Nuôi lợn bằng 11 thành phần thảo dược
Trên diện tích khá khiêm tốn chỉ 5.000m2 tại xã Thọ Thành (Yên Thành, Nghệ An), ông Trần Khắc Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã Minh Lợi, một người con của quê lúa đã gầy dựng thành công thương hiệu “thịt lợn sạch hữu cơ” nức tiếng.
Ông Thịnh được biết đến là doanh nhân thành đạt nhờ kinh doanh đa ngành nghề, bao gồm lĩnh vực nông nghiệp. Khác biệt ở chỗ, lợi nhuận kinh tế thu về được ông san sẻ một phần cho công tác an sinh xã hội, đây là “thói quen” đã duy trì xuyên suốt nhiều năm nay. Cũng bởi trách nhiệm với cộng đồng, có tâm và có tầm, ông quyết tâm triển khai mô hình nuôi lợn sạch bằng phương pháp hữu cơ.
“Tôi làm nông nghiệp hữu cơ không hẳn vì kinh tế, nếu đặt nặng tiền bạc sẽ có nhiều phương án, cách thức khả dĩ hơn. Qua tìm hiểu thấy rằng vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối. Với cách thức chăn nuôi truyền thống bấy lâu nay, người tiêu dùng có khi bỏ đồng tiền nhưng không được hưởng những sản phẩm tương xứng, đó là điều đáng tiếc”, ông Thịnh chia sẻ.
Ý tưởng táo bạo được tiếp lửa khi ông Thịnh có cuộc gặp gỡ đầy cơ duyên với một lãnh đạo tầm cỡ của Tập đoàn Thuận Phát Group. Ấn tượng với cách làm, cách nghĩ lớn, trên hết là tâm huyết với đời của ông Thịnh, đối tác đã đồng ý hỗ trợ và chuyển giao toàn bộ quy trình, công nghệ chăn nuôi hữu cơ. Mọi thứ manh nha từ đây.
Cách làm của ông Thịnh cũng chính là lộ trình dài hơi mà ngành chăn nuôi Nghệ An hướng đến. Nói thế là bởi địa phương này có tổng đàn lợn thuộc tốp đầu cả nước nhưng nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ quá cao, rất khó kiểm soát và không đảm bảo an toàn dịch bệnh. Để tháo gỡ nút thắt đòi hỏi phải thay đổi hình thức, phải ứng dụng công nghệ cao, quy trình tốt.
Áp dụng phương pháp hữu cơ là xu thế tất yếu, tuy nhiên để làm được không phải chuyện giản đơn. Qua đối chứng, nuôi lợn bằng cách này tốn kém hơn nhiều so với phương thức truyền thống, kinh phí đầu tư lớn hơn, mất nhiều thời gian hơn. Đặc biệt là phải tuân thủ chặt chẽ quy trình với nhiều công đoạn đòi hỏi sự công phu, tỉ mẩn, nếu lơ là, bỏ sót khó mang lại kết quả tối ưu.
Khẩu phần ăn thực sự cầu kỳ với tổng cộng 11 thành phần, từ bột ngô, gạo, đậu tương, bột dinh dưỡng, nước, muối…, tất cả được trộn lẫn với nhau theo tỷ lệ nhất định, sau 3 ngày lên men mới tiến hành cho lợn ăn.
Quy trình nuôi lợn hữu cơ thường kéo dài trong khoảng 5 – 6 tháng, được chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn đều áp dụng công thức khác nhau. Đơn cử như thời gian đầu, khi con giống mới nhập về bụng dạ vẫn “quen” với cám công nghiệp không nên vội vàng chuyển đổi khẩu phần ăn tức thì, ngược lại nên chia theo tỷ lệ phù hợp để vật nuôi dần tương thích.
Ví dụ, 9 ngày đầu trộn theo tỷ lệ 30% cám hữu cơ kết hợp 70% cám công nghiệp, 3 ngày tiếp cân bằng ở mức 50/50, 3 ngày sau nữa là 30/70. Cứ thế chuyển dịch từng bước một, đến khi con lợn thích ứng hoàn toàn với điều kiện mới thì chuyển hẳn sang dùng 100% thức ăn thảo dược.
“Được “nạp” đầy đủ dưỡng chất giúp vật nuôi tăng sức đề kháng và chống chịu rất tốt với các loại dịch bệnh thường gặp hay thay đổi môi trường bất thường. Chẳng nói đâu xa, mới đây cơ quan chuyên ngành tiến hành kiểm tra định kỳ, hì hục mãi mới lấy được mẫu phân tích vì lợn khỏe quá, chúng chạy nhảy mãi không biết mệt”, Giám đốc Hợp tác xã Minh Lợi tếu táo.
Nuôi lợn hữu cơ dẫu vất vả nhưng mang lại những giá trị khó đong đếm. Quan trọng hơn cả là người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn. Thứ hai là môi trường chung không bị ảnh hưởng, cho ăn bằng thảo dược nên phân thải ra không cần đưa vào hố biogas xử lý, ngược lại có thể lấy trực tiếp để nuôi trùn quế, sau đó lấy trùn quế làm thức ăn cho lợn, phân vi sinh thải ra lại đem đi trồng cây, từ đầu chí cuối là một quy trình khép kín hoàn hảo.
