Cao nguyên Sìn Hồ (Lai Châu) có khí hậu mát mẻ, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, xanh tươi và nguồn nước dồi dào là điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi gia súc trâu, bò, dê, lợn…
Ông Lò Văn Nam ở xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) chia sẻ, gia đình ông trước rất khó khăn, nhưng từ 2020 được ngân hàng cho vay vốn hỗ trợ, cùng với số tiền tiết kiệm được, ông mua 5 con trâu giống về nuôi. Trâu lớn đem bán rồi nuôi gối để duy trì thu nhập.
Có tiền ông mua sắm vật dụng gia đình nâng cao đời sống, một phần tiếp tục tái đầu tư tăng đàn. Hiện, gia đình ông Lò Văn Nam có hơn 30 con trâu và 7 con bò, mỗi năm thu nhập từ việc chăn nuôi là khoảng 70 triệu đồng…
Từ lợi thế địa phương, chính quyền khuyến khích người dân đầu tư chăn nuôi tập trung, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, làm thức ăn cho gia súc… Mở các lớp tập huấn giúp người dân nắm bắt phương pháp chăn nuôi hiện đại, kiểm soát dịch bệnh, tối ưu quy trình chăm sóc. Người dân dần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Ông Chẻo A Mìn, ở xã Phăng Sô Lin (huyện Sìn Hồ) hiện nuôi hơn 50 con trâu, bò, lợn… Trước đây, cuộc sống của gia đình ông chỉ trông chờ vào vụ lúa, trăm bề khó khăn. Từ ngày được tuyên truyền, vận động phát triển chăn nuôi, gia đình ông vay vốn ngân hàng để nuôi trâu sinh sản, đầu tư chuồng trại kiên cố. Từ vài con trâu ban đầu đến nay đàn trâu của gia đình ông có giá trị lên tới cả trăm triệu đồng.
“Trước kia, nuôi trâu lo không có người chăn dắt giờ tôi trồng cỏ voi, mùa đông tích trữ thêm rơm dạ để đảm bảo thức ăn các mùa trong năm. Giá trâu hiện có giảm so với trước đây nhưng với kinh nghiệm chăn nuôi con trâu vẫn tài sản lớn, giúp bà con thoát nghèo”, ông Chẻo A Mìn nói.
Hiện, tổng đàn gia súc trên toàn huyện Sìn Hồ là khoảng 80.000 con gồm trâu, bò, dê, lợn… Trong đó, Sìn Hồ định hướng phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô hàng hóa để nâng cao thu nhập cho người dân.
So với trước, giá trâu đã giảm vì không bán được sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, có những hộ trên địa bàn các xã vẫn nuôi từ 30-50 con trâu để lấy thịt.
Ông Nguyễn Khắc Tiệp, Trưởng Phòng NN-PTNT Sìn Hồ cho hay, rất nhiều hộ dân vùng cao nuôi 7-8 con trâu cùng với bò, dê, lợn… So với trước đây, giá trâu thấp hơn, người dân không mặn mà nhưng vẫn duy trì để được giá mới xuất bán. Con trâu còn là nguồn lực để nông hộ chuyển đổi và phát triển chăn nuôi bò, ngựa, dê…
Đối với việc phòng bệnh cho đàn vật nuôi, theo ông Nguyễn Khắc Tiệp, một số bà con còn chủ quan không tiêm vắc xin cho đàn gia súc nên tỷ lệ tiêm phòng chưa cao. Hàng năm, vẫn xuất hiện lở mồm, long móng, tụ huyết trùng… nhưng số lượng rất ít.
Bên cạnh đó, giao thông ngày càng thuận tiện, tạo điều kiện giao thương giữa các vùng miền nên đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng cơ bản thuận lợi hơn trước.
Hiện nay, nông hộ trên địa bàn được khuyến khích chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học, phát triển đàn gia súc đi kèm phát triển nguồn thức ăn tại chỗ và bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở thuận lợi để chính quyền địa phương thực hiện chứng nhận chất lượng đầu ra cho sản phẩm và người dân phát triển kinh tế bền vững từ chăn nuôi.
Huyện Sìn Hồ cũng đang kêu gọi và thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn. Hiện đã có doanh nghiệp cùng với huyện khảo sát địa điểm để xây dựng trang trại tại xã Nậm Tăm để nuôi lợn.
Nguồn: nongnghiep.vn