đó việc triển khai, nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ KHCN trong nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp hơn một số nghề khác; ở một số địa phương gần các khu công nghiệp, có làng nghề phát triển nên nông dân đã chuyển sang làm nghề phi nông nghiệp … điều đó đã làm cho diện tích sản xuất nông nghiệp giảm.
Ruộng đất nhỏ lẻ manh mún nên việc đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất hàng hóa qui mô lớn còn nhiều hạn chế, giá cả vật tư đầu vào luôn ở mức cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn…những vấn đề này đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Viện KHKT nông nghiệp Bắc Trung bộ kiến nghị với cấp trên xem xét, tạo điều kiện giao trực tiếp các nhiệm vụ, chương trình nghiên cứu ổn định, dài hạn và đặc thù của vùng Bắc Trung Bộ cho Viện. Nâng cấp hệ thống nhà làm việc tại 3 trung tâm trực thuộc, cải tạo hệ thống nhà lưới, cải tạo nâng cấp hệ thống tưới tiêu, cải tạo đồng ruộng, tạo môi trường làm việc, nghiên cứu tốt cho cán bộ công nhân viên chức.
Tăng kinh phí nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng để đảm bảo quỹ lương và một phần kinh phí hoạt động và giao cho Viện thẩm định. Kiến nghị Viện KHKT Việt Nam (VAAS) điều phối để tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các Viện trong và ngoài VAAS trong nghiên cứu KHCN và chuyển giao TBKT cho các vùng, trong đó có vùng Bắc Trung bộ. Ban hành quy chế phối hợp giữa cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp để thu hút đầu tư của doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết, liên doanh theo mô hình đối tác công tư trong nghiên cứu khoa học.
Nguồn: nongnghiep.vn