Những cánh chim đầu đàn
HTX nông nghiệp Gò Gòn là một trong những HTX tiêu biểu về xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông), kết hợp với thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để cải thiện tình trạng tổ chức sản xuất vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán của người dân.
Đến thăm cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay rộng hàng trăm ha của HTX Gò Gòn, ai ai cũng phấn khởi. Có những nông dân gần như không đụng đến tay chân vì tất cả các khâu sản xuất đều được cơ giới hóa và dịch vụ lao động lo trọn gói. Giống, vật tư nông nghiệp được doanh nghiệp liên kết với HTX đầu tư, đến cuối vụ mới thu hồi vốn không tính lãi. Đầu ra của hạt thóc được HTX ký hợp đồng trực tiếp với các công ty xuất khẩu gạo thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường 100 đồng/kg.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc HTX Gò Gòn phấn khởi cho biết đó là trái ngọt khi HTX Gò Gòn thực hiện thành công đề án cánh đồng mẫu lớn, vùng lúa chất lượng cao của tỉnh Long An phát động. Có thể thấy, cánh đồng mẫu lớn đã và đang tạo nên chuỗi giá trị hạt gạo ngon, nâng cao thu nhập cho hai lúa nơi đây.
“Nếu cánh đồng mẫu lớn không có một Ban quản trị HTX giỏi, không gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra sẽ khó mở rộng diện tích sản xuất. Để nông dân giữ trọn “chữ tín” trong quá trình liên kết sản xuất thì Ban Quản trị HTX phải thật công tâm, phải đặt lợi ích của xã viên lên hàng đầu và tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại chính sách của nhà nước”, ông Nguyễn Hữu Trí chia sẻ.
PV NNVN có mặt tại xã Hưng Điền A, huyện biên giới Vĩnh Hưng, tỉnh Long An vào lúc nhiều HTX đang tập trung triển khai xuống giống đồng loạt trên toàn bộ diện tích cánh đồng hơn trên 500ha chuyên sản xuất lúa chất lượng cao Đài Thơm 8 ba vụ/năm. Những nông dân vận hành thông thạo hệ thống sạ bằng máy bay không người lái, những chiếc máy cấy, mạ khay mới toanh cho ra từng hàng mạ non thẳng tắp trải dài hút tầm mắt.
Cùng ra đồng với bà con, Giám đốc HTX Cây Trôm Bùi Văn Tuấn phấn khởi cho biết, ngay từ khi được thành lập, HTX đã huy động vốn của thành viên để tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, như đường nội đồng, trạm bơm điện, cơ giới hóa sản xuất, từ đó giúp làm giảm giá thành, tăng lợi nhuận, chủ động trong sản xuất. Việc này đã tạo tiền đề cho thành viên mạnh dạn áp dụng công nghệ cao trong canh tác theo tư duy mới.
Ngoài ra, HTX Cây Trôm đang tiến đến thực hiện 100% cơ giới hóa trong sản xuất. Thời gian qua, HTX đạt những kết quả đáng phấn khởi với quy trình sản xuất được áp dụng 90% cơ giới hóa, khu vực sản xuất được bơm tưới toàn bộ bằng điện. Công tác phun thuốc bảo vệ thực vật trên khu vực canh tác của HTX đều được máy bay không người lái thực hiện. Từ những chuyển biến trong liên kết canh tác lúa thông minh theo hướng hữu cơ của HTX Cây Trôm đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nông dân địa phương. Năm 2023, HTX được Trung ương tôn vinh là một trong 63 HTX tiêu biểu cả nước.
“HTX đã được các doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua gạo để xuất khẩu. Bên cạnh đó, HTX còn chủ động xây dựng nhà máy và cho ra đời sản phẩm riêng. Hiện sản phẩm gạo của HTX đang chờ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể với nền tảng là quy trình an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu…”, anh Bùi Văn Tuấn phấn khởi nói.
