Quy trình sản xuất nấm nhộng trùng thảo (còn gọi là đông trùng hạ thảo) trong môi trường không sử dụng nhộng tằm là mô hình đầu tiên được nghiên cứu thành công, áp dụng từ tháng 12/2020 đến nay.
Quy trình do nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao – AHRD (thuộc Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) thực hiện và được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận là tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt cấp quốc gia từ tháng 1/2023. Sản phẩm nấm nhộng trùng thảo được Hội Nông dân TP.HCM công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP.HCM 2024.
Thạc sĩ Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo (thuộc AHRD) – thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, quá trình sản xuất nấm nhộng trùng thảo được thực hiện với quy trình khép kín, các nguyên liệu sử dụng có nguồn gốc hữu cơ, không sử dụng hóa chất độc hại, giảm thiểu tác động đến môi trường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Sản xuất nhộng trùng thảo bằng phương pháp nuôi cấy nấm của AHRD đòi hỏi các nguyên liệu (gạo lức đỏ, khoai tây, nước dừa, lòng đỏ trứng, đa lượng, vi lượng); môi trường nhân giống (môi trường thạch đĩa, môi trường nhân giống lỏng, môi trường gạo lứt nuôi trồng); trang thiết bị; các khu/phòng như khu rửa dụng cụ, phòng chuẩn bị và hấp môi trường, phòng cấy vô trùng, phòng ủ tơ, phòng nuôi trồng đều phải chuẩn bị kỹ, đảm bảo các quy chuẩn, tiệt trùng…
Ống giống gốc được cấy chuyền vào môi trường thạch đĩa để tạo giống thạch. Khi đường kính khuẩn lạc của giống thạch đĩa đạt 2/3 đường kính đĩa thạch sẽ tiến hành cấy vào môi trường SD1/2 lỏng để tạo giống lỏng
Các bình môi trường nuôi trồng được cấy giống lỏng để tạo phôi nấm chuẩn bị cho giai đoạn nuôi trồng. Sau khi cấy giống được chuyển vào phòng ủ tơ, ủ tối ở nhiệt độ 22-25 độ C trong khoảng 10-15 ngày. Nuôi trồng trong điều kiện chiếu sáng với cường độ ánh sáng 300-700 Lux, chu kỳ chiếu sáng 12 giờ sáng/tối, nhiệt độ 19-21 độ C trong phòng nuôi được lắp máy tạo ẩm bằng sóng siêu âm để tạo độ ẩm không khí khoảng 80-90%.
Sau 55 ngày nuôi trồng có thể thu hoạch. Nấm thu hoạch được sấy khô bằng phương pháp sấy thăng hoa để giữ nguyên màu sắc, hình dạng nấm.
Theo Thạc sĩ Lê Thành Hưng, mục tiêu chung cho hướng nghiên cứu là tạo nguồn nguyên liệu có dược tính cao cho việc sản xuất thực phẩm chức năng, làm nguyên liệu cho ngành dược. Sử dụng nguyên liệu là cao nấm men kết hợp với lòng đỏ trứng đem lại kết quả về năng suất, hiệu suất sinh học, hàm lượng hoạt chất cao hơn so với việc sử dụng nhộng tằm trong nuôi trồng nhộng trùng thảo.
Với quy trình này, sản phẩm tạo ra có độ đồng đều cao, chất lượng tốt, hàm lượng hoạt chất cao, độ dài sản phẩm đạt 5-8 cm, tỷ lệ tạo sản phẩm đạt trên 95%, năng suất 50-55kg nấm tươi cho 1.000 bình nuôi trồng, có khả năng nhân rộng, phát triển quy mô sản xuất lớn hơn, giúp gia tăng sản lượng nấm trong nước.
Hiện quy trình kỹ thuật này được chuyển giao cho một số đơn vị, cá nhân trên địa bàn TP.HCM và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên.
“Việc sản xuất nhộng trùng thảo trên quy mô công nghiệp làm giảm tình trạng khai thác nhộng trùng thảo tự nhiên quá mức, tăng nguồn cung cấp đối với loại nấm dược liệu quý này, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua đó, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu nấm nhộng trùng thảo từ nước ngoài. Sản phẩm nấm chất lượng cao, tăng tính cạnh tranh về nấm ăn, dược liệu so với các nước trong khu vực trong quá trình hội nhập”, Thạc sĩ Lê Thành Hưng nói.
Mô hình này phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Góp phần thực hiện thành công tái cấu trúc ngành nông nghiệp nói chung và ngành nấm nói riêng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái của từng vùng nông nghiệp, nông thôn; tăng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế xã hội của nông dân, góp phần thực hiện thành công về xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Nguồn: nongnghiep.vn