Ở đâu có trạm bơm ở đó có nước
Tây Ninh có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh dựa vào hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, do địa hình tương đối cao lại bị chia cắt bởi sông Vàm Cỏ Đông nên toàn bộ vùng sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân tại 2 huyện biên giới Châu Thành, Bến Cầu và một phần thị xã Trảng Bàng chủ yếu dựa vào thủy triều ven sông Vàm Cỏ Đông hoặc phụ thuộc vào tự nhiên. Điều này khiến vùng diện tích sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông thường xuyên thiếu nước vào mùa khô.
Được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2012, với tổng nguồn vốn lên tới gần 50 tỷ đồng, trạm bơm Bến Đình tại huyện Bến Cầu được xem là trạm bơm hiện đại và công suất lớn của tỉnh Tây Ninh. Từ khi trạm bơm được hình thành, hàng trăm ha đất nông nghiệp tại địa phương đã được phủ xanh, người dân vô cùng phấn khởi.
Ông Hồ Văn Chiến, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý các trạm bơm, cho biết: Trạm bơm Bến Định gồm 3 máy bơm, công suất mỗi máy là 75kw với tổng lưu lượng bơm 3.600 m3/giờ. Để phát huy hết công năng, ngành thủy lợi còn đầu tư hệ thống kênh chính và kênh nhánh với tổng chiều dài gần 30km, toàn bộ các tuyến kênh đều được kiên cố hóa đáp ứng vùng tưới 1.000ha thuộc các xã Tiên Thuận, Long Thuận, Lợi Thuận và thị trấn Bến Cầu.
Đang chăm sóc gần 2 ha lúa vừa xuống giống vụ mùa, anh Nguyễn Văn Tèo sống gần trạm bơm cho biết, trước kia, mỗi năm anh làm một vụ lúa mùa vì mùa khô không có nước sản xuất, cuộc sống gia đình luôn gặp khó khăn. Từ năm 2013 đến nay, gia đình anh làm ăn khấm khá hơn nhờ có trạm bơm giúp sản xuất được 3 vụ lúa trong năm, mỗi vụ năng suất đạt đến 5-6 tấn/ha.
Không chỉ riêng gia đình anh Tèo, mà phần lớn bà con sản xuất lúa trên cánh đồng tại các xã Tiên Thuận, Long Thuận, Lợi Thuận đều được hưởng lợi.
Hoàn chỉnh hệ thống trạm bơm thủy lợi
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh, bên cạnh hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng, địa phương đã xây dựng 10 trạm bơm điện với 1.759 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu. Các trạm bơm được kết nối chặt chẽ với hệ thống kênh mương đã phân phối nước hiệu quả.
Ngoài ra, công ty tiếp tục đầu tư vào việc nâng cấp các trạm bơm bằng việc áp dụng công nghệ hiện đại như hệ thống bơm tự động và điều khiển từ xa. Điều này giúp trạm bơm hoạt động ổn định và hiệu quả hơn, giảm thiểu sự cố và tăng cường khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tưới tiêu trong những thời điểm quan trọng của mùa vụ.
Trước tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán và ngập lụt, Tây Ninh đã phát huy công năng của các trạm bơm bằng cách linh hoạt chuyển đổi từ tưới tiêu sang thoát nước trong các tình huống khẩn cấp. Các trạm bơm ven sông có vai trò bơm thoát nước trong những đợt mưa lớn, giúp giảm thiểu ngập úng, bảo vệ mùa màng khỏi thiệt hại.
“Nhờ hệ thống tưới tiêu hiện đại từ các trạm bơm, Tây Ninh đang hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các mô hình canh tác như VietGAP, GlobalGAP” ông Đinh Hùng Danh, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn