Trang trại nuôi chồn hương Quý Nhung (xã Phú Bình, huyện Tân Phú) là một trong những hộ nuôi chồn hương thành công của tỉnh Đồng Nai. Nhờ nuôi loài động vật hoang dã này mà gia định chị có thu nhập ổn định và là điểm “dạy nghề” cho nhiều bà con tại huyện Tân Phú và tỉnh Đồng Nai nói chung.
Chủ trang trại là vợ chồng anh Nguyễn Phước Quý và chị Phạm Thị Nhung. Cả hai đều là những người làm trái ngành, chưa từng thử mình trong lĩnh vực chăn nuôi bài bản. Việc nuôi chồn hương bắt nguồn từ việc kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cả hai vợ chồng tự tìm hiểu mô hình nuôi chồn hương trên internet. Nhận thấy có nhiều người nuôi, kĩ thuật đơn giản mà chi phí đầu tư thấp nên cả hai cùng quyết định thử mình.
Hiện nay, trang trại nuôi chồn hương Quý Nhung đã lên tới 100 chuồng, được nuôi theo mô hình an toàn sinh học có sử dụng đệm lót sinh học. Trang trại hiện đang nuôi chồn hương theo cả hai hình thức là sinh sản và bán lấy thịt, cho hiệu quả kinh tế ổn định.
Để vào thăm trang trại, chúng tôi được vợ chồng anh Quý, chị Nhung yêu cầu tuân thủ các bước như đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ, phun khử khuẩn và sát trùng khu vực chân bằng vôi… Đây là cách mà ông bà chủ bảo vệ đàn chồn hương trước các yếu tố nguy cơ dịch bệnh vô hình.
Theo chị Nhung, trước đây do chưa có kinh nghiệm nên hai vợ chồng chỉ nuôi thử vài cặp để “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”. Được sự hướng dẫn của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Phú và Chi cục Kiểm lâm tỉnh nên anh chị cũng mạnh dạn hơn trong việc nâng tổng đàn.
“Mình nâng các cặp chồn hương từ từ, tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường. Số chồn hương từ 20 con, rồi tới 40 con và đến nay là 100 con chồn hương. Với số đàn này thì sau khi chồn sinh sản, kịp cung cấp để tái đàn cho gia đình. Nhờ đó, trang trại của chúng tôi không phải bị phụ thuộc vào con giống, luôn ổn định tổng đàn”, chị Nhung cho hay.
Để chăn nuôi được bền vững, hiện mô hình nuôi chồn hương của trang trại Quý Nhung đang ứng dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Bằng cách sử dụng đệm lót sinh học dưới mỗi chuồng nuôi, giúp mùi hôi của chất thải được giảm thiểu đáng kể, tiết kiệm chi phí vệ sinh và tận dụng nguồn phế phụ phẩm này để bón cho cây trồng.
“Mình sử dụng đệm lót sinh học này thấy đàn chồn khỏe mạnh hơn nhiều và cũng tiết kiệm nhiều thứ. Cứ 3 – 4 tháng thì mới cần thay đệm lót một lần, chi phí mua trấu, mùn cưa và vi sinh cũng khá rẻ”, anh Quý cho hay.
Chồn hương khá dễ nuôi, ít bệnh vặt. Thức ăn chính của chồn thường là chuối, hạt cà phê hoặc cá, gà nấu chín. Tuy nhiên, anh Quý thường cho chồn hương ăn bằng chuối chín. Đây là nguồn nguyên liệu dễ tiêu, rẻ và sẵn có tại địa phương. Chồn hương chỉ cần cho ăn 1 lần vào buổi chiều mỗi ngày nên không tốn nhiều thời gian.
Nguồn chồn để bán được chị Nhung và anh Quý lấy trực tiếp từ trang trại của mình nuôi chứ không phải từ nguồn liên kết với bên ngoài. Nhờ chất lượng được đảm bảo nên “tiếng lành đồn xa”, trang trại luôn có lượng khách hàng ổn định.
Thêm vào đó, chị Nhung còn lập kênh tiktok để giới thiệu về cách chăm sóc chồn hương nhằm hướng dẫn cho những người cùng đam mê. Bằng kinh nghiệm tích lũy, chị Nhung mong muốn những người mới bắt đầu nuôi có thể mạnh dạn, sớm có “trái ngọt” từ nuôi chồn hương. Kênh tiktok cũng chính là một trong những nguồn giúp trang trại có lượng khách ổn định.
Hiện, giá chồn hương giống mà vợ chồng anh Quý bán là 8 triệu đồng/ cặp đực cái khoảng 2 tháng tuổi. Đối với chồn hương bán lấy thịt thì giá thịt khoảng 1,6 – 1,7 triệu đồng/ kg. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận mỗi năm dao động từ 400 – 500 triệu đồng.
Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương theo hình thức sinh sản và bán lấy thịt đang nở rộ tại Đồng Nai. Ước tính, mỗi huyện của Đồng Nai có khoảng vài chục hộ kinh doanh nuôi chồn hương. Các hộ này đều được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp phép và theo dõi chặt. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi chồn hương còn được Trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để không để vấn đề dịch bệnh ảnh hưởng đến vật nuôi.
Chồn hương cũng là đối tượng vật nuôi mà dự án Dự án Chiến lược phòng ngừa tác nhân lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người (STOP Spillover) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai triển khai từ nhiều năm qua. Đến nay, đã có gần 50 mô hình chăn nuôi chồn hương trên địa bàn tỉnh được tập huấn để chăn nuôi an toàn sinh học, giúp phát huy hiệu quả kinh tế.
Nguồn: nongnghiep.vn