Trăn trở làm nông nghiệp sạch, tăng năng suất, hiệu quả trồng trọt mà không cần sử dụng chất hóa học, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Sông Giá (xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đã tìm ra giải pháp ứng dụng vi sinh vào xử lý rác thải, phế phụ phẩm, bèo tây, biến chúng trở thành nguồn thức ăn nuôi giun quế hiệu quả.
Thức ăn chủ yếu của giun là phân gia súc, rau củ quả, cây thân thảo và các loại rác thải hữu cơ, sau khi được giun quế tiêu hóa sẽ trở thành phân giun chứa một số axit amin có hàm lượng tương đối cao, làm giảm lượng axit carbon trong đất, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Bà Đỗ Thị Thuý Hà – Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Sông Giá cho biết: Hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý bèo tây, rác thải hữu cơ và các phế phụ phẩm trong nông nghiệp để sản xuất ra một loại mùn hữu cơ làm thức ăn cho giun quế. Sau đó tạo ra các sản phẩn từ giun quế như phân giun quế, dịch giun quế rồi tiếp tục ứng dụng vào việc trồng dưa leo, dưa lưới trong nhà màng. Các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp lại được sử dụng, xử lý vi sinh làm thức ăn cho giun quế.
“Giun quế ưa thích các chất hữu cơ đang trong quá trình phân hủy. Chính vì vậy, rác thải hữu cơ, phế phụ phẩm trong nông nghiệp và bèo tây khi đưa các vi sinh vào để ủ sẽ nhanh mục và giun quế sẽ xử lý rất nhanh. Với hàng tấn bèo tây, giun quế chỉ xử lý trong vòng một tháng, giảm thiểu phát sinh mùi ảnh hưởng đến môi trường”, bà Hà chia sẻ.
Hiện Hợp tác xã Sông Giá đã sản xuất được 4 sản phẩm chính liên quan đến phân giun quế gồm: Phân viên trùn quế (được sản xuất 100% từ phân giun quế, trộn với dịch giun quế) dành bón cho hoa lan, cây cảnh cao cấp; phân viên hữu cơ (được làm ra từ phân giun trộn với các loại giá thể như đất, trấu, bột vỏ hàu nung…), sau đó cho vào máy ép thành viên.
Loại thứ 3 là phân giun quế bột được trộn từ phân giun quế với các loại giá thể để bón lót, bón thúc cho các vườn cây cảnh, cây ăn quả… Loại thứ 4 là phân bón nước từ dịch giun quế cao cấp dùng để pha với nước và tưới cho cây.
Nhờ vào khả năng giữ được độ ẩm tốt cũng như cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết, phân của giun quế sẽ giúp đất trở nên tơi xốp, tạo điều kiện tốt cho thực vật phát triển, tăng cường khả năng trao đổi chất trong cây, nhờ đó tăng năng suất cây trồng. Đây là lý do khiến nhiều người nuôi giun quế để phục vụ trồng trọt.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, nông dân huyện An Dương, TP Hải Phòng chia sẻ: “Khi tôi dùng men vi sinh của Hợp tác xã để ủ phân sẽ xử lý được mùi hôi từ phân bò và rác hữu cơ, cho vào đất làm cho đất tơi xốp, trồng rau rất hiệu quả”.
Với tiêu chí đáp ứng được nhu cầu về phân bón và nguồn thức ăn sạch phục vụ cho trồng trọt và chăn nuôi, góp phần xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, mô hình ứng dụng vi sinh xử lý rác thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp, bèo tây… nuôi giun quế phục vụ trồng trọt, chăn nuôi khép kín tuần hoàn của Hợp tác xã Sông Giá được đánh giá là mô hình tiêu biểu của TP Hải Phòng trong xây dựng nền nông nghiệp sạch, hạn chế sử dụng chất hóa học, an toàn với con người và môi trường.
Ông Hoàng Văn Tường – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hải Phòng cho rằng, đây là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ điển hình, mang lại hiệu quả kinh tế cao so với sản xuất đại trà, năng suất và chất lượng sản phẩm được cải thiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Hợp tác xã Sông Giá sẽ là địa chỉ tin cậy để những hội viên, nông dân trên địa bàn Thành phố học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để tạo dựng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nguồn phân hữu cơ chất lượng cho cây trồng. Nông dân sẽ học tập được cách làm giàu dinh dưỡng cho đất để nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất mà không cần sử dụng chất hóa học”, ông Tường nhấn mạnh.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao trồng dưa, nuôi giun quế, sản xuất phân bón của Hợp tác xã Sông Giá có tổng diện tích 1,7ha, cho doanh thu bình quân trên 2 tỷ đồng/năm. Bà Đỗ Thị Thuý Hà – Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024”.
Theo bà Hà: “Giải pháp làm nông nghiệp tuần hoàn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu vào khoảng 20% nhưng chất lượng sản phẩm và sản lượng đều tăng. Chất lượng sản phẩm được kiểm định tại các cơ quan kiểm định cho ra các kết quả rất tốt, không tồn dư hóa chất độc hại. Sản lượng tăng 15 – 20%”.
Nguồn: nongnghiep.vn