ie
Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp khẳng định: Lịch sử, hiện tại và tương lai, Nông nghiệp – PTNT luôn luôn là điểm tựa của dân tộc, lợi thế quốc gia, vừa đóng vai trò trụ đỡ vừa là động lực để đất nước đổi mới, vươn mình.
1.
Trước hết, bàn về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với quốc gia, dân tộc tôi muốn bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thời điểm thành lập chính quyền Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do dân tộc Việt Nam.
Đó có thể coi là điểm khởi đầu của thời đại Hồ Chí Minh, khởi đầu kỷ nguyên đất nước chúng ta từ trong muôn trùng gian khó vươn mình đến mục tiêu giành độc lập tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Ở giai đoạn đầu tiên của thời đại Hồ Chí Minh, lịch sử cho chúng ta thấy rằng chính quyền Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ phải đối mặt với khó khăn khủng khiếp. Nạn đói lịch sử đã cướp đi hàng triệu sinh mạng người Việt, thiên tai ở khắp mọi nơi, địch họa bao vây cả bên trong lẫn bên ngoài, lực lượng làm chủ ở khu vực nông thôn phần lớn là nông dân không biết chữ, ngân khố chính quyền trống rỗng…
Vậy nhưng chỉ sau có một năm Việt Nam đã giải quyết được nạn đói, song song với diệt giặc dốt, với tổng tuyển cử xây dựng chính quyền, với kháng chiến chống giặc ngoại xâm…, hoàn toàn dựa nông nghiệp. Cả đất nước dựa vào nông thôn, vừa kháng chiến vừa tổ chức sản xuất, hoàn toàn tự sức mình, không có viện trợ, không có nhập khẩu vẫn có thể kháng chiến thành công. Tôi luôn cho rằng vai trò của nông nghiệp trong giai đoạn này của đất nước vẫn luôn là điều rất khó có thể tưởng tượng được và cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa thể nghiên cứu, giải mã hết sự thần kỳ đó.
Sau công cuộc kháng chiến, thống nhất non sông, đất nước Việt Nam lại bước vào một giai đoạn khác mà nếu không có vai trò của nông nghiệp chắc chắn chúng ta sẽ lâm vào khủng hoảng không biết đến bao giờ mới có thể vực dậy được. Trước năm 1986, kinh tế Việt Nam nằm giữa gọng kìm của bao vây cấm vận bên ngoài, mất hết các nguồn viện trợ khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chưa kể đất nước còn phải đối mặt với 2 cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Bên trong là cơ chế kế hoạch trì trệ, thị trường ngăn sông cấm chợ, người nông dân bị “trói tay” trong các hợp tác xã, trong các nông lâm trường, khoa học công nghệ đóng băng, giai đoạn đặc biệt khó khăn của “đêm trước Đổi mới”.
Nông nghiệp một lần nữa giữ vai trò chiến sĩ tiên phong để phá tan hàng rào cũ, đột phá hết sức to lớn, xây dựng cơ chế mới để góp phần quan trọng nhất đưa đất nước phát triển. Không chỉ thoát khỏi khó khăn mà còn làm nên những thành tựu giúp đất nước đảm bảo an ninh lương thực và chuyển từ đất nước hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ bên ngoài trở thành cường quốc xuất khẩu.
Đến giai đoạn mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế, mặc dù so với các nước chúng ta đi sau nhưng đã vượt lên rất nhanh. Nền kinh tế đất nước có độ mở rất lớn, đến mức một nửa GDP của quốc gia đến từ kết nối với bên ngoài. Trở thành đất nước xuất khẩu đứng thứ hai Đông Nam Á, đứng thứ 15 trên thế giới. Nhanh chóng khẳng định vị thế kinh tế và tạo nên thứ quyền lực mềm trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, đóng góp quan trọng để giữ gìn môi trường thế giới, vấn đề xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, kinh tế và xã hội.
Có thể khẳng định, xuyên suốt trong tất cả các giai đoạn khó khăn của dân tộc Việt Nam, từ thời điểm xây dựng chính quyền, kháng chiến bảo vệ đất nước giành độc lập dân tộc đến đổi mới phát triển, mở cửa hội nhập quốc tế… nông nghiệp, nông dân, nông thôn của chúng ta luôn luôn là lực lượng đi tiên phong và đạt được những thành tựu rực rỡ.
Gần 40 năm sau Đổi mới, chúng ta đã từng chứng kiến ít nhất 4 lần thế giới hoặc khu vực lâm vào khủng hoảng, tuy nhiên kinh tế Việt Nam, đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam vẫn có thể vững vàng vượt qua hết mọi thử thách, trước hết chính là nhờ vào nông nghiệp.
