Phúc Sinh là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam nhận được tài trợ từ nước ngoài cho mục tiêu phát triển bền vững. Thế nhưng, không phải khi đã trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành nông nghiệp, tập đoàn Phúc Sinh mới theo đuổi tư duy kinh tế xanh. Bởi lẽ, doanh nhân Phan Minh Thông- nhà sáng lập tập đoàn Phúc Sinh vào năm 2001, ngay từ lúc khởi nghiệp đã có ý thức hành động vì môi trường, vì khí hậu.
Việt Nam gia nhập WTO từ năm 2007 đã tạo cho doanh nghiệp trong nước nhiều cơ hội, song cũng đối mặt với thách thức về yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm, và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Ngành nông nghiệp Việt Nam gặp khó khăn do công nghệ chế biến còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa cao, trong khi nhu cầu thị trường ngày càng nghiêm ngặt. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu với hạn hán, lũ lụt và thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và sinh kế nông dân, cùng với hệ lụy từ suy giảm đa dạng sinh học và lạm dụng hóa chất trong canh tác.
Trước áp lực từ khách hàng và thị trường, Phúc Sinh đã triển khai dự án phát triển bền vững nhằm hỗ trợ nông dân, bảo vệ môi trường, và nâng cao giá trị cà phê và hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm mà còn giúp nông dân nâng cao nhận thức, áp dụng khoa học kỹ thuật, chú trọng nhân quyền, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ sau.
Năm 2010, Phúc Sinh bắt đầu triển khai dự án bền vững tại Đắk Lắk, đối mặt với nhiều thách thức về ngôn ngữ và sự khác biệt văn hóa khi tiếp cận nông dân địa phương. Sau thất bại ban đầu, công ty không nản chí, mà tăng cường đội ngũ địa phương và xây dựng lòng tin với cộng đồng. Năm 2014, dự án đạt chứng nhận bền vững UTZ (nay là Rainforest Alliance), giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện kỹ thuật canh tác và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Dự án không chỉ tăng giá trị cà phê Việt Nam mà còn thu hút nhiều khách hàng quốc tế.
Phúc Sinh tiếp tục mở rộng dự án sang các tỉnh Đắk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sơn La và mở rộng hàng năm. Mục tiêu là hỗ trợ sinh kế bền vững cho nông dân, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, và thúc đẩy canh tác hữu cơ. Công ty hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, sạch và bền vững, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.
Tập đoàn Phúc Sinh có sáng kiến xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà phê tại Sơn La: Tận dụng vỏ cà phê Arabica thay vì bỏ đi, Phúc Sinh đã sản xuất ra sản phẩm trà Cascara. Điều này không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra một sản phẩm giá trị cao, có lợi nhuận, và giữ cho chu trình sản xuất cà phê khép kín, không phát sinh chất thải.quả cà phê chín.
Đồng thời, tập đoàn Phúc Sinh cũng triển khai mô hình trồng hồ tiêu kiểu mẫu theo hướng hữu cơ tại Tây Nguyên. Trên địa bàn Đắk Nông và Đắk Lắk, Phúc Sinh đã hỗ trợ chi phí phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho nông dân, đồng thời cung cấp đội ngũ chuyên gia đồng hành sát sao. Dự án tổ chức đào tạo thực địa cho nông dân về kỹ thuật canh tác hữu cơ, quản lý rủi ro sâu bệnh, và bảo vệ môi trường, từ đó giúp nông dân nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm một cách bền vững.
Phúc Sinh không chỉ làm việc với nông dân trong dự án mà còn mời cả nông dân chưa tham gia đến học hỏi và nâng cao kỹ thuật. Điều này mở rộng ảnh hưởng của mô hình đến cộng đồng xung quanh, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững. Hơn thế nữa, Phúc Sinh đã tạo dựng mối quan hệ gắn kết với nông dân và khách hàng quốc tế, giúp người nông dân hiểu về giá trị của canh tác hữu cơ và đưa sản phẩm cà phê Việt Nam ra thị trường quốc tế, đồng thời xây dựng hình ảnh Việt Nam là một nơi sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.
Sáng kiến xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quá trình sản xuất cà phê của Phúc Sinh tại Sơn La và các mô trình trồng hồ tiêu kiểu mẫu theo hướng canh tác hữu cơ ở Tây Nguyên của Phúc Sinh không chỉ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cà phê và hồ tiêu mà còn góp phần xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống của nông dân, tăng thu nhập, nâng cao nhận thức, bảo vệ môi trường…. Xây dựng hướng phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi sản phẩm thân thiện với môi trường. Qua đó, Phúc Sinh mong đợi hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Năm 2025, cùng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tập đoàn Phúc Sinh dự kiến tiếp tục mở rộng mô hình trồng cà phê kiểu mẫu tại Sơn La, tập trung vào quy trình đạt chứng nhận hữu cơ. Mục tiêu đến năm 2030, sẽ xây dựng một lượng lớn vườn cà phê kiểu mẫu đạt chứng nhận Organic, để lan tỏa kỹ thuật và kinh nghiệm canh tác bền vững đến nhiều nông dân hơn.
Các dự án của Phúc Sinh đã mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân trồng cà phê và hồ tiêu, đồng thời nâng cao nhận thức của họ về bảo vệ sức khỏe, môi trường, và duy trì đa dạng sinh học trên vườn cây. Việc này giúp bảo vệ dinh dưỡng đất, giảm xói mòn và phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, người dân sống xung quanh khu vực triển khai dự án cũng được hưởng lợi, khi có cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật và quan sát trực tiếp hiệu quả của quy trình canh tác bền vững thông qua các mô hình kiểu mẫu. Dự án còn giúp Phúc Sinh sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao, nổi bật trên thị trường quốc tế và đạt chỉ dẫn địa lý với hai sản phẩm: Cà phê Arabica Blue Sơn La và Trà Cascara Blue Sơn La.
Tập đoàn Phúc Sinh đặt ra mục tiêu nâng cao kiến thức cho người nông dân về kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác bền vững, giúp họ nắm vững kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, từ đó cải thiện quy trình sản xuất, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng cường sự đa dạng sinh học trên vườn cây. Ngoài ra, còn giúp nông dân xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và lan tỏa tinh thần canh tác nông nghiệp bền vững và thích nghi trước biến đổi khí hậu.
Doanh nhân Phan Minh Thông chia sẻ: “Người nông dân tăng thêm thu nhập nhờ canh tác bền vững, cải thiện mức sống, tiếp cận được kiến thức khoa học kỹ thuật và áp dụng vào canh tác. Bên cạnh đó sự đa dạng sinh học và các cây gỗ quí trồng xen trên vườn cây sẽ tăng độ phủ (che bóng) cho vườn cây, giảm phát thải khí nhà kính và tương lai sẽ có giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Chúng tôi khuyến khích sự hợp tác và kết nối giữa các nông dân, tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ hơn, cùng nhau hỗ trợ và phát triển cùng nhau xây dựng một hệ thống nông nghiệp canh tác theo hướng bền vững, hữu cơ, giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững, từ đó thay đổi thói quen và hành vi của cộng đồng. Vì tiếng nói và sự lan tỏa từ người nông dân với nhau có tính kết nối dễ dàng hơn đối với tiếng nói từ doanh nghiệp”.
Hành trình phát triển bền vững của tập đoàn Phúc Sinh không chỉ nằm trên những con số lợi nhuận mà tích cực lan tỏa mạnh mẽ tinh thần sản phẩm sạch, nông nghiệp xanh, môi trường trong lành, cộng đồng văn minh.
Nguồn: nongnghiep.vn