Dưới tán 4.000 cây trà hoa vàng, anh Đàm Văn Triệu (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) quyết định chăn nuôi gà.
Để mô hình đạt hiệu quả cao, anh đã dày công tìm hiểu kỹ thuật, chăn thả đàn gà tự nhiên trên đồi, chủ động phòng chống dịch bệnh. Nhờ đó, mỗi năm gia đình anh duy trì chăn nuôi 3 lứa với 1.000 con, đem lại thu nhập 100 – 200 triệu đồng/năm. Từ mô hình này, gia đình anh Triệu trở thành điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Gia đình ông Đàm Văn Cường, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn cũng là một trong những hộ đi đầu, tích cực trong chuyển đổi mô hình sản xuất kém hiệu quả sang trồng trà hoa vàng, nuôi gà để nâng cao thu nhập.
Ông Cường cho biết, tận dụng lợi thế của địa phương, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi gần 10ha trồng hồi, quế, sa mộc sang trồng trà hoa vàng, chăn nuôi gà và trồng các cây dược liệu khác. Riêng trà hoa vàng là 5.000 cây, gà hơn 1.000 con.
“Điều kiện tự nhiên ở Ba Chẽ phù hợp mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Việc nuôi gà dưới tán trà hoa vàng rất hiệu quả, bởi cây làm bóng mát cho gà, gà nhặt cỏ, bắt sâu cho cây, thải phân bón cho cây sinh trưởng tốt hơn. Từ đó, tôi tiết kiệm được chi phí thuê nhân công làm cỏ, làm đất, chăm bón cây, mà cây vẫn phát triển tốt. Mỗi năm, từ việc bán trà hoa vàng, dược liệu và nuôi gà, gia đình thu về từ 350 – 400 triệu đồng”, ông Cường phấn khởi nói.
Ngoài gia đình ông Cường, được sự khuyến khích, hỗ trợ của địa phương, nhiều hộ dân khác trên địa bàn huyện Ba Chẽ cũng đầu tư trồng trà hoa vàng kết hợp với nuôi gà. Hiện, toàn huyện Ba Chẽ có 300ha cây dược liệu trong đó có khoảng 160ha trà hoa vàng.
Ông Hoàng Văn Hưng, dân tộc Tày ở Tổ hợp tác thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc đã thực hiện thành công mô hình nuôi gà thương phẩm với số lượng 6.000 con.
Để thực hiện mô hình, gia đình ông Hưng đã mạnh dạn đầu tư tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, xây dựng chuồng trại rộng 2.500m2 chăn nuôi gà thương phẩm phục vụ nhân dân trên địa bàn xã và các xã lân cận.
Chia sẻ về hành trình vượt khó, ông Hưng kể: “Năm 2018 gia đình tôi bắt đầu nuôi gà. Lúc đầu khởi nghiệp rất khó khăn vì mình chưa có vốn. Từ vụ thứ hai trở đi, được ngân hàng cho vay, tham gia các lớp tập huấn rồi mình chủ động học hỏi thêm kinh nghiệm nên công việc chăn nuôi khá thuận lợi. Mấy năm gần đây tôi nuôi thêm gà dược liệu, ít bị bệnh, thịt ăn ngon, ngậy, giòn nên được thị trường ưa chuộng. Hàng năm, nguồn thu từ chăn nuôi gà thương phẩm đã đem lại cho gia đình tôi tầm 300 triệu đồng”.
Bà Phạm Thị Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Ba Chẽ cho biết: Trên địa bàn huyện có khoảng 120.000 con gà thả đồi, trong đó có khoảng 20.000 con được nuôi theo quy trình chăn nuôi dược liệu mới. Giống gà được các hộ sử dụng để nuôi dược liệu chủ yếu là giống gà Tiên Yên, là một trong những giống gà nổi tiếng của khu vực miền Đông tỉnh Quảng Ninh.
Gà đồi dược liệu Ba Chẽ hiện nay được tiêu thụ chủ yếu trong và ngoài huyện với giá 160.000 – 200.000 đồng/kg gà hơi, cao hơn gà nuôi thả đồi thông thường 10.000 – 20.000 nghìn đồng/kg và hơn các loại gà thông thường trên thị trường 30.000 – 70.000 đồng/kg.
“Qua theo dõi, giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện một số mô hình thí điểm chăn nuôi gà kết hợp bổ sung dược liệu cho thấy các mô hình phát triển rất thuận lợi, sản phẩm Gà đồi dược liệu Ba Chẽ trong thời gian qua đã được coi là một loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Hiện, đơn vị chúng tôi đang tích cực phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống Nông nghiệp thực hiện các quy trình, thủ tục để sớm hoàn thành thương hiệu Gà đồi dược liệu Ba Chẽ”, bà Chính cho hay.
Nguồn: nongnghiep.vn