Sau đợt mưa dài ngày, tranh thủ thời tiết nắng dần, bà con nông dân trên địa bàn xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (Phú Yên) bắt tay ngay vào vụ gieo sạ vụ lúa đông xuân 2024 – 2025.
Ông Trần Văn Tuấn ở thôn Mỹ Thạnh Trung 2 (xã Hòa Phong) cho biết, từ đầu tháng 12, hầu hết bà con đã vệ sinh đồng ruộng, làm đất để chuẩn bị gieo sạ. Hiện bà con đang ủ giống để xuống giống đồng loạt trong 1 – 2 ngày tới.
Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp – Kinh doanh dịch vụ Hòa Phong cho biết, vụ đông xuân năm nay, toàn Hợp tác xã gieo sạ 577ha với các giống lúa chủ lực như QN9, TBR97, MT20, BĐR999, OM269-65.
Để sản xuất vụ đông xuân thuận lợi và hiệu quả, trước khi gieo sạ, Hợp tác xã đã bố trí máy cày làm đất cho bà con, đồng thời triển khai diệt ốc bươu vàng và vệ sinh đồng ruộng để hạn chế sâu bệnh.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã hướng dẫn cũng như khuyến cáo bà con áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, IPM… để giảm chi phí vật tư đầu vào, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
“Chúng tôi khuyến cáo bà con chỉ gieo sạ 5kg/sào (đối với kéo hàng), 6kg/sào đối với sạ lan, triển khai gieo sạ đồng loạt để kết thúc vào ngày 30/12”, ông Đông chia sẻ.
Tương tự, tại các cánh đồng của Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Hòa Hội (huyện Phú Hòa) hiện cũng đã sẵn sàng xuống giống vụ đông xuân vì đã hoàn thành khâu làm đất và vệ sinh đồng ruộng.
Ông Phạm Tấn Thơ, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Hòa Hội cho biết, kế hoạch của Hợp tác xã là qua Đông Chí (21/12) sẽ tiến hành ngâm giống gieo sạ, phấn đấu kết thúc trước tết dương lịch. Tuy nhiên những ngày qua do thời tiết có mưa kéo dài nên Hợp tác xã thông báo cho bà con tạm dừng gieo sạ để tránh hư hại, mất giống. Hiện nay thời tiết bắt đầu tạnh mưa, bà con bắt đầu ngâm giống để gieo sạ.
“Vụ này, chúng tôi chọn giống lúa BĐR57 để sản xuất trên diện tích 47ha. Nếu thời tiết thuận lợi, chúng tôi sẽ tiến hành gieo sạ đồng loạt trong 3 ngày thì kết thúc”, ông Thơ nói và cho biết thêm, để đảm bảo năng suất và hiệu quả sản xuất, Hợp tác xã đã hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, chăm sóc, bón phân tập trung, cân đối theo phương châm “nặng đầu nhẹ cuối” để tránh bệnh đạo ôn và sâu năn thường gây hại trong vụ đông xuân.
Nông dân Trần Tuấn Mạnh ở xã Hòa Tân Đông (thị xã Đông Hòa) cho biết đã chủ động làm đất và chuẩn bị 40kg lúa xác nhận giống Đài Thơm 8 để gieo sạ vụ này.
Theo ông Mạnh, trước đây để tiết kiệm chi phí, ông thường sử dụng lúa thịt từ vụ trước trữ lại để gieo sạ vụ sau, song cách làm này không hiệu quả, tỉ lệ nảy mầm thấp lại lẫn nhiều giống tạp nên năng suất không cao. Tuy nhiên vài năm trở lại nay, ông thay đổi tư duy canh tác, sử giống lúa xác nhận để gieo sạ nên tỉ lệ nảy mầm, tình hình sinh trưởng, năng suất luôn vượt trội.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, vụ đông xuân 2024 – 2025, toàn tỉnh gieo sạ 26.700ha. Để sản xuất hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thời tiết, ngành nông nghiệp tỉnh đã có văn bản đề nghị địa phương chủ động cân đối nguồn nước, khoanh vùng sản xuất, tập trung chỉ đạo sản xuất theo từng vùng (xứ đồng).
Đồng thời tập trung công tác cày dầm sớm, kết hợp tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng; tổ chức các đợt ra quân đồng loạt diệt chuột, ốc bươu vàng và vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ. Ruộng gieo sạ cần đánh mương rãnh sâu để tiêu thoát nước tốt khi gặp mưa.
Các địa phương, cơ sở sản xuất cần theo dõi sát tình hình thời tiết và căn cứ điều kiện cụ thể từng vùng để xác định lịch thời vụ phù hợp, từ đó chỉ đạo xuống giống tập trung, gọn, lưu ý khả năng gặp mưa thời kỳ gieo sạ và mưa trái mùa để chủ động tiêu thoát nước.
Ngành nông nghiệp Phú Yên khuyến cáo khu vực chủ động tưới trong hệ thống thủy nông các hồ đập tập trung gieo sạ từ ngày 20/12 đến 10/1. Các vùng trũng thấp, cuối nguồn nước thuộc huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa, TP Tuy Hòa khuyến cáo lịch gieo sạ từ ngày 1 – 10/1/2025 để tránh lũ lụt, ngập úng gây hư hại, mất giống. Vùng nước rút quá chậm sau ngày 10/1 có thể gieo mạ để cấy nhằm tranh thủ rút ngắn thời gian sinh trưởng, giúp lúa trỗ bông sớm.
Nguồn: nongnghiep.vn