Lên bởi nuôi bò Úc mà xuống cũng bởi nuôi bò Úc
Trong khu chuồng trại rộng lớn đang bỏ không của Công ty TNHH Phát triển thương mại Thắng Lợi ở xã Thọ An (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) do anh Trần Văn Thắng làm Giám đốc vẫn còn thơm thoang thoảng mùi rỉ mật. Những cuộn rơm, những đống thân ngô khô nằm chơ vơ bên dãy lán nuôi giun quế từ chất thải phủ đầy mạng nhện và một cái máy trộn thức ăn hoen rỉ.
Cách đó không xa, ở trong làng, trên bức tường phòng khách nhà anh giấy khen, bằng khen treo kín với nội dung về sản xuất, kinh doanh giỏi, làm từ thiện, xây dựng nông thôn mới, trong đó danh giá nhất là bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ.
Anh Thắng vốn có nghề giết mổ bò từ năm 1994, tất nhiên lúc đó là bò nội. Năm 2014 khi bò Úc mới sang Việt Nam, thấy cơ hội anh liền bỏ vốn ra đầu tư một trang trại nuôi vỗ béo, lúc đầu chỉ 100 con, về sau lên tới 300 con. Sản xuất đi kèm giết mổ, chế biến thịt bò Úc đã đem lại cho anh những khoản lãi lớn.
“Tại sao thời gian đầu tôi nuôi bò Úc có lãi? Thứ nhất là lúc đó ở huyện Đan Phượng lắm đất nằm trong quy hoạch bị bỏ hoang, cỏ mọc rất nhiều, rồi bà con trồng ngô bỏ thân đi nên nuôi bò không phải mất tiền mua thức ăn. Thứ hai là khi con bò Úc mới sang Việt Nam, ở bên đó chúng được thả hoang dã hoàn toàn, chưa được nuôi công nghiệp như bây giờ, rất gầy nên mang về nuôi vỗ béo bằng cám thì lớn rất nhanh.
Tôi nói nhiều người bảo bốc phét chứ nuôi mỗi con tăng thêm trung bình 1,8kg/ngày nên mỗi tháng lãi được 2 – 3 triệu đồng. Nuôi 100 con là lãi được 200 – 300 triệu đồng/tháng còn nuôi 300 con lãi được 700 – 900 triệu đồng/tháng.
Cứ 3 tháng tôi lại nuôi 1 lứa bò vỗ béo như thế. Năm 2022, thời điểm mà tôi được bình chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc có doanh thu cao nhất 65 tỷ đồng thì một số nhà báo đến phỏng vấn, họ lại nhầm doanh thu với lợi nhuận thành ra cả làng bò đều xì xào, bán tán. Thực tế năm đó tôi chỉ lãi khoảng 3,6 tỷ đồng, một điều cũng bình thường với số lượng bò mỗi năm nuôi cả ngàn con, lượng công nhân đông tới 15 người.
Khi mà Việt Nam và các nước nhập khẩu bò yêu cầu số lượng nhiều thì bên Úc cũng nuôi vỗ béo để cho nhanh lớn. Hơn thế, lúc đầu mỗi kg bò hơi nhập về chỉ hơn 1 đô la Mỹ, sau tăng lên 2 – 3 đô la Mỹ, còn đâu là giá rẻ nữa?”, anh Thắng giải thích.
Anh nuôi vỗ béo và giết mổ bò Úc như thế từ năm 2014 đến đầu năm 2020 thì dịch Covid-19 ập đến, việc đi lại khó khăn rồi các mối hàng bị đứt gãy nên dần buông bỏ. Khi con bò Úc đã tràn ngập khắp Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn nhập về nuôi vỗ béo rồi thì anh Thắng không còn nuôi vỗ béo nữa mà thích mổ thì đến các tập đoàn lớn để mua còn lãi hơn tự nuôi.
Năm 2022, do nhàn rỗi, chuồng trại bỏ không, công nhân cũng không thể cho nghỉ việc ngay được nên anh nuôi thử 100 con bò 3B. Sau 4 tháng vỗ béo, bán lỗ hơn 200 triệu đồng nên từ đó anh không nuôi nữa mà chỉ nhập bò Úc về giết mổ, mỗi đêm mấy con.
Muốn bỏ nghề giết mổ
Anh Thắng phân tích, bây giờ, Việt Nam chỉ còn tồn tại các hộ nuôi nhỏ lẻ với giống “bò cỏ”, chứ các tập đoàn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, thuê đất, làm chuồng trại, nuôi bò ngoại với công nghệ cao cũng đều đang báo lỗ, thất bại hết. Nuôi bò 3B, mua giống đắt, mua cám đắt, thuê nhân công cũng đắt, giá thành phải 90.000đ/kg hơi nhưng giá bán tại thời điểm này chỉ 81.000 – 82.000đ/kg hơi, vậy là lỗ. Tiền vay ngân hàng, tiền vay ngoài để đầu tư nhưng nuôi một thời gian toàn lỗ là tự chán.
“Lấy ví dụ như tôi đầu tư cả trang trại chăn nuôi, nhà xưởng giết mổ, thuê mướn nhân công nhưng lợi nhuận mổ 5 con bò mỗi ngày cũng đang thua mấy nhà hàng xóm mỗi ngày chỉ mổ có 1 con.
Vợ chồng họ căng cái bạt ra, đập búa cốp một cái vào đầu bò rồi mổ, đem bán thịt với giá 200 – 300.000đ/kg tùy loại, không phải đầu tư gì, không mất tiền thú y, lãi không dưới 5 triệu đồng/con. Trong khi đó xưởng của tôi giết mổ nhân đạo theo tiêu chuẩn Úc, có đường dẫn vào lò, có súng bắn để bò chết ngay, không bị đau đớn kéo dài, chất lượng thịt được tốt nhất, có tời cẩu để đảm bảo thịt sạch sẽ… Nhất cử nhất động đều được camera theo dõi, chỉ cần làm sai là phía Úc nhắc nhở ngay. Bỏ vốn ra mua 50 triệu đồng/con bò Úc mà mổ chỉ lãi 1 triệu đồng/con là thua rồi…”, anh Thắng thở dài.
Cũng theo anh Thắng, trước đây khi xưởng của mình còn sơ chế, đóng gói thịt bò dưới dạng thịt mát nhưng bởi hàng thịt nóng vẫn còn chiếm lĩnh thị trường nên dù có tem chứng nhận OCOP 3 sao vẫn không tiêu thụ được. Vậy là giờ đây anh cũng mổ và bán thịt nóng. Thêm vào đó, nạn thịt trâu đông lạnh của Ấn Độ nhập về giá rẻ như cho, chỉ xung quanh 100.000đ/kg là một cú nock out nữa đối với sản phẩm thịt bò tươi của nhà anh khi có giá bán từ 200 – 300.000đ/kg tùy loại.
“Thực ra cảm giác của một người nông dân khi đứng trước một cơ ngơi lớn để không như này rất là buồn. Tôi cũng chưa phải là hết tuổi lao động nhưng thị trường nó quyết định toàn phần. Nếu chăn nuôi vẫn có lãi, tạo được việc làm cho người dân xung quanh thì mình vẫn làm tốt, vẫn thấy vui và yêu nghề. Còn như hiện nay nghề nuôi bò của Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà rồi bởi bò nhập khẩu nguyên con hay nhập thịt đông lạnh chiếm lĩnh khoảng 70% thị trường rồi, còn bò nội tôi ước chỉ còn 30%, mà chủ yếu là chăn nuôi cá thể.
Khi không biết làm gì thì người ta mới chấp nhận nuôi bò bởi công làm thuê ở quê giờ cũng 300.000đ/ngày thì chẳng ai muốn nuôi con bò 1 tháng mà may ra lãi được 1 triệu đồng cả. Còn trung gian như tôi, quy mô lớn cũng chưa phải lớn, nhỏ cũng không còn nhỏ thì thua bởi mình làm đúng theo công nghệ giết mổ của Úc nhưng khi miếng thịt ra thị trường người tiêu dùng không phân biệt được. Họ không biết đâu là thịt bò Úc, bò quê, bò 3B, bò Wagyu tươi, nuôi trong nước, đâu là thịt bò đông lạnh nhập khẩu. Tất cả đều đổ đồng về giá.
Tôi vào giết mổ bò cũng đã lâu rồi, giờ nghề này ngày hay đêm đều vất vả, lợi nhuận thấp nên hai đứa con không muốn theo, chỉ muốn làm việc khác nhàn hơn. Thêm vào đó là lý do tâm linh khiến tôi muốn sau này từ bỏ hẳn nghề giết mổ, không muốn sát sinh nữa, chỉ trở lại nuôi vài chục cặp bò thôi”, anh Thắng chia sẻ.
“Nói thực ra tôi có được cơ ngơi như hiện nay không chỉ nhờ chăn nuôi, giết mổ bò mà còn nhờ cả nghề buôn bán bất động sản nữa. Mình phải đi bằng cả hai chân chứ nếu không khi một nghề kém đi thì chết…”, anh Thắng bộc bạch.
Nguồn: nongnghiep.vn