Nói cách khác, xuyên suốt gần 80 năm kể từ cột mốc 1945, nông nghiệp của chúng ta đã mang sứ mệnh vẻ vang cả trong kháng chiến, giành độc lập, trong đổi mới phát triển, giúp đất nước ổn định kinh tế, nâng cao đời sống người dân và khẳng định vị thế của dân tộc Việt Nam.
2.
Năm 2024 này chúng ta lại tiếp tục trải qua một năm rất thành công của ngành Nông nghiệp – PTNT mặc dù bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn về biến động thị trường, thiên tai, biến động chính trị trên toàn thế giới. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Nông nghiệp Việt Nam đã tạo nên thành tựu rực rỡ, làm nên cột mốc xuất khẩu kỷ lục hơn 62 tỷ USD, tiếp tục đà tăng trưởng từ 3,1 đến 3,4%.
Có quá nhiều điều muốn nói, cần phải nói về kỳ tích của nông nghiệp năm 2024. Đầu tiên tôi cho rằng thành tựu to lớn, thành công rực rỡ của ngành Nông nghiệp – PTNT năm nay đã tiếp tục một lần nữa khẳng định vai trò tài ba, cần cù, sáng tạo, kiên quyết khắc phục, vượt qua khó khăn của bà con nông dân, cộng đồng hợp tác xã, doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý ở trong hệ thống tổ chức sản xuất và kinh doanh của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, qua thành tựu của nông nghiệp giúp chúng ta thấy rõ sự chỉ đạo, định hướng đúng đắn, kịp thời, sát sao và toàn diện của Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Bộ NN – PTNT. Đó là nhất quán chuyển đổi tư duy và hành động từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đến nỗ lực ký kết mở các hiệp định thương mại phát triển thị trường, hỗ trợ phòng chống thiên tai, tổ chức sản xuất… Tất cả đã tạo điều kiện rất lớn để giúp các thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp phát huy hết vai trò trong bối cảnh khó khăn.
Con số xuất khẩu nông lâm thủy sản hơn 62 tỷ USD năm 2024 không chỉ là một cột mốc mới của nông nghiệp Việt Nam, điều đặc biệt hơn nữa là thặng dư thương mại của chúng ta đạt mức kỷ lục mới với 18,6 tỷ USD. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, những con số kỷ lục này của nông nghiệp một lần nữa khẳng định: Định hướng của Đảng ta coi nông nghiệp là lợi thế quốc gia hoàn toàn đúng đắn. Nông nghiệp tiếp tục góp phần hết sức quan trọng giúp ổn định, giữ đà tăng trưởng và giữ vững cán cân thương mại của nền kinh tế đất nước. Nhờ xuất khẩu kỷ lục của nông nghiệp mà chúng ta có thể ổn định rất tốt tỷ giá hối đoái, thu hút tốt đầu tư, kiềm chế lạm phát… Ý nghĩa đó càng được nhân lên khi nhiều lĩnh vực khác, ngành kinh tế khác gặp nhiều khó khăn trong một năm nhiều biến động vừa qua.
Trong thành tựu rực rỡ của ngành Nông nghiệp – PTNT năm 2024 chúng ta thấy xuất hiện những ngành hàng mới vượt lên như rau quả (riêng xuất khẩu trái cây thu về hơn 7,2 tỷ USD). Điều này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, khẳng định sức hút rất lớn của lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Nó giống như một hấp lực mới mẻ, các nhà đầu tư, nhà quản lý, khách hàng trên thế giới thêm tin tưởng Việt Nam, nhìn thấy cơ hội lớn ở Việt Nam. Nông nghiệp trở thành trung tâm thu hút đầu tư các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ thông qua đầu tư vào công nghiệp chế biến, đầu tư dịch vụ logistics, đầu tư sản xuất… Thực sự nông nghiệp Việt Nam đã bắt đầu hiệu ứng lan tỏa, trở thành khu vực kinh tế quan trọng hàng đầu của đất nước, dựa trên lợi thế xuất khẩu và tiềm năng rất lớn chưa khai thác hết.
Đây là định hướng rất mới, mang nhiều hứa hẹn về vai trò, vị thế của nông nghiệp Việt Nam trong những năm tiếp theo.
3.
Nghĩ về vai trò, vị thế của nông nghiệp – nông dân – nông thôn trong lịch sử, hiện tại cũng là để nghĩ về tương lai của lĩnh vực này trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên dân tộc vươn mình.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ta sẽ bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ XIV. Đây sẽ là giai đoạn vô cùng quan trọng nhằm đưa Việt Nam từ nước có thu nhập trung bình thấp sang nước có thu nhập trung bình cao và sau đó là nước có thu nhập cao, để thực sự sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ từng căn dặn, mong muốn.
