Theo Phòng NN-PTNT huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, đến cuối tháng 8/2023, toàn huyện có 26 sản phẩm của 18 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó có 17 sản phẩm OCOP 4 sao, 9 sản phẩm OCOP 3 sao. “Hiện UBND huyện đang lên kế hoạch đánh giá đợt 2 năm 2023 vào cuối tháng 12 này. Dự kiến có thêm 9 sản phẩm được công nhận”, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Lâm Hà chia sẻ.
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Lâm Hà cho biết thêm, hiện nay địa phương có số lượng sản phẩm được công nhận OCOP đứng thứ 3 của tỉnh Lâm Đồng, sau TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Trên thực tế, các sản phẩm OCOP của huyện phát triển trên cơ sở vùng nguyên liệu nông sản và có thế mạnh như sản phẩm OCOP từ cà phê, trà Olong, macca, chuối Laba…
Thời gian qua, cùng với việc tổ chức hỗ trợ các chủ thể trong việc phát triển sản phẩm OCOP, chính quyền huyện Lâm Hà cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. UBND huyện đã giao các đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như voso.vn; postmart.vn và trang thông tin điện tử nongsandalatlamdong.vn.
Đồng thời, ngành nông nghiệp huyện Lâm Hà cũng phối hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức khảo sát và lựa chọn, xây dựng điểm trưng bày sản phẩm, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Khu du lịch trải nghiệm cà phê Tám Trình, đóng tại thôn 4, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà. Huyện Lâm Hà cũng tập trung triển khai xây dựng 2 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thị trấn Đinh Văn và xã Phúc Thọ (Lâm Hà).
Thời gian qua, huyện Lâm Hà cũng hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng cơ sở dữ liệu, tham gia phân phối sản phẩm trên các trang thương mại điện tử để các nhà sản xuất, đối tác kết nối, đặt hàng. Đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất về biểu mẫu OCOP, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm, xây dựng, triển khai thực hiện phương án kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, huyện Lâm Hà tổ chức hướng dẫn các các chủ thể OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì. Đặc biệt tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng, nâng giá trị sản phẩm.
Ông Nguyễn Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà thông tin, năm 2023 là năm thứ 5 địa phương thực hiện Chương trình OCOP. Về cơ bản, các xã, thị trấn đã nắm được mục đích và ý nghĩa của việc phát triển sản phẩm OCOP là xây dựng và quản bá thương hiệu nông sản tiêu biểu của địa phương. Nắm bắt được việc tham gia chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP góp phần tăng thêm kiến thức về sản xuất nông nghiệp để tạo ra nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt, sản lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Minh An, hiện nay, các sản phẩm OCOP của huyện được xếp hạng có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn.
Huyện Lâm Hà xác định, Chương trình OCOP là giải pháp, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Do vậy, huyện Lâm Hà tiếp tục xây dựng, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Dự kiến, đến năm 2025, toàn huyện có khoảng 30 sản phẩm chứng nhận OCOP.
Cùng với việc hỗ trợ các chủ thể phát triển mới sản phẩm OCOP, nâng cấp sản phẩm đã được cấp chứng nhận, huyện Lâm Hà hướng đến ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP từ các nông sản chủ lực, ngành nghề nông thôn truyền thống trên địa bàn các xã, thị trấn như sản phẩm từ trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, phát triển du lịch canh nông, dệt thổ cẩm truyền thống…
Nguồn: nongnghiep.vn