Trang trại của Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông (DNo Farm) ở xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông trồng đủ loại rau củ quả như dưa lưới hoàng kim, dưa hấu baby, chanh dây, ớt ngọt, cà chua bi cùng hàng chục loại rau xanh, rau thơm. Trang trại này cũng là nơi đầu tiên ở Đắk Nông trồng thành công dâu tây với chất lượng thơm ngon. Ngoài ra, ở đây còn có hơn 10ha trồng cây lâu năm như sầu riêng, cà phê, ca cao…, tất cả đều được canh tác theo quy trình hữu cơ.
Người sáng lập nông trại này là chị Bùi Thị Khánh Hòa, nữ doanh nhân sinh năm 1985.
Quy trình canh tác “độc, lạ”
Dẫn chúng tôi tham quan những nhà màng trồng dưa hấu, dưa lưới, dâu tây…, chị Hòa tâm sự: “Tôi ấp ủ dự án này từ lâu với mong muốn đóng góp một chút công sức cho nông nghiệp tỉnh nhà và những bữa ăn lành mạnh cho mọi người. Chứ nếu chỉ nghĩ đến thu nhập thì không hẳn, bởi tôi từng có công việc rất tốt, thu nhập cao, lại không phải suốt ngày đội nắng mưa, da đen sạm thế này”.
Chị Hòa là người không chỉ đam mê công việc nhà nông mà còn rất chịu khó tìm tòi, học hỏi kiến thức nông nghiệp và có những cách làm độc đáo giúp cây trồng phát triển tốt, chất lượng cao.
Một trong những cách làm khá độc đáo ở DNo Farm là trồng dâu lấy lá nuôi tằm, bán kén và lấy phân. Chị Hòa chia sẻ: “Tôi có 2ha trồng dâu, đủ phục vụ nuôi khoảng 4 hộp tằm/lứa 15 ngày. Bình quân mỗi hộp tằm cho từ 1,5 – 2 tạ phân/lứa, tức mỗi năm trang trại có khoảng 20 tấn phân tằm hữu cơ, đủ cho trang trại sử dụng. Phân này chất lượng cực cao.
Các loại dưa được trồng trong giá thể trộn phân tằm và xơ dừa, sau khi thu hoạch, giá thể được mang ra trồng rau, hết vụ rau vẫn đủ dinh dưỡng trồng hoa bán Tết. Đây là lý do tôi bán một chậu cúc mâm xôi to đùng với giá chỉ bằng nửa ngoài chợ vì không tốn chi phí, chỉ tốn công chăm. Mà cúc trồng lên tự nhiên nên trưng Tết rất lâu tàn, có thể để được hơn 1 tháng”.
Một loại quả khác cũng gần như chưa nơi nào trồng, đó là giống bí đỏ Nhật. Dẫn tôi ra thăm khu vực trồng bí leo dàn trong một nhà màng nhỏ nền lát xi măng, chị Hòa cho biết: “Bí đỏ Nhật đã hết mùa, chỗ này tôi trồng để khách du lịch đến tham quan, đồng thời cũng để thử nghiệm. Theo nhà cung cấp giống thì giống bí này ra trái từ tháng 2 đến tháng 8 nhưng từ sau tháng 8 đến giờ đã hết tháng 12 rồi mà nó vẫn ra bông, ra trái miết. Có thể do thổ nhưỡng, khí hậu ở đây phù hợp hơn chăng?”.
Trái bí đỏ Nhật khi chín có màu đỏ cam đậm như trái gấc và còn được gọi là bí giọt nước vì có hình dáng giống giọt nước. Chị Hòa cho biết trong chuyến đi Nhật hồi tháng 5/2024, chị tình cờ được ăn món canh súp nấu bằng trái bí này, thấy rất ngon nên hỏi thăm và mua giống về trồng thử trên một diện tích nhỏ. Kết quả bí ra trái rất tốt, chất lượng thậm chí ăn ngon hơn trái bí chính gốc Nhật Bản, dẻo hơn khoai tây, ngọt và béo hơn.
“Tôi chào hàng, khách ăn khen ngon hơn bí ngô của ta. Theo những người bạn Nhật Bản giới thiệu thì giống bí này có lượng DHA ngang với cá hồi, người dị ứng với đạm động vật ăn rất tốt. Tại các cửa hàng Nhật, bí này có giá 140 ngàn đồng/kg, còn ở đây tôi bán 85 ngàn đồng/kg”, chị Hòa nói.
