Gần 3 năm trở lại đây, các tổ hợp tác thanh long tại xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành (Long An) duy trì sinh hoạt đều đặn hàng tháng. Các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất thanh long. Ngoài ra, chuyên viên Phòng NN-PTNT, cán bộ khuyến nông huyện thường xuyên đến thăm vườn, dự sinh hoạt cùng các tổ nhằm định hướng, hướng dẫn kỹ thuật trồng thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho người dân.
Theo UBND xã Hiệp Thạnh, hiện trên địa bàn xã có khoảng 838ha thanh long của 150 hộ dân. Địa phương tạo điều kiện cho các hộ trồng thanh long tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long đạt tiêu chuẩn, đăng ký mã số vùng trồng thanh long cho từng ấp…
Bà Nguyễn Thị Thu (xã Hiệp Thạnh) chia sẻ, thời điểm hiện tại đang chuẩn bị xông đèn cho thanh long ra hoa trái vụ. Bà Thu trồng gần 1.000 gốc thanh long ruột đỏ. Khi giá thanh long bấp bênh, bà vẫn đầu tư chăm sóc vườn vì tin tưởng vào định hướng sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn mà bà đang theo đuổi.
Bà Thu cho biết: “Trong gần 3.000 gốc thanh long, có khoảng 1.300 gốc tôi vừa trồng cách đây 1 năm nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Phần còn lại tôi chuẩn bị xông đèn. Tôi sản xuất thanh long lâu rồi nhưng các bước thực hiện chưa được chuẩn xác. Gần đây, huyện thuê đơn vị tư vấn hướng dẫn kỹ thuật cho từng xã, từng hộ, tôi mừng lắm. Sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP dù khó hơn sản xuất truyền thống nhưng chúng tôi vẫn làm vì tin đó là hướng đi đúng”.
Niềm tin của bà Thu cũng là nguyện vọng của đa số nông dân huyện Châu Thành. Theo khảo sát của Sở NN-PTNT Long An tại 12/13 xã, thị trấn của huyện Châu Thành, có 82,6% người dân thống nhất đầu tư trồng mới lại vườn thanh long bị hư hại, 88,1% người dân thống nhất thực hiện quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và 87,1% người dân đồng ý tham gia HTX để liên kết chuỗi giá trị.
Đáp lại những mong mỏi của người dân, Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân tái sản xuất thanh long, xây dựng vùng trồng thanh long chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Huyện phối hợp Sở NN-PTNT, Viện Cây ăn quả miền Nam hỗ trợ tư vấn người dân trồng mới thanh long, thực hiện quy trình canh tác hữu cơ… Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh việc hình thành chuỗi liên kết, đăng ký mã số vùng trồng cho từng ấp, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long hàng đầu để bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Theo ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Trung Quốc hiện nay không còn là thị trường dễ tính, họ đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận an toàn… không thua gì Nhật Bản, Hàn Quốc. “Để tăng giá trị cho trái thanh long, ngay từ khâu đầu vào cần phải thắt chặt. Vì thế Công ty luôn cố gắng hỗ trợ bà con sản xuất thanh long sạch, đúng quy trình. Khi đầu vào ổn thì đầu ra mới luôn đạt chuẩn, trái thanh long hiển nhiên sẽ được giá”, ông Huy chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Long An), UBND huyện vừa đấu thầu mời gọi đơn vị tư vấn hướng dẫn người dân sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đến khảo sát và tập huấn cho người dân tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện với tổng kinh phí khoảng 12 tỉ đồng. Ngoài ra, huyện còn đầu tư nạo vét kênh mương, giúp nông dân trồng thanh long có thể chủ động tưới, tiêu trong sản xuất.
“Huyện đặt mục tiêu có 3.000ha thanh long được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP và 300/3.000ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Châu Thành đang nỗ lực chung tay thực hiện mục tiêu này”, ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành nói.
Nguồn: nongnghiep.vn