Chăn nuôi hữu cơ là phương thức chăn nuôi không sử dụng thức ăn có thành phần biến đổi gen, thức ăn tăng trọng, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng.
Qua đó góp phần cung ứng sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời giảm nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái. Tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), dưới sự đồng hành của Tập đoàn Quế Lâm, nhiều nông dân đã mạnh dạn triển khai mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Năm 2022, Tập đoàn Quế Lâm đã tiến hành khảo sát tại các địa phương ở huyện Cẩm Xuyên để triển khai mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Chị Trần Thị Tuyết, hộ chăn nuôi tại thôn 5, xã Cẩm Minh (huyện Cẩm Xuyên) là một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ với quy mô 5 con lợn nái. Sau hơn 1 năm triển khai mô hình, đàn lợn nái đã sinh sản thêm 150 con. Hiện gia đình chị đang nuôi 8 con lợn nái cùng 40 lợn con và lợn thịt.
Chị Tuyết cho biết, nuôi lợn theo hướng hữu cơ có thể tiết kiệm được chi phí vì tận dụng được 30% lượng rau xanh tại chỗ. Tất cả thức ăn được ủ, bổ sung men trước khi cho ăn nên bảo đảm được chất lượng thịt. Do thả nuôi trên nền đệm lót sinh học nên chuồng trại luôn khô thoáng, không có mùi hôi, không có nước thải.
Nhờ áp dụng “5 không” (không thuốc kháng sinh, không chất tạo nạc, không chất tạo màu, không chất tăng trọng, không chất bảo quản) nên sản phẩm thịt lợn được đánh giá an toàn, chất lượng, bán được giá và được người tiêu dùng rất ưa chuộng…
Tương tự, ông Võ Văn Thắng ở thôn Hoa Thám (xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên) đầu tư chuồng trại nuôi 5 con lợn nái, 22 con lợn thịt theo quy trình hướng hữu cơ. Sau gần 5 tháng nuôi, lợn sinh sản thêm 19 con và đã xuất bán được 7 con lợn thịt. Lợn đạt trọng lượng xuất bán từ 90 – 100kg/con. Tất cả được Tập đoàn Quế Lâm thu mua. Trong quá trình chăm sóc, lợn được cho ăn hoàn toàn bằng cám ủ bằng men vi sinh do Tập đoàn Quế Lâm cung cấp.
Ông Thắng cho biết: Thức ăn cho lợn được phối trộn đúng cách, mùa hè ủ trộn 24 tiếng, mùa đông ủ trộn 36 tiếng đảm bảo lên men mới cho ăn. Ngoài ra, ông còn cho lợn ăn thêm rau khoai, ngô, đậu, cám. Chuồng được thiết kế đơn giản, bố trí 2/3 diện tích để làm đệm lót sinh học. Nhờ vậy đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phân hủy hết phân, giảm mùi hôi thối, giảm khí độc trong chuồng nuôi, tạo môi trường sống tốt cho lợn. Người lao động không cần dọn chất thải và không cần tắm cho lợn trong suốt quá trình nuôi.
Với quy trình đó, chất lượng thịt lợn được cải thiện nhờ tỷ lệ nạc cao, không có tồn dư kháng sinh. Hiệu quả kinh tế cũng nâng lên rõ rệt do tỷ lệ chết thấp, giảm chi phí thuốc thú y trong phòng trị bệnh. Trong quá trình nuôi, ông Thắng còn sử dụng phương pháp xông thảo dược với các dược liệu như sả, vỏ bưởi, hà thủ ô, hoàng ngọc, xuyên tâm liên… giúp lợn tăng sức đề kháng, tránh dịch bệnh, đảm bảo phát triển tốt.
Từ những kết quả đạt được ban đầu, đến nay, phong trào chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ đã lan rộng tại nhiều địa phương ở huyện Cẩm Xuyên. Nhiều hộ sau khi được tham quan các mô hình đã mạnh dạn đầu tư. Ông Nguyễn Văn Thân, hộ chăn nuôi ở thôn Tân Thuận (xã Cẩm Thịnh) là một trong những hộ điển hình.
Trên diện tích 250m2, ông Thân xây dựng 13 ô chuồng để chuẩn bị nuôi 5 lợn nái và 50 lợn thịt. Ông cho biết, ngoài những ưu điểm như không tốn nhiều thời gian dọn vệ sinh chuồng trại, thịt lợn ngon, thị trường ưa chuộng, điều yên tâm nhất là sản phẩm xuất bán sẽ được Tập đoàn Quế Lâm bao tiêu theo giá thỏa thuận. Cũng theo tính toán của ông Thân, lớp đệm lót được sử dụng để nuôi lợn hữu cơ có thể dùng làm phân bón cho lúa, màu và các loại cây trong vườn.
Ông Phan Thanh Nghi, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng – vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: Cùng với Tập đoàn Quế Lâm, thời gian qua, Trung tâm đã hỗ trợ một phần giống và thức ăn cho các hộ tham gia mô hình chăn nuôi lợn hướng hữu cơ. Trung tâm đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn hộ dân về quy trình, nhất là đảm bảo an toàn sinh học trong tất cả các khâu từ cải tạo làm mới chuồng trại, làm đệm lót sinh học, phối trộn thức ăn, ủ thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh…
Từ năm 2021 đến nay, Tập đoàn Quế Lâm đã phối hợp với các địa phương tại Hà Tĩnh triển khai 15 mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ. Trong đó, đã có 13 mô hình cho sản phẩm đạt kết quả tốt, 2 mô hình đang trong quá trình triển khai xây dựng.
Từ các mô hình, người dân đã dần thay đổi nhận thức về chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học, thân thiện với môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn. Sản phẩm lợn thịt sau quá trình chăn nuôi sẽ được Tập đoàn Quế Lâm liên kết tiêu thụ. Nhờ vậy người chăn nuôi càng phấn khởi và yên tâm khi tham gia thực hiện mô hình.
Nguồn: nongnghiep.vn