Được xem là “cánh tay nối dài” của ngành thú y trong việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhưng các cán bộ thú y cơ sở thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Kon Plông (Kon Tum) đang chịu rất nhiều thiệt thòi vì phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm luôn rình rập, trong khi chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.
Xót xa khi nhìn vật nuôi bị bệnh
Một ngày như thường lệ tại xã Pờ Ê (huyện Kon Plong), anh A Vec, thú y viên cơ sở lại rảo bước khắp các thôn làng để kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng mấy ai hiểu được những khó khăn, vất vả của các cán bộ thú y cơ sở như anh A Vec đang phải gồng gánh.
Gần 5 năm làm cán bộ thú y cơ sở của xã Pờ Ê, anh Vec đến với nghề như một mối lương duyên. Anh Vec kể: “Xã Pơ Ê phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên người dân chủ yếu chăn nuôi theo hình thức thả rông. Trước đó, trên địa bàn xã cũng có cán bộ thu ý nhưng không hiểu sao đàn vật nuôi vẫn bị dịch bệnh mà chết. Lúc bấy giờ, với chút kiến thức được học về lĩnh vực thú y, mình muốn giúp đỡ người dân không chế được dịch bệnh, phát triển đàn chăn nuôi hiệu quả”.
Trong quá trình giúp đỡ người dân, anh Vec được địa phương ghi nhận và mời về làm cán bộ thú y để có thể phát huy hết khả năng, kinh nghiệm phục vụ cho quê hương. A Vec cho biết, bản thân không được đào tạo về chuyên ngành về thú y nhưng anh lại được học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị từng làm thú y và các chuyên gia trong ngành nên có chút kiến thức. Đặc biệt, khi nhìn thấy đàn vật nuôi bị bệnh, anh cảm thấy xót xa nên cố gắng tìm hiểu cách điều trị sao cho hiệu quả.
Theo anh Vec, cán bộ thú y cơ sở khá vất vả, làm việc trong môi trường độc hại vì thường xuyên phải tiếp xúc với chất thải động vật, môi trường nuôi nhốt, chăn thả ô nhiễm. Chưa kể, nguy hiểm luôn rình rập vì phải đối diện với vật nuôi hung hãn khi tiêm phòng, chữa trị bệnh. Mặt khác, làm nghề này không kể ngày đêm, ở đâu người dân báo có gia súc, gia cầm bị bệnh là cán bộ thú y phải có mặt để kiểm tra, chủ động phòng, chống. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng không phải lúc nào những cán bộ thú y cũng được lòng người dân.
Anh Vec chia sẻ về kỷ niệm những lần đi vận động động người dân tiêm phòng: “Cách đây vài năm, khi đi tiêm phòng phát hiện 1 hộ gia đình có 2 con bò bị bệnh viêm da nổi cục. Khi đó, gia đình nhất quyết không cho cán bộ thú y tiêm phòng, điều trị, thậm chí còn bị xua đuổi. Sau đó, mình phải giải thích rất nhiều về căn bệnh này, nếu không điều trị sớm sẽ lây sang cả đàn bò của gia đình. Quả thật, chỉ vài ngày sau, cả đàn bò bị viêm da nổi cục khiến gia đình lo sợ. Sau đó, gia đình đã đến xin lỗi nên mình đã vui vẻ đến điều trị giúp họ”.
Theo anh Vec, nghề thú y cơ sở rất vất vả, trong khi thu nhập ít ỏi chỉ 1,6 triệu đồng, nếu bản thân anh không có niềm đam mê sẽ khó gắn bó với nghề.
“Để đảm bảo kinh tế gia đình, mình phải phát triển thêm nghề nương rẫy với việc trồng lúa và cà phê. Làm cán bộ thú y cơ sở chỉ vì đam mê, chứ tiền lương hiện tại không thể đảm bảo cho cuộc sống gia đình”, anh Vec chia sẻ.
