Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành NN-PTNT chiều 27/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng bày tỏ cảm xúc ấn tượng với những con số, “kỳ tích” của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm qua. Theo đó, ngành nông nghiệp nổi bật với con số ấn tượng về tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức tăng 18,7% trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy thách thức, cạnh tranh, xung đột, gia tăng giá logistics, năng lượng…
“Nhìn tổng con số xuất siêu là 25 tỷ USD trong đó xuất siêu nông sản đạt 17.9 tỷ USD, chiếm 72% tổng xuất siêu cả nước, khẳng định sự phát triển của ngành nông nghiệp, vừa là vai trò trụ đỡ đối với ngành kinh tế, vừa là nền tảng thiết yếu cho an sinh xã hội và là nguồn lực mang lại ngoại tệ cho đất nước”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ.
Từ góc độ đối ngoại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá nông nghiệp là một trong những ngành thế mạnh hàng đầu để Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế, trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu. Trong quan hệ song phương, đa phương, ngành nông nghiệp là niềm tự hào của Việt Nam về tăng trưởng và phát triển. Trong khuôn khổ G20, các quốc gia thành viên cũng mong muốn Việt Nam chia sẻ, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu về bảo đảm an ninh lương thực.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, để đạt được thành tựu này cần có sự nỗ lực, quyết tâm, ý chí toàn ngành, địa phương và doanh nghiệp, ngoài ra, nhấn mạnh vai trò của công tác đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao.
“Trong tất cả các hoạt động đối ngoại cấp cao, nội dung hợp tác về nông nghiệp, thúc đẩy mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản của Việt Nam, thúc đẩy hợp tác về chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp luôn được Thủ tướng quan tâm hàng đầu và tích cực thúc đẩy trong các hoạt động thời gian vừa qua”, lãnh đạo Bộ Ngoại giao chia sẻ.
Đánh giá trong năm 2025, trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng mới về bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thách thức về an ninh phi truyền thống, ngành nông nghiệp dự báo sẽ là ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị một số lĩnh vực Bộ NN-PTNT cần quan tâm thúc đẩy trong thời gian tiếp theo.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng nông sản. Trong thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề này. Theo đó, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch cụ thể để xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường tiềm năng, bên cạnh các thị trường lớn như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á…
Thứ hai, cần thiết lập, đẩy mạnh khuôn khổ hợp tác, thúc đẩy hợp tác mở cửa thị trường đối với sản phẩm Việt Nam, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, xanh, tuần hoàn, với tinh thần lợi ích hài hòa giữa các quốc gia, cùng nhau chia sẻ lợi ích và rủi ro.
Thứ ba, ngành nông nghiệp đã tạo ra đột phá trong tư duy, nhận thức về phát triển ngành Halal. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần thúc đẩy tạo đột phá trong hành động và tạo kết quả cụ thể trong xuất khẩu sản phẩm Halal.
Thứ tư, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cũng đề nghị tiếp tục thúc đẩy đóng góp trách nhiệm của Việt Nam vào các vấn đề toàn cầu. Bà Hằng mong muốn Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án về hợp tác nông nghiệp với khu vực châu Phi, đem lại lợi ích chiến lược, kinh tế, vị thế cho Việt Nam.
Thứ năm, Bộ Ngoại giao ủng hộ Bộ NN-PTNT quảng bá, xúc tiến hình ảnh nông sản Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, bà Hằng đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan nhằm quảng bá, xúc tiến nông sản tổng thể, bài bản trong thời gian tới.
Cuối cùng, Bộ NN-PTNT là Bộ đầu tiên ký kết hợp tác với Bộ Ngoại giao thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy ngoại giao và phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Sau hội nghị, bà Hằng cũng đề nghị hai Bộ trao đổi, xây dựng kế hoạch cụ thể về ngoại giao nông nghiệp để triển khai cho năm 2025.
Nguồn: nongnghiep.vn