Đắk Lắk là tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp lợi thế, đặc trưng, do đó tỉnh xác định chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là đòn bẩy giúp phát triển kinh tế nông thôn. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh có 230 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 42 sản phẩm đạt 4 sao và 185 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP thuộc 144 chủ thể, gồm 51 doanh nghiệp, 34 hợp tác xã và 59 hộ kinh doanh.
Thông qua Chương trình OCOP đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực đặc sản của địa phương như: cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca… để cùng với các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Với diện tích trên 210 nghìn ha, sản lượng hàng năm xấp xỉ 550 nghìn tấn, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk. Do đó, tỉnh đang trên đà khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng này. Đến nay, cà phê là sản phẩm được chứng nhận OCOP nhiều nhất với trên 70 sản phẩm từ 3-4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Trong đó, TP Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar là 2 địa phương thuộc tốp đầu về số lượng sản phẩm cà phê được chứng nhận OCOP. Các sản phẩm tiêu biểu như: Cà phê bột nguyên chất và hạt rang mộc nguyên chất Ea Tu của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Ea Tu, Cà phê Robusta chế biến ướt của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Ea Kiết, Cà phê hạt Trung Hòa đặc biệt của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ cà phê bột Trung Hòa,… Đặc biệt, sản phẩm cà phê chồn Kiên Cường của Công ty TNHH MTV Kiên Cường được đánh giá tiềm năng 5 sao.
Để không ngừng nâng cấp, phát triển sản phẩm, từ đó cho ra đời sản phẩm cà phê chất lượng cao, các chủ thể OCOP đều chú trọng đến quy trình từ trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê. Nhận thấy tiềm năng liên kết và chế biến sâu sản phẩm mắc ca, Công ty TNHH mắc ca Đắk Lắk đã xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến tại thị xã Buôn Hồ.
Công ty liên kết chặt chẽ với người nông dân từ khâu liên kết đầu vào để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, sạch, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, nhà máy được Công ty cải tiến quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng bộ tiêu chí OCOP. Đến nay, Công ty đã có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao.
Trong khi đó, Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn thực hiện hiệu quả việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của 2 hợp tác xã ca cao trên địa bàn tỉnh với vùng nguyên liệu rộng 200ha.
Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn cho biết, các chủ thể tham gia chuỗi liên kết được Công ty tập huấn kỹ thuật trồng, lên men sản phẩm đạt chất lượng và được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg, qua đó khẳng định được chất lượng và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm ca cao. “Hiện Công ty có 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao, trong đó sản phẩm Hương sắc Tây Nguyên được đánh giá tiềm năng 5 sao”, ông Quang cho hay.
Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk nhận định, phát triển sản phẩm OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế nông thôn, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Do vậy, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP không chỉ là cơ hội để các sản phẩm địa phương khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, mà còn góp phần phát huy hiệu quả, tiềm năng bản địa hướng đến xây dựng các sản phẩm đặc thù và trở thành đặc sản của tỉnh. Tỉnh Đắk Lắk dự kiến đến cuối năm 2024 có thêm 40-50 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên.
Nguồn: nongnghiep.vn