Trong bước tiến lần này, tôi muốn khẳng định: Vai trò của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai không chỉ là nền tảng, trụ đỡ như những năm qua mà phải là động lực, cốt lõi của nền kinh tế, đóng vai trò thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ để trở thành lợi thế và sức mạnh của đất nước. Chính vì vậy, trong kỷ nguyên mới chắc chắn nông nghiệp – nông dân – nông thôn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó có 3 vai trò chính.
Một, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, của đất nước mỗi khi đất nước gặp khó khăn. Nhất là trong những năm tháng tới đây, khi nền kinh tế đất nước mở cửa hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, cơ hội phát triển lớn đồng nghĩa với khó khăn, thách thức cũng sẽ xuất hiện nhiều thêm. Từ yếu tố lịch sử, hiện tại đều cho thấy, trong bối cảnh khó khăn nông nghiệp có đứng vững thì đất nước mới có thể đứng vững và phát triển.
Hai, Nghị quyết Trung ương số 19 của Đảng ta đã xác định nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế và những thành tựu gần đây về xuất khẩu nông lâm thủy sản đã minh chứng rất rõ quan điểm của Đảng. Kỷ nguyên mới của dân tộc đặt mục tiêu thúc đẩy kinh tế, phát triển công nghiệp, phát triển dịch vụ, thúc đẩy kinh tế có thể vẫn sẽ là hướng chính, tuy nhiên theo suy nghĩ của tôi, tất cả những hướng chính đó đều phải dựa trên lợi thế quốc gia về nông nghiệp. Nghĩa là lợi thế nông nghiệp vừa mang giá trị nền tảng để lan tỏa giá trị, lợi thế quốc gia, vừa là lĩnh vực tích lũy, điểm tựa ổn định để đất nước phát triển.
Ba, trong thời gian tới Việt Nam chúng ta sẽ chứng kiến sự chuyển dịch vĩ đại, một giai đoạn “lột xác” khủng khiếp. Tôi nghiên cứu trong 5 đến 10 năm tới sẽ là thời kỳ diễn ra những biến đổi to lớn trong xã hội và kinh tế Việt Nam, nhất là quá trình chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn sang công nghiệp và đô thị.
Sẽ có gần 10 triệu hộ nông dân Việt Nam sẽ phải rút xuống chỉ còn 1-2 triệu hộ; 17,5 triệu lao động nông nghiệp chỉ còn 5-6 triệu; 25 triệu người, khoảng ¼ dân số Việt Nam sẽ chuyển từ nông thôn trở thành cư dân đô thị. 60% lao động đang ở trạng thái phi chính thức sẽ trở thành chính thức, phần lớn nông dân sẽ chuyển thành thị dân, trí thức, nhà kinh doanh, cán bộ hay những lao động tay nghề cao…
Tôi cho rằng ngay từ bây giờ chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được thúc đẩy mạnh mẽ. Cộng đồng nông thôn phải được phát triển để có thể chủ động làm chủ quá trình chuyển đổi. Hệ thống lao động nông nghiệp chuyển ra khỏi nông thôn sang các ngành nghề phi nông nghiệp phải đảm bảo bước vào thị trường chính thức bằng các nghiệp đoàn, các tổ chức, người lao động phải được bảo vệ, hỗ trợ đào tạo, cho vay vốn, phải được quản lý để có thể yên tâm chuyển thành lao động công nghiệp, lao động dịch vụ có tay nghề cao.
Tất cả quá trình này đòi hỏi phải có một Chương trình phát triển nông thôn hoàn thiện, đi theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng. Chúng ta phải chuyển đổi để bước vào kỷ nguyên mới, nhưng quá trình chuyển đổi đó có thành công, có mang lại hiệu quả hay không hoàn toàn dựa vào quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nói cách khác, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yếu tố quan trọng quyết định thắng bại phần lớn dựa vào thành công của nông nghiệp và phát triển nông thôn.
4.
Cuối cùng sẽ là câu hỏi, trong kỷ nguyên mới của dân tộc, cần phải làm gì để khẳng định vị thế nông nghiệp, nông dân, nông thôn?
Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định 3 đột phá chiến lược chính để phát triển kinh tế đất nước, đó là đột phá về thể chế, đột phá cơ sở hạ tầng và đột phá nguồn nhân lực. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng vậy.