Gia đình ông Phạm Gia Du ở xã Đồng Thành (huyện Yên Thành) nuôi lợn nhiều năm nay, quy mô tổng đàn khá lớn nhưng áp dụng bằng phương pháp thông thường, phân lợn không xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Địa điểm nuôi cách khu dân cư không xa, bà con không chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc đã nhiều lần kiến nghị phải di dời đi nơi khác, tình hình luôn “căng như dây đàn”.
Đang trong thế tiến thoái lưỡng nan, chẳng biết xoay xở ra sao thì ông Du “bắt được sóng” với Hợp tác xã Minh Lợi, trong tích tắc nút thắt đã được tháo gỡ.
Từ ngày ông Du chuyển hướng sang nuôi lợn hữu cơ bằng thảo dược, những lời xì xao, bàn tán không hay dần lắng xuống, tình cảm chòm xóm láng giềng được “hâm nóng” trở lại.
Ông Lê Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành nhận xét: Phương pháp nuôi lợn hữu cơ của HTX Minh Lợi rất tốt, cùng lúc giải quyết được những tồn tại xoay quanh vấn đề môi trường và nhu cầu thực phẩm an toàn. Mô hình này đáp ứng hoàn hảo yêu cầu đặt ra, cần được nhân rộng trong thời gian tới.
Lan tỏa rộng khắp
Trang trại nuôi lợn hữu cơ bằng thảo dược của HTX Minh Lợi do ông Trần Khắc Thịnh làm Giám đốc mọc lên giữa bạt ngàn mô hình nuôi nông hộ truyền thống khiến tất thảy mắt tròn mắt dẹt, số đông đều bán tín bán nghi. Ông Thịnh, một người sành sỏi trên thương trường thừa hiểu không nên đôi co, ngược lại cần thành quả thực tiễn để chứng minh.
Lặng lẽ, âm thầm triển khai theo đúng lộ trình vạch sẵn, khi mọi thứ đã thành hình cũng là lúc những ngờ vực trước đó của bà con được xóa nhòa. Đến mức chính những người thâm niên trong nghề phải tấm tắc thừa nhận, nội trong thời gian ngắn, hàng loạt hộ nuôi lợn tại các xã Xuân Thành, Đồng Thành, Tăng Thành, Văn Thành… (huyện Yên Thành) đã chủ động đề xuất được tham gia liên kết với HTX Minh Lợi. Bấy nhiêu thôi cũng đủ cho thấy đường đi nước bước mà ông Trần Khắc Thịnh cùng cộng sự vạch ra xứng đáng để kỳ vọng.
Trước sau, Giám đốc HTX Minh Lợi nhất nhất quan điểm: “Nuôi lợn sạch bằng phương pháp thảo dược là hướng đi mang tính dài hơi, chúng tôi không vội vàng đốt cháy giai đoạn. Nuôi lợn hữu cơ rất khó, đòi hỏi sự nhẫn nại, trên hết là cái tâm với nghề, điều này không phải ai cũng làm được. Mở rộng liên kết là điều bắt buộc nhưng chọn ai để gửi gắm niềm tin là câu chuyện khác. Lắm lúc cả nể, chủ quan, cái giá phải trả rất đắt.
Chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết, đặt trong bối cảnh dịch dã triền miền càng thấy rõ sự khác biệt. Thời gian rồi thị trường chung chững lại thấy rõ do tác động của dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên nguồn hàng của trang trại vẫn xuất bán đều đặn, có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Quy mô trang trại đáp ứng khoảng 3.000 lợn thịt/năm, chúng tôi cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm của các hộ trong phạm vi liên kết, đồng thời cộng thêm 10% so với giá cả thị trường”.
Mức độ hài lòng của khách hàng là thước đo chính xác nhất cho chất lượng sản phẩm. Sau khi sử dụng, số đông khách hàng đều phản hồi tích cực: “Lợn nuôi bằng phương pháp hữu cơ có mùi vị thảo dược đặc trưng, khi nấu không bị hao thịt, nhìn qua thớ thịt, màu da thấy rõ sự khác biệt”, chị Đinh Thị Minh, trú tại khối Xuân Trung, phường Hưng Dũng, TP Vinh chia sẻ.
“Nghệ An xác định chuyển dịch chăn nuôi theo hướng hình thành các trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều chuỗi liên kết có giá trị. Trong số các mô hình chăn nuôi hữu cơ, bật lên là cơ sở của ông Trần Khắc Thịnh tại xã Thọ Thành, huyện Yên Thành với sản phẩm thịt lợn an toàn, được người tiêu dùng đánh giá cao”, ông Trần Võ Ba, Trưởng phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi – Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đánh giá.
Nguồn: nongnghiep.vn