Là địa chỉ đầu tiên ở Đắk Nông có mô hình trồng dâu tây (tính đến thời điểm hiện tại), chị Hòa đã dùng tên “Trang trại dâu tây Đắk Nông” làm bảng tên thương hiệu để quảng bá, giới thiệu cho khách tham quan.
Vì mình và quyền lợi khách hàng
Dù sản lượng nông sản các loại hàng tuần tại DNo Farm lên đến hàng chục tấn nhưng sản phẩm hiện không có trong siêu thị, việc tiêu thụ không qua thương lái. Đây là điều khác biệt của DNo Farm. “Trang trại tự sản xuất, dán tem truy xuất rồi bán trực tiếp cho người tiêu dùng chứ không qua trung gian siêu thị, đại lý hay cửa hàng bởi tôi sợ bị “treo tem dán nhãn” ảnh hưởng đến uy tín của mình. Ngoài ra, điều này còn giúp bảo vệ quyền lợi khách hàng, giá rẻ hơn nhờ mua tận gốc”, chị Hòa giải thích.
“Nhưng với sản lượng lớn như vậy, làm thế nào để tiêu thụ hết bằng cách giao trực tiếp cho khách?”, tôi thắc mắc. Chị Hòa cho biết, trang trại đã có tệp khách hàng quen, đặt hàng thường xuyên, định kỳ. Đó là 6 trường mầm non (3 ở TP Gia Nghĩa và 3 trường ở TP.HCM). Ngoài ra còn có hơn 100 hộ gia đình ở Gia Nghĩa, TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội đặt mua sản phẩm thường xuyên.
Đối với khách hàng là hộ gia đình, thường mua mỗi lần 1 – 2 thùng, trang trại sẽ lập danh sách giao xoay tua, giao đủ 1 vòng là có thể quay lại giao cho khách hàng đầu tiên. Từ tháng 9/2024, DNo Farm bắt đầu xuất khẩu rau thơm đi thị trường Singapore mỗi tháng 500kg, gồm 13 loại rau thơm.
“DNo Farm là đơn vị đầu tiên ở Đắk Nông canh tác rau củ quả theo tiêu chuẩn GlobalGAP kết hợp triển khai mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm với các dịch vụ thu hái nông sản tại vườn, cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Đắk Nông xuất khẩu được mặt hàng này đi Singapore”, chị Hòa khoe.
Một điều ít nông trại làm được như DNo Farm đó là bình ổn giá từ năm đầu tiên đến nay. Mỗi loại nông sản chỉ bán 1 giá, dù là khách gần hay xa, thậm chí là nước ngoài. Nhưng khách ở xa như Hà Nội phải đi máy bay thì giá sẽ đội lên do chi phí vận chuyển. Đồng thời, nông trại cũng đảm bảo chất lượng, nếu hư, dập sẽ trừ tiền lại hoặc bù sản phẩm cho lần giao sau.
Tại DNo Farm, giá các loại nông sản cũng không chênh lệch nhiều, như dưa lưới, dưa hấu baby cùng có giá 55 ngàn đồng/kg, dưa lưới hoàng kim 75 ngàn đồng/kg… Lý do là vì chi phí đầu tư, chăm sóc tương đương nhau. Riêng dâu tây (có chu kỳ khoảng 8 – 9 tháng, bao gồm trồng, chăm sóc và thu hoạch liên tục 4 tháng) có giá cao hơn, ở mức từ 300 – 700 ngàn đồng/kg tùy kích thước, mẫu mã.
“Giá dâu tây cao hơn vì chi phí đầu tư cao, tỷ lệ cây bệnh, chết cũng nhiều hơn các loại cây khác. Nếu chăm sóc tốt thì dâu tây mang lại giá trị cao hơn hẳn. Một sào dâu tây (1.000m2) có thể đạt doanh thu 2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 650 triệu đồng – một con số mơ ước của nhiều nhà nông”, chị Hòa nói.
“Tôi biết ơn mảnh đất này đã cho tôi cơ hội làm việc mình yêu thích và thành công. Vì thế, tâm nguyện của tôi không chỉ dừng lại ở việc làm nông nghiệp xanh mà từ lâu đã lên kế hoạch xây dựng một trung tâm bảo trợ xã hội dành cho người già và trẻ em. Năm 2015, tôi đã hoàn tất thủ tục để xây dựng nhưng do sợ cố nên phải gác lại. Mục tiêu của tôi là sẽ hoàn thành kế hoạch này trước năm 2030”, chị Bùi Thị Khánh Hòa cho biết.
Nguồn: nongnghiep.vn