Do bệnh dịch, rồi giá bán lợn xuống thấp nên người bác chỉ duy trì sản xuất được 2 năm và bỏ hoang trang trại ở thôn Cổ Châu, xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội). Hai năm làm cho một tập đoàn của Trung Quốc, Lan được đi nhiều cơ sở chăn nuôi ở miền Nam thấy họ rất thành công trong việc nuôi trồng thủy sản nên ấp ủ ước mơ của riêng mình. Khi đã học hỏi được chút ít kinh nghiệm, có lưng vốn kha khá thì chị mượn cái trại bỏ hoang để nuôi trồng thủy sản.
Những chuồng lợn được phá hết các vách ngăn đi, gia cố bằng khung sắt xung quanh, trải bạt thành bể nổi chứa nước. Cuối năm 2023 chị bắt đầu thử nghiệm nuôi hơn 1 vạn cá trê đồng. “Tôi thấy nông nghiệp ở địa phương toàn là các bác, các chú có tuổi nên hạn chế về việc ứng dụng khoa học cũng như bán hàng. Tôi vốn học đại học thương mại rồi sang Trung Quốc học nên thấy rằng giờ các sàn thương mại rất phát triển, các công ty của họ bán hàng thẳng sang ta. Bởi thế, chỉ dựa vào những gì mà Việt Nam đang có ưu điểm thì mới cạnh tranh được.
Đó chính là nông nghiệp và tôi nghĩ phải tự tạo ra sản phẩm của riêng mình thì sẽ có cơ hội. Bởi thế đang làm thuê cho một công ty Trung Quốc với mức thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng tôi quyết định bỏ về làm nông. Người khác nói thì cứ nói, việc mình làm thì cứ làm. Nếu cứ đi làm thuê mà không tạo dựng cho con cháu một cái nghề thì sau này chúng sẽ thiệt thòi”.
Do kinh nghiệm mỏng nên vụ đầu tiên sau hơn 3 tháng nuôi, tỷ lệ thất thoát cỡ 40%, bán với giá 55.000đ/kg thì chị hòa vốn. Lứa thứ hai chị mở rộng quy mô nuôi 70.000 cá trê đồng, 45.000 cá chạch đồng và nuôi thử nghiệm thêm 3.000 cá rô đồng. Sau 2 tháng cá rô đồng đã cho thu hoạch. Bởi nuôi trong môi trường nước sạch nên không cần phải buông, tức là thả cá trong nước sạch 2-3 ngày cho bớt mùi bùn như cá nuôi trong ao đất mà thịt vẫn trắng và thơm ngon.
Cuối tháng 9 vừa qua chị Lan đã thành lập HTX Sản xuất và Thương mại Hữu cơ Dịch vụ Bình Minh. Hỏi lý do thì chị trả lời rằng, nếu chỉ là một hộ sản xuất cá thể thì có nhiều hạn chế trong phát triển nên phải tập hợp nhiều người chung chí hướng lại để cùng làm ăn một cách bình đẳng. HTX gắn với cái tên hữu cơ bởi định hướng về sau sẽ xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc, thậm chí mời đối tác cùng hợp tác.
Hiện nguồn nước thải từ các bể nuôi cá trong trang trại đang được tích vào hầm biogas. Dự định của chị là đến cuối năm nay nếu có nguồn thu ổn định sẽ tái sử dụng nguồn nước ấy để trồng rau, biến trang trại thành cơ sở sản xuất tuần hoàn. Từ con cá trê tươi chị sẽ đầu tư máy móc thiết bị sản xuất ra cá trê một nắng để nâng cao giá trị kinh tế.
Anh Vũ Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Xuyên cho biết Nam Phong là xã NTM kiểu mẫu, rất cần những con người trẻ năng nổ, dám nghĩ, dám đi theo con đường nông nghiệp hữu cơ với định hướng xuất khẩu như chị Lan, Trung tâm của anh sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa HTX ở góc độ chuyên môn kỹ thuật.
“Chị Lan nuôi cá trong nhà đã tốt rồi nhưng với con trê, chạch đồng ngoài chất lượng thịt thị trường đòi hỏi cả màu da đẹp nữa. Giải pháp là sẽ nuôi ở ngoài trời nhưng che mái nhựa trong để da cá thay đổi theo màu nước, sáng màu hơn. Nếu tận dụng được nguồn tảo, thủy sinh hay ấu trùng của con sâu can xi làm thức ăn cho cá thì vừa giảm giá thành, vừa tăng thêm chất lượng”, anh Trung nói.
Nguồn: nongnghiep.vn