Nước mắt người ở lại
Thắp nén hương lên bàn thờ con trai, con dâu và những đứa cháu nội đã vĩnh viễn ra đi sau vụ sạt lở đất kinh hoàng vào tháng 10/2020, bà Hồ Thị Tà Ơn năm nay đã ngoài 70 tuổi lau vội hai dòng nước mắt lăn trên gò má. Bà Ơn thương cái phận già của mình bao nhiêu thì thương các con, cháu của mình bấy nhiêu.
Tháng 10 năm đó, mưa liền cả chục ngày. Cây cối trên rừng như đổ gục trước những cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên. Nước từ các khe suối, từ trên đỉnh các ngọn đồi ào ào đổ xuống. Cả thôn Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị từ già, trẻ, trai gái không ai dám ra khỏi nhà. Nhưng, những ngôi nhà chênh vênh bên sườn núi; những ngôi nhà nằm sát suối Tà Rùng, cạnh tỉnh lộ 587 cũng không lấy gì đảm bảo sẽ chở che cho hàng trăm nhân mạng trong thôn.
Đến khoảng 17 giờ chiều ngày 17/10, khi vợ chồng bà Ơn đang ở trong ngôi nhà của con cả Hồ Văn La Hơi thì nghe tiếng động mạnh phát ra từ nhà người con thứ Hồ Văn Phơi nằm ngay bên cạnh. Sau đó, ngôi nhà đổ sập, đất đá từ trên núi trào xuống vùi lấp tất cả.
Chỉ trong phút chốc, ngôi nhà của Hồ Văn Phơi chỉ còn là đống đổ nát chìm hẳn dưới lớp bùn đá nhão nhoẹt. Mọi người đổ xô đến gào khóc, tìm cách đưa những người xấu số ra ngoài nhưng không thể. Đến sáng ngày 18/10, sau rất nhiều nỗ lực, lực lượng chức năng mới tìm được thi thể của các nạn nhân trong vụ sạt trượt. 7 người trong gia đình nạn nhân Hồ Văn Phơi, trong đó có một đứa bé chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã vĩnh viễn ra đi.
“Sao ông trời không lấy hai cái mạng già này đi để đổi lại sự sống cho các con, cháu của tôi. Chúng nó đi không kịp nói một lời nào với người ở lại”, bà Ơn giàn giụa nước mắt.
Sau trận sạt lở đất kinh hoàng đó, từ nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, vợ chồng bà Ơn được cấp một ngôi nhà xây, tuy nhỏ nhưng kín trên, bền dưới, cách điểm xảy ra vụ sạt lở đất chừng 2km. Ngày ngày, con cháu ông bà thường lui tới chăm sóc, động viên nhưng đã gần 4 năm trôi qua, những người ở lại vẫn không nguôi nhớ thương người đã khuất. Còn gia đình người con cả Hồ Văn La Hơi thì vẫn ở tạm cạnh ngôi nhà người em trai đã gặp nạn để tiện cho việc canh tác nương rẫy, khi trời mưa to gió lớn lại khăn gói về ở với ông bà.
Cũng như một số hộ dân khác, gia đình ông Hồ Văn Khăm hiện vẫn còn giữ nguyên lán trại canh rẫy ngay bên triền đồi nằm cạnh tỉnh lộ 587. Sau trận sạt lở đất tháng 10/2020, ngôi nhà cũ của ông bà cùng các con cháu vẫn còn nguyên vẹn nhưng phía trên ngọn núi, một vết nứt dài đã xuất hiện và ngày càng rộng thêm. Gia đình ông Khăm đã được di dời đến chỗ ở an toàn. Ngôi nhà này chỉ là nơi gia đình ông ở tạm canh rẫy, khi trời mưa to gió lớn thì cả nhà đều về lại nơi ở mới.
“Ngày đó may mắn là đất đá không đổ xuống nhà tôi nhưng phía trên núi cũng có vết nứt dài. Giờ gia đình tôi đã được làm nhà ở chỗ mới, an toàn và khang trang hơn. Nhưng ở Tà Rùng còn nhiều hộ ở cạnh tỉnh lộ 587 và cạnh suối Tà Rùng, mùa mưa đến rất nguy hiểm”, ông Khăm lo lắng.
Mạng sống như “ngàn cân treo sợi tóc”
Thôn Tà Rùng hiện có trên 180 hộ dân với trên 800 nhân khẩu. Một số ít sống dọc tỉnh lộ 587, đa phần sống dưới thung lũng, men theo suối Tà Rùng. Đây là một con suối nhỏ, dốc. Vào mùa khô, nước chảy róc rách như đàn cầm bên tai nhưng vào mùa mưa, nước từ khắp nơi đổ về, suối Tà Rùng trở nên hung dữ. Những gì nằm cạnh dòng suối này đều bị cuốn trôi, không một dấu tích để lại.
Do khu vực quần cư của thôn Tà Rùng thấp, xung quanh bao bọc bởi núi nên lượng nước đổ về bất ngờ sẽ khiến nguy cơ sạt lở cao. Người dân Tà Rùng vì thế rất lo lắng nhưng từ bao đời nay đã gắn bó với thung lũng này lại không có kinh phí di dời, không có khu tái định cư nên đành ở lại đây. Ở lại thôn Tà Rùng, mạng sống như ngàn cân treo sợi tóc nhưng biết đi đâu, về đâu bây giờ?
Ông Hồ Hoàng Hiền, trưởng thôn Tà Rùng cho biết thêm, từ các nguồn hỗ trợ, địa phương đã được cấp các biển cảnh báo nguy hiểm trên tuyến tỉnh lộ 587. Tuy nhiên, cùng với thời gian, những chiếc biển báo này cũng đã hư hỏng hiện chưa khắc phục được. Người dân trong thôn đã quen với những đoạn đường nguy hiểm này nhưng với người lạ thì nguy cơ gặp sự cố rất cao, nhất là mùa mưa lũ.
“Đây là tuyến độc đạo đi vào thôn Cu Dong, qua một số xã của huyện Hướng Hóa và Đakrông. Tuy nhiên, biển cảnh báo nguy hiểm hiện đã hư hỏng hết rồi. Người đi đường, nếu không có biển cảnh báo sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Người dân thôn Tà Rùng từ lâu đã mong muốn được di dời đến nơi ở an toàn nhưng hiện vẫn chưa được đáp ứng. Chúng tôi rất lo lắng cho sinh mạng của hàng trăm nhân khẩu trong thôn”, ông Hiền trăn trở.
Ông Hồ Văn Mũa, Phó Chủ tịch UBND xã Húc cho hay, sau trận sạt lở vào cuối năm 2020, một số hộ dân cạnh tỉnh lộ 587 đã di dời đến nơi ở mới; một số hộ chưa được di dời do chưa có quỹ đất; một số ở lại để canh tác nương rẫy. Tỉnh lộ 587 có nhiều dốc cao, bên cạnh là những ngọn đồi đã có dấu hiệu nứt gãy. Vì vậy, khi mưa lớn, sạt lở gây nguy hiểm là điều khó tránh khỏi. Toàn xã Húc hiện có khoảng 120 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, chủ yếu tại thôn Tà Rùng và Cu Dong; 15 điểm cạnh tỉnh lộ 587 và 2 điểm lũ lụt chia cắt tại cầu tràn La La và suối Khe Dong. Hễ vào mùa mưa lũ, chính quyền địa phương lại như ngồi trên đống lửa.
Trước tình trạng sạt lở có thể xảy đến bất cứ lúc nào, nhiều lần UBND xã Húc đã có tờ trình gửi các cấp có thẩm quyền đề xuất các phương án di dân, tái định cư. Tuy nhiên, đến nay, các ngành chức năng vẫn chưa tìm ra phương án giải quyết. UBND huyện Hướng Hóa cũng đã lên phương án xây dựng khu tái định cư nhưng hiện vẫn chưa triển khai. Vì vậy, hàng trăm hộ dân tại xã Húc vẫn sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu, nhất là mùa mưa bão đã cận kề.
“Mùa mưa đến, chính quyền rất lo lắng và phải lên các phương án sơ tán trong tình huống khẩn cấp. Các biển cảnh báo nguy hiểm di động, xã giao cho các thôn quản lý, khi mưa bão sẽ đem ra cắm. Các biển cảnh báo nguy hiểm cố định hiện có 1 số bị hư hỏng. Xã sẽ chỉ đạo in lại để cắm tại các vị trí xung yếu”, ông Hồ Văn Mũa, Phó Chủ tịch UBND xã Húc.
Nguồn: nongnghiep.vn