Tỉnh Lào Cai có gần 200km đường biên giới với 3 cửa khẩu ở Lào Cai, Mường Khương, Bát Xát. Hoạt động xuất nhập khẩu hết sức quan trọng đối với tỉnh này. Mặt khác, Lào Cai còn là trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
6 tháng đầu năm 2024, xuất nhập khẩu hàng hóa qua Lào Cai sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nông sản trên 535 triệu USD, chủ yếu gồm sầu riêng, thanh long, dưa hấu…
Lào Cai có nhiều tiểu vùng khí hậu, tạo điều kiện để phát triển nhiều loại cây trồng, có lợi thế cạnh tranh. Giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn tới 2050, ngành nông nghiệp Lào Cai dự kiến đặt trọng tâm vào 5 cây, 1 con và 2 lĩnh vực gồm: Lợn, quế, chè, chuối, dứa, dược liệu; kinh tế đồi rừng và các ngành hàng tiềm năng như cây ăn quả ôn đới, rau, hoa, cá nước lạnh, gia cầm.
Lào Cai hiện đã có hơn 60.000ha trồng quế, cơ bản xuất khẩu sang Trung Quốc. Gần như 100% tinh dầu quế của Lào Cai xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Một số mặt hàng khác như dược liệu, thảo quả, sa nhân, chè, chuối… cũng được xuất khẩu sang nước bạn.
Vấn đề hiện nay là Trung Quốc ngày càng nâng cao các quy định, tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, khi Trung Quốc chưa lắp đặt hàng rào biên giới, yêu cầu hàng hóa chưa cao, tại Lào Cai bên cạnh xuất khẩu chính ngạch còn xuất khẩu qua đường mòn, lối mở.
Từ năm 2021, nước bạn yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, mã số vùng trồng, quy trình chăm sóc thu hoạch phải đảm bảo an toàn thực phẩm và không còn xuất được qua đường mòn, lối mở.
Do đó, các hợp tác xã, hộ nông dân tại Lào Cai ngày càng gặp khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Đây là lý do nông sản của Lào Cai gặp khó khăn khi xuất khẩu mặt dù rất có tiềm năng.
Trong khi đó, Trung Quốc có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với các mặt hàng nông sản ngày càng khắt khe, thường xuyên thay đổi gây khó khăn nhất định cho địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình cập nhật thông tin cũng như việc áp dụng thực hiện.
Đặc biệt, mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với những thị trường xuất khẩu khó tính, trong đó có Trung Quốc.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai, việc cấp mã số vùng trồng mới đi vào hoạt động nên nhận thức của một số chủ thể còn hạn chế; công tác quản lý mã số vùng trồng còn khó khăn do chưa bố trí được kinh phí, trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên, chưa áp dụng được công nghệ số trong quản lý các vùng nguyên liệu.
Địa hình đồi núi phức tạp, đi lại khó khăn, đặc biệt là vùng sâu nên việc tuyên truyền, kiểm tra gặp khó khăn.
Một số ngành hàng chủ lực của tỉnh Lào Cai hiện nay có ưu thế xuất khẩu lớn nhưng chưa có tên trong nghị định thư và Lệnh 248, 249 của phía Trung Quốc như dứa, dược liệu… Riêng ngành hàng quế có diện tích sản xuất lớn song vẫn chưa kiểm soát chặt chẽ về vùng trồng, chưa có hướng dẫn cụ thể về cấp mã số vùng trồng cho cây quế. Vì vậy, mặc dù một số địa phương có đề nghị cấp mã số vùng trồng cho cây quế song chưa thể thực hiện được do chưa có hướng dẫn.
Đối với quả chuối tại Lào Cai, do bệnh vàng lá Panama và dịch bệnh Covid-19, sản phẩm tiêu thụ không ổn định, ảnh hưởng đến đời sống người sản xuất và việc duy trì, mở rộng diện tích…
Hiện nhiều doanh nghiệp tại Lào Cai vẫn còn gặp vướng mắc, khó khăn trong việc cấp mã số vùng trồng. Một số địa phương, doanh nghiệp mới quan tâm tới diện tích vùng trồng, cơ sở đóng gói mà chưa tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của nước nhập khẩu…
Năm 2023, tỉnh Lào Cai duy trì 13 vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, 7 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đã được cấp mã số. Qua theo dõi kiểm tra, tỉnh đã thu hồi 3 mã số vùng trồng do không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định vùng trồng xuất khẩu, đồng thời thu hồi mã số 4 cơ sở đóng gói không đạt yêu cầu.
Nguồn: nongnghiep.vn