Năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) hơn 47,5%, giảm 3,76% so với năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 22,7 triệu đồng/người/năm. Riêng năm 2023, qua rà soát sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 44,2%, giảm hơn 3,3% so với năm trước.
Bên cạnh dồn lực hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, năm 2023 huyện Ngân Sơn đã tổ chức khoảng 30 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, với hàng trăm người tham gia.
Ngành nghề đào tạo chủ yếu sản xuất nông nghiệp, xây dựng, nấu ăn, đào tạo nghề trồng và khai thác rừng … Qua các lớp học nghề giúp người lao động thay đổi thói quen canh tác truyền thống sang hướng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, nâng cao thu nhập.
Chị Hoàng Thị Nhung (xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn) cho biết, gia đình có hơn 5.000m2 rừng, trước đây chỉ trồng theo kinh nghiệm, sau khi tham gia học nghề về trồng rừng và khai thác rừng, bản thân có thêm kiến thức để trồng rừng hiệu quả hơn. Sau khi đào tạo nắm được chu trình sinh trưởng, chăm sóc cây từ khi trồng đến lúc khai thác nên sẽ áp dụng được vào thực tế.
Hiện nay, huyện Ngân Sơn thực hiện dạy nghề theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Trong đó huyện ưu tiên đào tạo lao động nông thôn, lao động thuộc diện hưởng chính sách người có công với cách mạng, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó đào tạo nghề cho người nghèo có nhu cầu học nghề, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng thực hành, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhiều hộ nghèo sau đào tạo tiếp cận được thị trường lao động ở nước ngoài hoặc tại các khu công nghiệp tại những tỉnh trong khu vực.
Để có thêm nguồn lực, huyện Ngân Sơn cũng khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo gắn với tạo việc làm, dạy nghề phù họp với cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề thế mạnh của địa phương. Ưu tiên dạy các nghề có thể tự tạo việc làm tại chỗ, những nghề có nhu cầu cao, có khả năng tìm được việc làm trên thị trường.
Ngoài ra, huyện Ngân Sơn cũng hỗ trợ học phí học nghề cho lao động thuộc hộ nông dân bị thu hồi đất để thực hiện công trình dự án phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.
Song song với công tác đào tạo nghề, huyện Ngân Sơn cũng thực hiện đồng bộ chính sách ưu đãi đối với những doanh nghiệp mở rộng hoạt động ở các xã khó khăn hoặc thu hút nhiều lao động là người nghèo. Cụ thể ưu đãi về thuế, tiền thuê đất để doanh nghiệp phát triển các nghề có thu nhập cao, tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động nói chung, người nghèo nói riêng.
Hàng năm, huyện rà soát tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở dân doanh ổn định phát triển sản xuất, làm tiền đề duy trì và tạo thêm việc làm mới ở địa phương.
Ông Phạm Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết, bên cạnh đào tạo nghề, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện có ngân sách tổ chức các phiên tư vấn hướng nghiệp, giao dịch việc làm tại các xã. Huyện cũng tổ chức thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động, tổ chức khảo sát, điều tra thu thập thông tin thị trường lao động tại 10/10 xã, thị trấn.
Tại các phiên tư vấn hướng nghiệp các đơn vị, doanh nghiệp đã quảng bá, giới thiệu những hình thức đào tạo nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh, tuyển dụng lao động, việc làm. Từ đó nhiều lao động tại địa phương đã tìm được việc làm, các ngành nghề tuyển dụng cũng rất đa dạng như may công nghiệp, chế biến món ăn, nông nghiệp, cơ khí, điện lạnh, điện tử.
Nguồn: nongnghiep.vn