Đầu năm 2024, khu nuôi tôm công nghệ cao quy mô bậc nhất tỉnh Quảng Ninh đã chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động. Anh Đặng Bá Mạnh – Giám đốc HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả cho biết: “Mô hình nuôi tôm của Hợp tác xã được xây dựng trên tổng diện tích 6ha, trong đó 4ha dành cho khu xử lý và dự trữ nước, 2ha ao nuôi tôm gồm 12 ao nuôi với diện tích từ 500m2 – 1.000m2/ao. Công nghệ nuôi tôm chúng tôi áp dụng rất tiên tiến theo 3 giai đoạn và được nuôi trong nhà bạt cải tiến”.
Với việc ứng dụng công nghệ cao, anh Mạnh cho biết sẽ điều chỉnh và đảm bảo các yếu tố về môi trường nuôi như nhiệt độ, độ ẩm, con giống… Từ đó giúp tôm sinh trưởng tốt, phòng tránh được dịch bệnh và nuôi được quanh năm.
Đầu tháng 7 vừa qua, anh Mạnh thu hoạch mẻ tôm nuôi đầu tiên với sản lượng hơn 50 tấn. Theo tính toán của anh Mạnh, nếu thuận lợi, mỗi năm HTX có thể xuất bán ra thị trường từ 450 – 500 tấn tôm.
Sau khi thăm quan HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả, bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đánh giá đây là mô hình tiêu biểu, cần khuyến khích đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các địa phương, đơn vị có liên quan cần tạo điều kiện, hỗ trợ về thủ tục pháp lý để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu triển khai đầu tư.
Cùng với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, cuối tháng 10/2024, trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Greentech (huyện Hải Hà) đã chính thức được vận hành. Dự án có tổng diện tích 45,2ha với số vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng, quy mô thiết kế nuôi 5.000 lợn nái, 20.000 lợn cai sữa và 40.000 lợn thịt/lứa (2 – 3 lứa/năm).
Trang trại được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, bao gồm hệ thống cho ăn, làm mát tự động bằng thiết bị nhập khẩu châu Âu, thiết bị khung chuồng toàn bộ mạ kẽm nhúng nóng… Trung tuần tháng 11 vừa rồi, đơn vị đã đưa vào vận hành hệ thống chuồng nuôi lợn thương phẩm.
Những năm qua, đã có rất nhiều đơn vị, công ty, hộ gia đình tiên phong đầu tư, phát triển những mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình ngày càng phát huy được hiệu quả, đặc biệt khi được phát triển theo chiều sâu, mở rộng sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường và hình thành các vùng canh tác an toàn.
Tiêu biểu có thể kể đến Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 với mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh công nghệ của Israel và Hà Lan; HTX Tuyên Hiền làm chủ công nghệ thụ tinh nhân tạo để sản xuất gà giống; HTX Sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Bắc Việt sản xuất giống thủy sản…
Để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Quảng Ninh đã và đang có nhiều chính sách để hỗ trợ về vốn, hạ tầng…; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, đẩy mạnh xúc tiến thương mại; dự báo thị trường và liên kết “4 nhà” để tiêu thụ nông sản cho nông dân…
Với việc mạnh dạn đầu tư và ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp tại Quảng Ninh đã từng bước tăng trưởng mạnh mẽ, tạo đột phá về năng suất, chất lượng của sản phẩm.
Nguồn: nongnghiep.vn