Đúng như Đảng ta đã xác định rõ, đổi mới mới thể chế là “then chốt của then chốt”. Quá trình biến chuyển, “lột xác” để bước vào kỷ nguyên mới của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đòi hỏi các cơ quan trung ương cần tập trung đột phá, đổi mới thể chế để làm tốt các chức năng quản lý nhà nước, chức năng cơ bản như xây dựng chiến lược, xây dựng chính sách, hoạt động kinh tế đối ngoại…
Tất cả những hoạt động này phải dựa trên căn cứ khoa học được nghiên cứu chính xác, lấy làm cơ sở tham mưu cho các quyết sách của nhà nước về vai trò, vị thế và sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nhà nước cần tập trung phát triển các dịch vụ công trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà các thành phần kinh tế khác không làm được. Đặc biệt là các dịch vụ về bảo vệ sản xuất như: Thú y, BVTV, phòng chống thiên tai… Các dịch vụ này phải được đảm bảo thực hiện bằng đội ngũ chuyên nghiệp, hệ thống thống nhất từ trên xuống dưới, để có đủ năng lực ứng phó với mọi tình huống.
Nghĩa là tất cả những dịch công khác mà nhà nước chuyển giao, giảm bớt, phân cấp phân quyền phải hình thành được hệ thống tác chiến ở cơ sở, ở địa bàn dựa vào lực lượng cộng đồng, đặc biệt là hệ thống liên minh hợp tác xã, hiệp hội các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề… Lực lượng này có thể đảm nhiệm được các chức năng ví dụ như khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm… nghiên cứu thị trường, thông tin thị trường và các hoạt động quản lý thị trường, quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật…
Thay đổi cách quản lý, tổ chức, dịch vụ hỗ trợ đầu tư công để biến người dân thực sự trở thành chủ thể. Đột phá về thể chế để phân vai cái nào của nhà nước, cái nào của cộng đồng, dựa trên nguyên tắc nhà nước lùi ra cộng đồng phải tiến vào, nhà nước rời tay đến đâu thì các lực lượng thị trường tiến vào đến đấy, tránh các khoảng trống trong chuỗi sản xuất.
Thứ hai là đổi mới, đột phá về cơ sở hạ tầng. Trong bối cảnh đất nước chúng ta đã đi qua giai đoạn cởi trói chính sách, mở cửa, phát huy nội lực, hiện đang bước sang giai đoạn đầu tư và nông nghiệp là lĩnh vực cần đầu tư đặc biệt.
Có một giáo sư người nước ngoài đã tổng kết rằng: Khi một quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống dưới 20% trên tổng GDP cả nước sẽ phải ngừng đánh thuế và quay trở lại trợ cấp, hỗ trợ, đầu tư cho nông nghiệp.
Ở Việt Nam tỷ lệ này hiện nay là 12%. Đã đến lúc chúng ta phải đầu tư đáng kể cho nông nghiệp. Bởi đơn giản nhất là toàn bộ hậu cần cho nền nông nghiệp vĩ đại của chúng ta hiện nay còn rất mỏng manh. Toàn bộ con đường đi ra của nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu chỉ dựa vào một số trục đường bộ, vận chuyển chủ yếu bằng xe container, còn đường sắt, đường biển hết sức hạn chế. Cần sự đột phá về đầu cơ cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, phải phá được rào cản về cơ sở hạ tầng, logistics, mới phá được rào cản của nông nghiệp Việt Nam.
Thứ ba là nguồn nhân lực và khoa học công nghệ, rất cần sự quan tâm đặc biệt để có thể tạo nên sự đột phá. Kỷ nguyên mới, nông nghiệp muốn nâng cao vị thế cần phải tập trung xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có thể đảm bảo ứng dụng được tiến bộ KHKT, có thể đảm bảo giống cho sản xuất cả về vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, thủy sản… Cùng với đó là xây dựng nguồn nhân lực, phải tổ chức lại cộng đồng, từ cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng sản xuất, cộng đồng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phải có nguồn nhân lực xứng tầm với nông nghiệp mới trong kỷ nguyên mới. Bởi vì nếu năng suất lao động tiếp tục thấp sẽ rất khó hướng đến mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Kỷ nguyên mới, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục sứ mệnh đa chức năng không chỉ là điểm tựa của đất nước những lúc khó khăn mà còn phục vụ kết hợp công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ và du lịch, gắn với phát triển môi trường xanh, với phát huy văn hóa cổ truyền, với bảo vệ Tổ quốc và đóng góp cho nhân loại.
Nguồn: nongnghiep.vn