Tương tự, anh A Grâng, cán bộ thú y xã Măng Cành (huyện Kon Plông) cũng đến với nghề thú y bằng niềm đam mê muốn được giúp đỡ người dân trong việc phòng, trị bệnh cũng như phát triển đàn vật nuôi. Trước đó, bản thân anh Grâng không được đào tạo về lĩnh vực thú y mà chỉ được học hỏi kinh nghiệm từ những người làm trong công tác thú y. Cũng bởi đam mê, anh Grâng tiếp thu kiến thức rất nhanh và sau đó trở thành cán bộ thú y của xã Măng Cành.
Hơn 4 năm làm việc, anh Grâng hiểu được những vất vả của nghề thú y, nhất là vào mùa mưa, nguy cơ dịch bệnh luôn rình rập, chỉ cần lơ là sẽ bị trả giá. Bản thân anh phải cật lực để theo dõi, tiêm phòng cho đàn vật nuôi của các gia đình, có khi tối đêm mới về tới nhà.
“Làm nghề này cực khổ lắm, phải có niềm đam mê, nếu cứ so sánh với thu nhập thì không thể được đâu”, anh Grâng chia sẻ.
Mong được hỗ trợ để bớt khó khăn
Là cán bộ thú y thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông), ông A Tô phải phụ trách hơn 10 thôn, làng, nơi gần như nhà nào cũng có đàn vật nuôi. Địa bàn rộng, nên bản thân ông Tô cũng không thể quán xuyến hết mọi việc. Chính bởi vậy, mỗi lần nghe dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, ông Tô lại cảm thấy lo lắng, bất an.
Ông Tô bộc bạch: “Ngày trước, tại 1 thôn xảy ra dịch tả lợn Châu Phi làm hơn 20 con lơn bị chết. Lúc đó, mình phải túc trực 24/24 để thực hiện tiêu hủy, phun độc khử trùng. Cũng may có người dân trong làng hỗ trợ để không chế dịch bệnh, nếu không chẳng biết phải xoay sở như thế nào nữa”.
Khi đề cập đến mức thu nhập, ông Tô với vẻ mặt đượm buồn cho biết, gia đình đang có người con chuẩn bị bước vào đại học, với mức thu nhập 1,6 triệu đồng thì không thể lo cho con ăn học được. Vợ thì làm nương rẫy, thu nhập cũng chẳng bao nhiêu, cuộc sống gia đình đang rất khó khăn.
Để đảm bảo cuộc sống cho gia đình, thời gian qua, ông Tô xin đi làm thêm công việc kiểm soát giết mổ với mức lương 1,5 triệu đồng.
“Cứ khoảng 2-3 giờ sáng tôi lại đi kiểm tra các khu giết mổ, xong đến 7 giờ lại đi khắp các thôn làng để thực hiện công việc tiêm phòng. Mỗi ngày đi hàng chục cây số, công việc khá vất vả. Hy vọng nhà nước có chính sách hỗ trợ thêm tiền công tác phi cho can bộ thu y để yên tâm hơn trong công việc”, ông Tô chia sẻ.
Ông Ưng Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, cán bộ thú y cấp xã đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Tuy nhiên, tại một số xã ở vùng sâu, vùng xa của huyện Kon Plông điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nhân viên thú y rất vất vả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như địa hình đồi núi đi lại khó khăn, các cụm dân cư phân bố thưa thớt, tập quán thả rông gia súc và nhận thức người chăn nuôi chưa cao về công tác chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND các xã để nắm bắt tâm tư, nguyên vọng và kịp thời động viên hỗ trợ nhân viên thú y những lúc gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ”, ông Thanh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thức, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kon Plông cho biết, duy trì mạng lưới thú y cơ sở là hết sức cần thiết trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Hiện các cán bộ thú y dù vất vả nhưng luôn nhiệt huyết, tận tụy với công việc để giúp người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh xảy ra. Do vậy, phải có chính sách chế độ đãi ngộ hợp lý, ổn định để cán bộ thú y họ yên tâm, gắn bó với công việc.
Nguồn: nongnghiep.vn