Kỳ vọng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
HTX Gò Gòn và Cây Trôm vinh dự được tỉnh Long An chọn làm hạt nhân để thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, tất cả thành viên trong HTX rất phấn khởi, đồng tâm hiệp lực để hoàn thành mục tiêu do ban quản trị đặt ra cũng như sự kỳ vọng của chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Trí phấn khởi cho biết thêm, HTX Gò Gòn có 120 thành viên chính thức với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp lên đến 564ha. Với sự thành công trong việc đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX đã xây dựng quy trình sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP và đang từng bước sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. HTX không chỉ chăm lo cho các hộ thành viên mà còn là đơn vị tiên phong trong các hoạt động liên kết chuỗi giá trị, hoạt động vì lợi ích của người sản xuất trong xã, trong huyện.
Đối với sản xuất lúa, bên cạnh các hiệu quả từ thay đổi phương thức sản xuất, việc bán tín chỉ giảm phát thải cũng kỳ vọng mở ra nguồn thu nhập đáng kể, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân. Mới đây, trong sự kiện ra đời Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo, HTX vinh dự đại diện tham gia ban chấp hành hiệp hội khóa mới, mở ra cơ hội cho HTX tiếp cận các thông tin, chính sách, đề án và góp phần lan tỏa đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp mà Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện.
“Hiện mong muốn lớn nhất của HTX nói chung và người trồng lúa nói riêng là ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng để vận chuyển nông sản, các trang thiết bị cơ giới hóa tiên tiến và bao bì, đóng gói sản phẩm để HTX tự đứng trên đôi chân của mình. HTX tin rằng trong thời gian tới, người nông dân trồng lúa sẽ sánh vai cùng các loại cây trồng khác góp phần đưa ngành nông nghiệp đi lên”, ông Nguyễn Hữu Trí nhấn mạnh
Để thực hiện thắng lợi Đề án, Giám đốc HTX Cây Trôm Bùi Văn Tuấn khuyến nghị, đúc kết từ thực tiễn của HTX cũng như từng tham gia dự án cánh đồng mẫu lớn của tỉnh Long An, muốn sản xuất quy mô lớn đòi hỏi hạ tầng phải lớn. Bên cạnh hệ thống thủy lợi đảm bảo nguồn nước, hạ tầng giao thông rất quan trọng. HTX kiến nghị nhà nước cần quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn, hỗ trợ trang thiết bị cơ giới hóa hiện đại, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Ngoài ra, cần có chính sách vay vốn linh hoạt, lãi suất thấp, dễ tiếp cận để các HTX có thể làm chủ từ đồng ruộng đến xuất khẩu lúa gạo.
“Hiện nhiều quốc gia trên thế giới có những động thái hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo tiêu dùng trong nước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cao, trong khi đó, diện tích lúa ở nhiều địa phương có xu hướng thu hẹp, do vậy chúng tôi nhận định thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội cho HTX Cây Trôm phát triển. Tham gia đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, HTX Cây Trôm dự định nâng cao chất lượng toàn bộ 500ha diện tích canh tác lúa theo tiêu chuẩn châu Âu, đồng thời tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm chế biến sâu từ hạt gạo”, anh Bùi Văn Tuấn chia sẻ.
Toàn tỉnh Long An hiện có 3 liên hiệp HTX với 12 HTX thành viên, 235 HTX với 7.400 thành viên, 1.370 THT với 20.400 thành viên. Trong đó, có 80 HTX hoạt động hiệu quả (khá, tốt), chiếm gần 35% số lượng HTX toàn tỉnh; 2 liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, chiếm 67% số lượng liên hiệp HTX toàn tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Long An luôn xác định nông nghiệp là thế mạnh, giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tập thể vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng để xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Do đó, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho HTX phát triển như vốn vay, khoa học, công nghệ, cơ giới hóa, sản xuất theo chuỗi giá trị.
“Đề án 1 triệu ha lúa lúa chất lượng cao không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, bảo đảm sức khỏe con người, tăng thu nhập cho nông dân,… mà còn xây dựng thương hiệu lúa, gạo giảm phát thải. Qua đó, tăng sức cạnh tranh và nâng cao giá trị ngành hàng lúa, gạo, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững cho tỉnh và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Nguyễn Thanh Truyền – Giám đốc Sở NN-PTNT Long An nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn