Báo cáo công tác của năm 2024, ông Trần Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, cho biết: “Chi cục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với trọng tâm là triển khai các phương án phát triển rừng, ngăn chặn vi phạm trên đất rừng và bảo vệ các loài động vật quý hiếm. Công tác ứng trực phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), đặc biệt là dịp nghỉ lễ, tết và những ngày thời tiết hanh khô được thường xuyên đảm bảo”.
Cụ thể, Chi cục tổ chức thường trực 24/24 trong những ngày thời tiết hanh khô kéo dài, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhằm chủ động trong công tác ứng cứu, chữa cháy rừng. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã có rừng phân công kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở để chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong công tác PCCCR, bảo vệ và trồng rừng.
Tuy nhiên, ông chỉ rõ hiện trạng cháy rừng ở huyện Sóc Sơn còn diễn biến phức tạp. Đây là năm đầu tiên Chi cục phải tăng cường nguồn lực cơ động và điều động cán bộ tại các đơn vị để hỗ trợ Sóc Sơn kiểm soát cháy rừng cũng như ngăn chặn các sai phạm trên đất rừng. “Đã có ngày xảy ra tới 3 vụ cháy rừng”, lãnh đạo Chi Cục Kiểm lâm chỉ rõ tính cấp thiết bảo vệ rừng trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT ghi nhận số vụ cháy (15 vụ) đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả có được là nhờ sự phối hợp tốt giữa lực lượng Hạt Kiểm lâm Hà Nội và các lực lượng quân đội, cảnh sát PCCC, lực lượng dân quân nên các vụ cháy đều được dập tắt kịp thời.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT giao nhiệm vụ PCCCR cho Chi cục Kiểm lâm và các huyện có rừng, yêu cầu bám sát hiện trường, phối hợp chặt chẽ và báo cáo kịp thời cho lãnh đạo huyện cũng như Chi cục. Ngoài ra, cần xử lý triệt để các hành vi phá hoại đất rừng và kiểm soát các hoạt động du lịch tự phát, vốn là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ cháy rừng.
Ngoài ra, Chi cục thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các cơ sở, trại nuôi ĐVHD thực hiện đúng quy định của nhà nước, tăng cường công tác quản lý động vật hoang dã (ĐVHD), 274 cơ sở gây nuôi 172 loài ĐVHD với số lượng là 80.836 cá thể và 97,8 kg cá thể ĐVHD, 01 cơ sở trồng cấy 71 loài thực vật. Tịch thu 1.282 cá thể động vật thông thường và 233 cá thể động vật quý hiếm trong tổng số 107 vụ vi phạm hành chính.
Chi cục phối hợp với Cơ quan quản lý CITES và WWF-Việt Nam tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm làm từ ngà voi; tuyên truyền vận động 05 cơ sở tự nguyện giao nộp 07 cá thể gấu vào Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc và Vườn quốc gia Bạch Mã, Huế. Năm 2024, Chi cục đã cấp mã số cơ sở nuôi, trồng động vật, thực vật theo quy định tại nghị định 06/NĐ-CP ngày 22/01/2019 và nghị định số 84/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ cho 35 cơ sở.
Trong năm 2025, Chi cục đề xuất Cục Kiểm lâm và Bộ NN-PTNT hoàn thiện phần mềm theo dõi diễn biến rừng đặc biệt là phần mềm FRMS mobile trên hệ điều hành IOS để thu thập thông tin biến động về rừng trong công tác ngoại nghiệp. Ngoài ra, tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm FRMS desktop, FRMS mobile để nâng cao năng lực nghiệp vụ cho các cán bộ kỹ thuật phụ trách công tác theo dõi diễn biến rừng, các nghiệp vụ Kiểm lâm theo quy định của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ giúp nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ kiểm lâm.
Nguồn: nongnghiep.vn