Xuất phát điểm thấp, nguồn lực hạn chế, các chủ thể còn mơ hồ với khái niệm “OCOP”, nhưng chỉ sau 5 năm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Chương trình đã tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm đặc sản, đặc trưng của ngành nghề nông thôn, là giải pháp hoàn hảo đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xa hơn là góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo kế hoạch đặt ra.
Ghi nhận từ Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, đến nay toàn tỉnh có 471 sản phẩm OCOP, bao gồm 1 sản phẩm 5 sao, 41 sản phẩm 4 sao và 429 sản phẩm 3 sao. Thành tích này đưa Nghệ An vươn lên đứng thứ 2 cả nước về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đồng thời là kết quả xứng đáng, tưởng thưởng cho nỗ lực không ngơi nghỉ suốt thời gian dài.
Quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, từ đó đưa sản phẩm OCOP của Nghệ An dồi dào về mặt số lượng và phong phú về chủng loại, mẫu mã. Thông qua chương trình, các chủ thể tham gia có sự thay đổi rõ rệt về nếp nghĩ, tư duy khi chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp hiện đại. Nền móng vững chắc đã hình thành, đây là mấu chốt để hướng đến những mục tiêu xa hơn.
HTX Sen quê Bác nổi lên là điểm sáng của OCOP Nghệ An với 11 sản phẩm được chứng thực 3 – 4 sao như trà lá sen, trà liên tu, trà ướp bông sen, trà tâm sen, hạt sen khô, trà củ sen…
Mang theo khát vọng xây dựng thương hiệu bền vững, độc đáo để chế biến thành các sản phẩm đặc trưng riêng biệt, gắn liền với quê hương Kim Liên (Nam Đàn) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, HTX Sen quê Bác đang tiến từng bước vững chắc trên hành trình đã định, ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường, dòng sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi.
Ông Phạm Kim Tiến, Giám đốc HTX Sen quê Bác chia sẻ: “Chúng tôi đang phát triển các sản phẩm theo hướng hữu cơ và tuần hoàn, đảm bảo thân thiện với môi trường và tạo ra hệ sinh thái bền vững giữa người dân tham gia liên kết, người sản xuất và người tiêu dùng. HTX phấn đấu trong thời gian tới có 1, 2 sản phẩm được gắn OCOP 5 sao, nâng cao sức cạnh tranh để hướng đến thị trường xuất khẩu”.
Tăng nhanh về số lượng, đa dạng về chủng loại, có nhiều sản phẩm chế biến sâu, đủ sức cạnh tranh ở những thị trường tiềm năng nhất cho thấy chương trình OCOP tại Nghệ An đang phát triển đúng hướng.
Những thương hiệu tiên phong như HTX Dược liệu Pù Mát; Công ty TNHH Đức Phong; Công ty cổ phần khoa học công nghệ tảo VN; giò me Nam Nghĩa; nước mắm Cửa Hội, HTX Sen quê Bác… đã tạo ra nhiều dấu ấn đậm nét, với nền móng đang có Nghệ An hoàn toàn có thể “nhân bản” ra những sản phẩm tương đương, hoặc hoàn chỉnh hơn trong tương lai không xa.
Từ đòi hỏi của thực tiễn, thời gian tới Nghệ An xác định phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với thế mạnh đặc trưng của từng vùng miền. Đặc biệt ưu tiên các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Để tạo động lực thúc đẩy các chủ thể tham gia nhất thiết phải hài hòa bài toán cung – cầu, cần đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiểu rõ nhu cầu cấp thiết trong năm 2023 Nghệ An đã chủ động đẩy mạnh quảng bá thông qua nhiều hình thức, bên cạnh công tác tuyên truyền đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng, khâu nối tổ chức các hội nghị, diễn đàn, hội chợ kết nối tiêu thụ nông sản an toàn. Nổi bật hơn cả là chương trình phối hợp cùng Bộ NN-PTNT giới thiệu “sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh của miền Tây Nghệ An”.
Để các sản phẩm OCOP phát triển có chiều sâu, gắn liền liền với thương hiệu vững bền, tỉnh Nghệ An cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP; đánh giá phân hạng sản phẩm; sản xuất gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng của vùng miền; tập trung chuẩn hóa, nâng cao và phát triển các sản phẩm OCOP; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương (khen thưởng, xúc tiến thương mại, hỗ trợ lãi suất tín dụng, thiết kế nhãn hiệu, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc…); tăng cường chuyển đổi số…
Bám sát chủ trương, định hướng của Trung ương, tổ chức bài bản và nhập cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đang mang lại nhiều nét tươi mới cho bức tranh nông thôn Nghệ An. Chủ trương lan tỏa giúp các chủ thể vững tin bước tiếp, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, đó là giá trị lớn nhất.
“Nghệ An rất quan tâm đến Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đã chủ động bố trí kinh phí thông qua Nghị quyết 25 cũng như lồng ghép các chương trình để hỗ trợ các chủ thể tham gia nhằm phát triển các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương. Chương trình tạo được sự đồng thuận rất cao từ tỉnh đến cơ sở, được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định OCOP là giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các mục tiêu phát triển KT – XH”, ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn