Ông Phạm Văn Cường – một nông dân ở khu 3 thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) cho biết, các nhà vườn trước đây thường xây bể chứa dung dịch phun thuốc bảo vệ thực vật hình chữ nhật hoặc hình vuông. Tuy nhiên, ông nhận thấy những bể này bộc lộ nhiều khuyết điểm trong quá trình sử dụng như: dễ nứt, vỡ do áp lực từ dung dịch không phân bố đều, các góc cạnh của bể vuông hoặc chữ nhật thường bị tổn thương, dẫn đến việc bể nhanh chóng xuống cấp;
Ngoài ra, chi phí xây bể vuông hoặc hình chữ nhật cao do đòi hỏi nhiều nguyên vật liệu hơn, nhưng không cải thiện đáng kể thể tích chứa. Hiệu quả khuấy trộn kém do bể vuông thường bị tồn đọng dung dịch tại các góc, dẫn đến sự không đồng đều trong pha trộn thuốc.
Ông Cường cho biết trong tự nhiên cũng như nhân tạo, trên thế giới, các vật dụng đựng dung dịch hoặc chịu áp lực cao như bình chứa, trụ nước thường được thiết kế theo hình tròn. Ngay cả bốt nước hàng Đậu mà người Pháp xây trước đây ở Hà Nội cũng là hình tròn, đã tồn tại vững chãi qua cả thế kỷ. Điều này khơi nguồn cảm hứng để ông thử nghiệm và áp dụng cho việc xây dựng bể phun thuốc bảo vệ thực vật.
Năm 2015, ông đã bắt tay vào việc xây dựng mẫu bể hình tròn đầu tiên tại vườn nhà mình. Mẫu bể này nhanh chóng chứng minh tính hiệu quả nhờ những ưu điểm vượt trội như: Tối ưu hóa chi phí và vật liệu vì chỉ với cùng một lượng vật liệu, bể hình tròn có thể chứa được nhiều dung dịch hơn so với bể hình vuông hoặc chữ nhật. Điều này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí xây dựng cho người dân. Bền vững và chịu lực tốt do áp lực từ dung dịch được phân bố đều trên toàn bộ bề mặt bể hình trụ, giúp bể không bị co xé hay chịu lực không đồng đều. Kết cấu này đảm bảo tuổi thọ bể cao hơn và giảm thiểu nguy cơ hỏng hóc.
Hiệu quả khuấy trộn cao, khi sử dụng máy bơm, dòng nước trong bể hình trụ tạo thành chuyển động xoáy tròn tự nhiên, giống như cốc nước được khuấy đều. Điều này giúp dung dịch được hòa trộn đồng nhất từ đầu đến cuối, không bị đọng lại ở bất kỳ vị trí nào. Dễ xây dựng bởi bể hình tròn không yêu cầu kỹ thuật phức tạp mà tương tự như việc “cuốn cống” hoặc “cuốn giếng” truyền thống, bất kỳ người thợ xây nào cũng có thể thực hiện.
Với sáng kiến này, năm 2016, ông Phạm Văn Cường tham gia hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Hòa Bình và giành giải nhì, chỉ chịu đứng sau công trình của một tiến sĩ. Thành công tại cuộc thi đã giúp mô hình bể hình tròn của ông được nhiều người biết đến hơn và hầu hết các nhà vườn ở huyện Cao Phong đều đang áp dụng theo thiết kế này. Một số còn tận dụng những bể hình vuông trước đây để cải tạo bằng cách đắp xi măng ở bốn góc, bo tròn lại để có tính năng tương tự như bể hình tròn.
Tuy nhiên, việc phổ biến sáng kiến ra phạm vi rộng ở các huyện khác và các tỉnh, thành vẫn còn gặp nhiều trở ngại bởi: Thiếu nhận thức khi nhiều người dân vẫn duy trì thói quen sử dụng bể vuông hoặc chữ nhật vì chưa hiểu rõ lợi ích của bể hình tròn. Bởi hạn chế tài liệu hướng dẫn mặc dù ông Cường đã soạn thảo tài liệu dự thi chi tiết, nhưng những tài liệu này chưa được phổ biến rộng rãi do sự hạn chế trong công tác truyền thông và lưu trữ.
Ngay cả bản báo cáo của ông hiện cũng bị thất lạc sau một lần cho phóng viên mượn. Điều cuối cùng là rào cản từ thói quen cũ bởi một số người dân và thợ xây vẫn quen thuộc với cách làm truyền thống, chưa sẵn sàng thay đổi.
Trong khi đó, điều đáng trân trọng ở ông Phạm Văn Cường là tinh thần chia sẻ khi không đăng ký bản quyền sáng chế hay tìm kiếm lợi nhuận từ sáng kiến này mà sẵn sàng hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật cho bất kỳ ai có nhu cầu: “Quan điểm của tôi là lan tỏa tri thức đến mọi người, áp dụng để tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả. Tôi rất hi vọng khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải sẽ có nhiều nông dân biết đến để học và làm theo”.
Với một chiếc bể hình tròn miệng có nắp đậy, đáy hình chóp nón, tâm (rốn) có hố xả rộng, nơi ống hút được đặt vào đó, khối lượng mỗi lần pha được khoảng 2m3 tương đương 200 lần máy phun tay, có thể dùng để phun thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân bón lá đều được.
Nguồn: nongnghiep.vn