Tháng 4/2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang triển khai mô hình cải tạo đàn dê (sử dụng giống dê đực boer, dê cái lai bách thảo) theo hướng nâng cao giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Khau Tinh, huyện Na Hang. Mô hình có sự tham gia của 10 hộ dân, mỗi hộ được hỗ trợ 9 con dê cái và 1 con dê đực. Hộ được chọn tham gia mô hình là những hộ có chuồng trại, có diện tích trồng cỏ, có diện tích bãi chăn thả… và cam kết thực hiện theo đúng kỹ thuật của mô hình.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, mô hình được xây dựng với mong muốn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi dê sinh sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn dê cho người dân địa phương. Qua đó nhân rộng và nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về kỹ thuật chăn nuôi dê theo hướng nâng cao giá trị gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang đã ký hợp đồng với 1 cán bộ chỉ đạo kỹ thuật, trình độ chuyên môn đại học về chăn nuôi thú y, có kinh nghiệm công tác trên 15 năm trong việc hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi dê.
Từ 100 con dê ban đầu (gồm 10 con dê đực bore và 90 con dê cái sinh sản lai bách thảo) sau 8 tháng nuôi, đã có 7 dê mẹ đẻ được 7 con dê con. Số dê con còn sống là 5 con, đạt 71 %, trong đó có 3 con dê đực, 2 con dê cái, dê sinh trưởng phát triển tốt. Trọng lượng dê sơ sinh bình quân đạt 2,3 đến 2,5kg/con, sau 3 tháng nuôi, trọng lượng bình quân dê đạt 9 đến 10kg/con. Hiện có 76 con dê cái đang chửa từ 3 đến 4 tháng, chuẩn bị đẻ.
Gia đình ông Phùng Văn Hồng, dân tộc Mông ở thôn Khau Phiêng nhận nuôi 9 con dê cái sinh sản và 1 con dê đực. Ông Hồng cho biết, trước kia gia đình đã nuôi dê nhưng chỉ nuôi 2 đến 3 con theo hình thức chăn thả tự do nên hiệu quả chưa cao. Tham gia mô hình, ông được tập huấn các kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi dê sinh sản theo hướng an toàn sinh học; cách làm chuồng trại đảm bảo tối thiểu rộng từ 2 đến 2,5m/con; toàn bộ chất thải phải thu gom, xử lý hằng ngày và biết cách ghi chép nhật ký chăn nuôi.
3 tháng trước, con dê mẹ của gia đình ông Hồng đã sinh ra 1 con dê con với trọng lượng 2,5kg, đến nay đã đạt trọng lượng 9kg. Với hộ gia đình thuộc diện cận nghèo như ông, những con dê này sẽ là động lực để gia đình vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống.
Xã Khau Tinh hiện có 3 dân tộc chính là dân tộc Mông chiếm 50%, dân tộc Tày chiếm 34%, dân tộc Dao chiếm 15%, còn lại là các dân tộc khác. Xã có 374 hộ với 1.743 nhân khẩu sống ở 4 thôn Tát Kẻ, Khau Tinh, Nà Lũng, Khau Phiêng. Đây là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào trồng cây ngô, cây lúa, dân trí không đồng đều, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế.
Việc triển khai thành công mô hình nuôi dê theo hướng nâng cao giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm của Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang đã có tác động lớn, làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Khau Tinh.
Bà con đã biết áp dụng kỹ thuật, chọn giống, xác định địa điểm nuôi, kỹ thuật nuôi dưỡng, phòng và trị một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi dê. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, tạo đà để xã đạt mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm 2023.
Nguồn: nongnghiep.vn