Ngành nông nghiệp TP Móng Cái đang nỗ lực nâng tầm thương hiệu nông sản bằng nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể, góp phần thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phục vụ tiêu thụ thị trường trong nước và phát huy lợi thế cửa khẩu xuất khẩu nông sản.
Đơn cử như tại xã Hải Đông, đây là địa phương có nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và nhanh nhạy với nông nghiệp công nghệ cao. Năm qua, xã Hải Đông đã huy động mọi nguồn lực, lợi thế trên địa bàn để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, trong đó ưu tiên các mô hình vùng trồng gắn với tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu, ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến, định hướng nông nghiệp hữu cơ.
Cụ thể, đã thí điểm mô hình trồng khảo nghiệm giống ớt chỉ thiên năng suất cao tại xứ đồng thôn 5, thôn 7 của xã Hải Đông do Công ty TNHH TM Dịch vụ Hoàng An triển khai thực hiện. Sau một thời gian triển khai, sản phẩm ớt chỉ thiên năng suất cao đang được thu hoạch. Mô hình này có quy mô 5ha, với 26 hộ ký hợp đồng cho thuê đất, mật độ trồng ớt 20.000 cây/ha, năng suất khoảng 20 – 25 tấn/ha, trồng 1 vụ/năm, cho thu hoạch 2 đến 3 lượt quả chín/vụ. Hiện tại cây ớt đang thu hoạch lượt quả chín đầu tiên.
Bên cạnh đó, vùng trồng cây khoai lang và các cây trồng khác quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu và ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến, định hướng nông nghiệp hữu cơ tại xứ đồng thôn 5, 7, 9 xã Hải Đông đã được Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Quốc tế Âu Lạc triển khai.
Mô hình có quy mô giai đoạn 1 là 10ha, với tổng số hộ ký hợp đồng cho thuê đất là 71 hộ, năng suất dự kiến 24 – 26 tấn/ha. Thời gian triển khai 3,5 tháng/vụ. Hiện Công ty đã bắt đầu thuê nhân công trồng cây khoai lang trên diện tích đất đã thuê 10ha.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Đông (TP Móng Cái) cho biết, hai mô hình bước đầu đã cho kết quả khả quan, hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, xã sẽ triển khai nhân rộng diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, năng suất và giá trị kinh tế thấp. Bà con nông dân sẽ tự làm trên đất nông nghiệp của mình, doanh nghiệp sẽ cung cấp giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.
Việc triển khai mô hình đã tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã (ưu tiên các hộ có đất cho thuê trong mô hình, thu nhập ổn định từ 250.000 đến 350.000 đồng/ngày công). Vào vụ thu hoạch ớt, thời gian có thể kéo dài trong vòng 2 tháng, nhu cầu nhân công tham gia hàng ngày từ 50 người đến trên 100 người.
Cũng như Hải Đông, hiện các xã nông nghiệp trên địa bàn TP Móng Cái bằng nhiều cách làm phù hợp với điều kiện từng địa phương đã sản xuất, tiêu thụ, nâng tầm nông sản Móng Cái.
Thành phố cũng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung bao gồm vùng nuôi trồng thủy sản tập trung xã Quảng Nghĩa, Hải Tiến, Hải Đông, Hải Yên, Vạn Ninh, Hải Xuân; vùng nuôi bò tập trung xã Quảng Nghĩa; vùng chăn nuôi, bảo tồn giống lợn Móng Cái xã Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa; vùng trồng cây dược liệu Hải Sơn, Bắc Sơn, Hải Tiến, Hải Đông, Quảng Nghĩa; vùng trồng khoai lang Hải Tiến, Hải Đông, Hải Xuân, Vạn Ninh, Bình Ngọc.
Cùng với đó, Thành phố sẽ phát triển mới 5 doanh nghiệp, hợp tác xã, có thêm ít nhất 16 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; phát triển các sản phẩm chủ lực gồm lợn Móng Cái, tôm thẻ chân trắng, khoai lang… Các sản phẩm OCOP được đưa vào trung tâm thương mại, siêu thị và sàn thương mại điện tử.
Với nhiều nỗ lực và giải pháp, Móng Cái đã và đang nâng tầm thương hiệu nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và tận dụng tối đa lợi thế xuất khẩu nông sản từ khu vực cửa khẩu.
Nguồn: nongnghiep.vn