Ngày 28/10, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức hội nghị tổng kết thực tiễn việc thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025.
Trong lĩnh vực trồng trọt, sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 551kg/người/năm, vượt hơn 10% so với kế hoạch. Toàn tỉnh có 423ha chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng các loại cây có giá trị cao cho thu nhập từ 90 đến 150 triệu đồng/ha/năm.
Bắc Kạn đã xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao, diện tích gần 3.300ha với các giống lúa Japonica, lúa nếp Khẩu nua lếch, bao thai. Đến nay, toàn tỉnh có 1.280ha thực hiện sản xuất theo quy trình hữu cơ, vượt kế hoạch trên 20%. Diện tích trồng cây ăn quả đạt gần 6.200ha với nhiều cây trồng chủ lực như cam, quýt, hồng không hạt, mơ, chuối.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng có bước phát triển rõ rệt về cơ cấu, phương thức chăn nuôi, chuyển dịch mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô tập trung, chuyên biệt, nhiều trang trại được đầu tư hiện đại. Đến nay, toàn tỉnh có 30 trang trại nuôi trâu bò, 44 trang trại nuôi lợn.
Tỉnh Bắc Kạn ưu tiên bố trí quỹ đất, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại nuôi tập trung ứng dựng công nghệ cao, nhờ đó đã thu hút được 13 dự án ngoài ngân sách, tổng vốn đăng ký 1.344 tỷ đồng.
Điểm sáng đáng chú ý là lĩnh vực lâm nghiệp. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh trồng được hơn 102.000ha rừng, tăng hơn 5.200ha so với năm 2019. Sản lượng gỗ khai thác trung bình hằng năm đạt hơn 300.000m3, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 73%, cao nhất cả nước.
Song song với trồng rừng, tỉnh Bắc Kạn phát triển mạnh công nghiệp chế biến gỗ, đến nay đã hơn 243 cơ sở chế biến, trong đó có 36 doanh nghiệp, hợp tác xã và 207 cơ sở. Toàn tỉnh xây dựng được 143 tuyến đường lâm nghiệp, tổng chiều dài 306km tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế rừng.
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn trồng được gần 600ha cây dược liệu, đây là nguyên liệu để các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến thành nhiều sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Một trong những điểm mới khi thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn là việc xây dựng được 6 mô hình du lịch nông nghiệp, phát triển làng nghề chế biến nông sản, hình thành các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển du lịch.
Bắc Kạn cũng là tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP tương đối lớn, 218 sản phẩm 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 5 sao. Trong giai đoạn này, tỉnh Bắc Kạn đã phân bổ hơn 660 tỷ đồng vốn ngân sách để phát triển nông, lâm nghiệp, thu hút 33 dự án ngoài ngân sách, tổng vốn đăng ký gần 3.200 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn vẫn còn bộc lộ hạn chế, quy mô sản xuất vẫn nhỏ, phân tán, chưa quy hoạch chi tiết vùng chăn nuôi tập trung, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với sản xuất nông nghiệp còn ít.
Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, chưa hình thành các nhà máy quy mô lớn, chế biến sâu sản phẩm.
Để tiếp tục hoàn thành mục tiêu đề án, tỉnh Bắc Kạn đề ra 6 giải pháp trọng tâm, cụ thể: đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, khuyến khích sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút các nguồn lực và triển khai hiệu quả cơ chế chính sách.
Nguồn: nongnghiep.vn